Ly kỳ thi thể cô gái trẻ trong đống cỏ 17 năm về trước
Một cô gái trẻ bị sát hại để lại trong đống cỏ gianh trên đỉnh núi Lở. Còn nhớ khi ấy, những người làm án đã dám đương đầu với những rủi ro, đánh cược cả uy tính của mình nếu có sai sót, để đi đến quyết định cần thiết, và rồi họ đã thành công.
Buổi sáng ngày 7-5-2003, cô gái trẻ Đặng Thị Tâm (sinh năm 1985, người Dao ở làng Cài) đi phát cỏ nương trên đỉnh núi Lở. Đêm xuống không thấy Tâm về, cả bản đỏ đuốc kiếm tìm. Tại nương ngô, chỉ có đống cỏ đã phát xong đang chất đống cùng chiếc cào cỏ nằm chỏng chơ.
Xác chết dưới lùm cây
Thời điểm đó trong thôn có một số cô gái theo người lạ đi làm ăn xa, nên giả thuyết này được đặt ra. Người nhà Tâm bèn dò hỏi khắp nơi, rồi đi Hà Nội, lên Lào Cai, sang Lạng Sơn…Sau bao ngày mỏi mắt tìm kiếm nhưng Tâm vẫn “biệt vô âm tín”.
Vài ngày sau, gió từ đỉnh núi mang hơi thối lan tỏa thoang thoảng khắp vùng thung lũng. Dân làng hè nhau lên núi Lở lần nữa. Càng lên cao, mùi lợm giọng càng đậm đặc. Người ta rà soát từng lùm cây, bờ cỏ. Cuối cùng khi đến một cây Ngoã rất to thì phát hiện xác chị Tâm bị vùi sâu dưới lớp cỏ úa.
Điều khiến dân làng kinh hãi là hai tay cô gái bị trói chặt vào cổ, đôi hoa tai bằng vàng Tâm thường đeo đã biến mất. Thi thể đang trong thời kỳ phân hủy, thối rữa, bốc mùi khăn khẳn lộng óc.
Tin dữ cấp báo về Phòng Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Yên Bái. Khi đó tôi đang là Chỉ huy Đội điều tra án xâm phạm nhân thân, nhận lệnh từ Trung tá Bùi Duy Hiển (Quyền trưởng phòng CSĐT khi đó, nay đã về hưu), chúng tôi huy động toàn bộ lính trọng án tức tốc lên đường. Đến Công an huyện Văn Yên, cuộc họp diễn ra chóng vánh. Cánh hình sự tại chỗ được bổ sung vào Đoàn công tác, trực chỉ hướng Lâm Giang thẳng tiến.
Đỉnh núi Lở có độ cao hơn 1000 m so với mặt nước biển. Hành trình đến hiện trường thực sự gian khổ. Vách núi dựng đứng, chúng tôi bám lau sậy đu người leo lên theo vết người trước đã đi. Nắng đầu hạ chói chang, trời xanh ngằn ngặt tịnh không một đọn mây, khiến đoàn công tác cứ leo được vài mét lại dừng lại thở dốc. Dường như cứ lên cao 1 mét, đồ vật mang theo người lại tăng lên 1 kg. Khẩu súng ngắn giắt cạp quần càng lúc càng nặng.
Cánh pháp y, kỹ thuật hình sự còn phải lễ mễ xách theo va ly khám nghiệm, mồ hôi ròng ròng trên những khuôn mặt đỏ bừng rồi tím tái nhợt nhạt vì mệt. Nếu khi lên đã là một cực hình, thì lúc xuống núi cái chết lại hiện hữu, vì vực sâu hàng trăm mét đang chờ những cú sa chân. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa quên cảm giác nghẹt thở trong những lần lên xuống ngọn núi ấy.
Vậy mà bởi sốt ruột công việc, Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng – (Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái khi đó, nay đã nghỉ hưu) cũng nhiều lần cất công leo vách núi dựng ngược, hì hục leo lên tận hiện trường, xục tay vào những chồng cỏ khô để tìm kiếm dấu vết, vật chứng. Tất nhiên, theo sau ông là chúng tôi.
Quá ngán ngẩm với những cuộc “điền dã” như thế, nên khi tin “sếp Dũng lại lên”, cánh lính trẻ lại nhìn nhau…lè lưỡi. Nhưng có đi làm cùng với những bậc thầy về nghề điều tra, mới học lỏm được nhiều điều không sách nào dạy.
Những lần tháp tùng “sếp” lên hiện trường, chúng tôi nhìn ông làm mà “xanh mắt”. Tay trần ông bới tung từng lớp cỏ gianh, xông vào các bụi cây trong khu vực hiện trường, bất chấp việc dưới những lớp cỏ khô đã bò ra những con cạp nong, hổ mang gớm ghiếc.
Còn nhớ có hôm vào giữa trưa nắng chang chang, ông yêu cầu nhóm chỉ huy chúng tôi, từng người đưa ra nhận định về sợi dây trói, cách trói ghì 2 tay nạn nhân vào cổ, để đưa ra giả thuyết về thói quen, nghề nghiệp của hung thủ, vì cách trói rất lạ.
Qua từng việc làm, ông dạy chúng tôi một điều quan trọng: “Công tác điều tra trọng án không thể làm “chàng màng”, kiểu “chuồn chuồn đạp nước” mà được. Phải chịu gian khổ, vất vả, bám sát và nghiên cứu thật kỹ hiện trường, để tìm ra những dữ kiện của đầu bài. Người giỏi điều tra, là người biết liên kết các sự vật, hiện tượng như các mảnh ghép rời rạc, tưởng chừng chẳng liên quan đến nhau, để cho ra một chỉnh thể từ đó làm rõ sự thật của vụ án”. Chính nhờ sự tỷ mỷ mà vụ án hóc búa này được chúng tôi tìm ra lời giải sau đó ít lâu.
Sau khi khám nghiệm kỹ lưỡng một vùng hiện trường rộng lớn, chúng tôi rút ra xã, tổ chức họp án ngay tại nhà ông Bí thư Đảng uỷ xã. Trong ánh đèn dầu tù mù (thời đó xã chưa có điện), những phán đoán, nhận định về tính chất vụ án được đặt ra.
Tôi báo cáo nhận định của mình, rằng kẻ thủ ác nhất định phải là người có lý do công việc nào đó tại hiện trường, như làm nương rẫy, đi săn bắn…chứ không cất công leo ngược vách núi dựng đứng lên hiện trường để…chơi. Ngọn núi cũng không phải địa bàn đầu mối giao thông công cộng, nên có thể loại trừ hoàn toàn yếu tố vãng lai, hay đối tượng “xuyên khe” từ địa bàn khác đến.
Trung tá Bùi Duy Hiển tán thành ý kiến này, rồi đưa ra nhận định tính chất vụ án là giết cướp tài sản, vì căn cứ vào lời khai của gia đình nạn nhân, chị Tâm đã bị mất đôi hoa tai bằng vàng. Khi đó, chúng tôi chưa nghĩ đến khả năng nạn nhân còn bị xâm hại tình dục, vì thi thể đã thối rữa. Việc khám nghiệm bộ phận sinh dục nạn nhân không thu được những dấu vết sinh học lạ.
Sau khi nghe các điều tra viên báo cáo, Trung tá Bùi Duy Hiển chỉ đạo chúng tôi tập trung quân lực tổng rà soát các hộ dân có nương rẫy gần hiện trường và những người thường săn bẫy thú rừng trong vùng, để tìm ra những nam giới có biểu hiện nghi vấn trước, trong và sau khi vụ án xảy ra. Đặc biệt là những người có mặt gần khu vực hiện trường vào thời điểm cô Tâm bị giết.
Những ngày sau, bước chân trinh sát rầm rập khắp các thôn xóm gần hiện trường. Những trường hợp có khả năng liên quan đều được rà soát, đưa vào diện nghiên cứu rồi loại khỏi diện nghi vấn nếu có chứng cứ ngoại phạm.
Còn nhớ khi ấy anh Nguyễn Xuân Lai – (Trưởng Công an xã Lâm Giang) đã huy động toàn thể ban Công an xã phối hợp với đoàn công tác rất chặt chẽ, từ việc thu xếp nơi ăn, chốn ở cho mấy chục anh em, đến cử Công an viên dẫn đường cho các mũi xác minh, truy tìm đối tượng…
Là người địa phương, nắm trong lòng bàn tay tình hình dân cư, nên cứ hỏi anh Lai là ra gốc rễ mọi chuyện trên địa bàn. Nghề điều tra mà không dựa vào cơ sở, thì có “tài thánh” cũng chẳng thể làm gì khi con người không biết, thông thổ chẳng hay. Bởi thế mà trong suốt quá trình đánh án, tôi luôn theo sát anh như hình với bóng, hiểu ra khối chuyện trong xã, giúp cho việc khoanh vùng đối tượng nghi vấn được nhanh chóng.
Theo phân công của Ban chuyên án, tôi phụ trách tổ rà soát các hộ có nương rẫy gần hiện trường. Qua soát xét sàng lọc, gia đình bà Đỗ Thị Đôn (ở thôn 1 xã Lâm Giang) có những điểm khiến tôi đặc biệt chú ý. Thứ nhất, hộ bà này có khoảng nương nhỏ cách nương nhà chị Tâm không xa trên đỉnh núi Lở. Thứ hai, con trai bà Đôn là Nguyễn Văn Tiến (sinh năm 1984) đã bỏ học, tính tình lại khá ngỗ ngược.
Tiến hành tiếp cận nắm tình hình về gia đình này, chúng tôi nhận được một tin quan trọng: “Thằng Tiến Đôn đã biến mất vài ngày nay, từ lúc tìm thấy xác cô Tâm”.
Có tật giật mình chăng?
Tôi lập tức báo cáo Trung tá Bùi Duy Hiển và nhận chỉ thị tập trung quân lực khẩn trương điều nghiên về tên này. Với lính điều tra trọng án, không có niềm vui nào bằng việc tìm ra manh mối trong những vụ án hóc búa.
Lời giải từ đống cỏ héo
Trong nghề điều tra trọng án, căn cứ đầu tiên để truy nguyên, xác định hung thủ đó là nghi can phải có mặt tại hiện trường vào thời điểm vụ án xảy ra.
Với những thông tin trinh sát về gia đình bà Đôn, đặc biệt là sự kiện tên Tiến vắng mặt đã mấy hôm, không ai biết y đi đâu, làm gì, cùng lúc đó, bà Đôn kêu ốm, cả ngày đóng cửa im lìm, không đi “buôn dưa lê” ở nhà hàng xóm như mọi khi, hoạt động của cô em gái Tiến cũng có những thay đổi đáng ngờ… khiến chúng tôi khấp khởi mừng thầm. Hẳn là đã có biến cố nào đó trong gia đình này, nhưng đó là gì?. Lúc này chưa cho phép chúng tôi tiến hành các biện pháp điều tra công khai, vì sợ “rút dây động rừng” trong khi chưa có gì đặt lên bàn phản ánh Tiến liên quan đến vụ án.
Tuân thủ “đấu pháp” của vị chỉ huy trận đánh, vòng vây dần được khép lại xung quanh gia đình bà Đôn. Được biết, chồng bà này đã bỏ ba mẹ con từ lâu, hiện không rõ đang ở đâu. Quê bà Đôn ở Hạ Hoà (Phú Thọ), lên Lâm Giang khai hoang đã mấy chục năm. Trong sinh hoạt hàng ngày, đó là một bà già lắm lời, động chạm tý sẵn sàng xắn tay áo chửi bới hàng xóm, nên cũng ít người qua lại, giao du với gia đình này.
Trung tá Hiển lại cử chúng tôi lên núi Lở và lần này là kiểm tra nương nhà bà Đôn. Giữa cái nắng tháng 6 như thiêu đốt, chúng tôi lại miệt mài lật từng đống cỏ gianh đã phát tại khoảng nương này. Lớp cỏ trên bề mặt đã úa héo dưới ánh nắng chói chang, nhưng bên dưới vẫn còn xanh.
Đang xem xét, chợt Đại úy Đinh Xuân Nghĩa (nay là Thượng tá, Phó trưởng Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Yên Bái) gọi cả bọn lại, nói về phát hiện của mình. Đó là độ héo của cỏ ở nương nhà bà Đôn tương đồng với nương nhà chị Tâm. Chúng tôi cùng à lên, liền chạy sang nương nơi phát hiện xác nạn nhân, bới lấy nhiều nắm cỏ gianh đã phát mang sang nương nhà bà Đôn đối chiếu cẩn thận. Quả là sự phát hiện của anh Nghĩa đáng “đồng tiền, bát gạo”.
Như vậy, rất có thể cỏ ở 2 nương này đã được phát cùng một thời điểm. Mà nhà bà Đôn thì không có ai khác vào làm nương ngoài Tiến.
Quay trở lại nhà bà Đôn làm việc, khi ngồi xuống chiếc giường theo lời kể là Tiến thường ngủ tại đó, tôi chợt nhận ra trong lớp gối có tờ giấy gì đó. Kiểm tra, thì ra đó là một lá thư Tiến viết cho mẹ, lý giải việc bỏ nhà đi vì giận mẹ mắng vô cớ. Chúng tôi chuyền tay nhau bức thư ấy. Đọc xong, tất cả đều tủm tỉm cười, vì hiểu rằng lá thư y viết là để cho…chúng tôi đọc!. Trò vặt vãnh sao qua được mắt anh em trinh sát già.
Kỳ công rà soát nhân chứng dọc hai bên đường từ nhà Tiến vào hiện trường, cuối cùng có 2 người dân xác nhận đã trông thấy Tiến vác cuốc lên nương vào buổi sáng 7-5-2003.
Án xảy ra trên đỉnh núi, không hề có chứng cứ vật chất hay nhân chứng, trong khi đối tượng nghi vấn đã “xa chạy cao bay”. Trung tá Hiển đứng trước một lựa chọn vô cùng khó khăn. Đó là nếu không ký quyết định khởi tố bị can và ra lệnh truy nã đối với tên Tiến, thì không có cơ sở cho hoạt động truy nã y trong phạm vi toàn quốc. Còn nếu khởi tố, thì chứng cứ hơi “non”.
Giả sử khi bắt được y, nhỡ ra không phải là hung thủ, thì những hậu quả với sự nghiệp chính trị cá nhân ông có thể bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Còn nhớ khi ấy, ông đã hỏi tôi: “Đã chắc chắn không còn ai khác ngoài Tiến có mặt trên đỉnh núi Lở vào buổi sáng hôm ấy chưa?”. Tôi khẳng định bằng tất cả ý thức trách nhiệm, vì tôi hiểu tính chất nghiêm trọng của vấn đề.
Trước khi hạ bút ký, thủ trưởng cần phải loại trừ khả năng có đối tượng khác vào hiện trường gây án. Ông đọc lại toàn bộ hồ sơ, trầm ngâm suy tính cả buổi rồi quyết đoán hạ bút ký quyết định khởi tố bị can và lệnh truy nã đặc biệt, toàn quốc đối với Nguyễn Văn Tiến.
Từ đây bắt đầu hành trình đúng 719 ngày đêm truy lùng nghi can với quyết tâm cao nhất của Công an tỉnh Yên Bái. Tôi được giao đặc trách dựng dàn “ăng ten” xung quanh nhà Tiến để kịp thời nắm bắt những di biến động của bà Đôn cùng những thông tin có liên quan. Thời ấy điều kiện làm việc rất khó khăn. Những hành trình xuôi ngược hàng trăm cây số cũng chỉ bằng xe máy.
Tại Lạng Sơn, có thông tin xuất hiện một gã “cửu vạn” có đặc điểm giống Tiến ở khu vực cửa khẩu Tân Thanh, chúng tôi liền huy động tất cả các kênh bạn bè, dân buôn lậu trên địa bàn để nắm tình hình và tiến hành rà soát. Cái khó là rất có thể Tiến đã vượt qua biên giới, sang làm thuê bên Trung Quốc, mà anh em không thể bước chân qua ranh giới đường biên.
Ròng rã mấy tuần, vẫn không tìm thấy đối tượng khả nghi. Bóng dáng tên nghi phạm vẫn “mịt mù tăm cá”, anh em đành buồn bã rút quân. Ít lâu sau, lại có tin Tiến từng có một người bạn ở Kim Bảng, Hà Nam. Bốn anh em tôi lại hăm hở lên đường bằng xe máy. Qua ngôi đền thiêng ở Phú Thọ, cả bọn ghé vào dâng hương, xin cho chuyến đi gặp may mắn, để kẻ thủ ác phải sa lưới pháp luật. Đến Kim Bảng, được biết người có quan hệ với Tiến đã vào làm đường mòn Hồ Chí Minh trong rừng Trường Sơn. Tổ truy bắt lại lặn lội vào tận nơi, nhưng Tiến không đi cùng người này.
Những chuyến đi tiếp theo cũng đều về “tay trắng”, Tiến vẫn “lặn không sủi tăm” như trêu ngươi, thách thức mọi nỗ lực của tổ làm án. Tuy “công cốc” sau cả chục chuyến tầm nã, tốn kém tiền của, công sức, nhưng quyết tâm bắt Tiến chưa bao giờ “hạ nhiệt”. Nhiệm vụ này chưa bao giờ thôi là chủ đề trong các cuộc giao ban của lực lượng hình sự Yên Bái. Tôi vẫn được giao phụ trách “dàn ăng ten” tại Lâm Giang, bởi đó là đầu mối quan trọng duy nhất để tìm y. Thời đó, điện thoại di động chưa phổ biến, nên việc liên lạc với gia đình của y, đều trong tầm kiểm soát của chúng tôi.
Cho đến tháng 1-2005, vào nửa đêm hôm ấy, chuông điện thoại bàn nhà tôi chợt réo vang. Đầu dây bên kia, giọng đàn ông nói gấp gáp: “Vừa thấy bà Đôn khoác tay nải ra đường đón xe, hướng đi về xuôi”. Đây là một hoạt động bất thường, trái quy luật sinh hoạt, vì bao năm qua bà ta không ra khỏi nhà. Nhận định rất có thể mẹ con Tiến có hẹn với nhau, chúng tôi lập tức triển khai các biện pháp nghiệp vụ cần thiết. Đến sáng hôm sau thì Tiến đã sa lưới khi y lén trở về quê ngoại (ở Hạ Hòa, Phú Thọ).
Khi đưa Tiến về Phòng Cảnh sát hình sự, tôi guồng chân chạy sang Văn phòng cơ quan điều tra báo tin cho Thượng tá Hiển (lúc này đang là Quyền Chánh văn phòng) về việc đã bắt được Tiến. Anh đứng bật dậy, nét mặt lo lắng, căng thẳng. Đây là lúc xác định việc anh ký khởi tố và truy nã Tiến ngày nào là đúng hay sai. Hiểu được nỗi lo của thủ trưởng cũ, tôi hứa với anh sẽ đấu tranh quyết liệt với nghi can, để có lời khai trung thực nhất của y.
Quay trở về đơn vị, tôi cùng anh Lương Đại Định (nay là Thượng tá, Trưởng Công an huyện Văn Chấn) đích thân “đấu” với Tiến. Trước đó, 2 anh em chụm đầu tính toán chiến thuật xét hỏi, rồi bước vào phòng ngồi xuống bên cạnh Tiến. Bằng cái giọng tưng tửng, chúng tôi hỏi y về vụ án như thể đã biết tất cả. Còn nhớ câu hỏi đầu tiên với Tiến là: “Sợi dây trói tay cái Tâm là của ai?”. Tiến ngập ngừng rất lâu rồi mới lý nhí: “Là sợi dây đeo túi của đứa ấy”- (nạn nhân Tâm). Chính nó rồi – nỗi vui mừng ứa ra trong ánh mắt.
Không có niềm hạnh phúc nào hơn đối với “dân trọng án”, khi nghi can mở miệng những thông tin đầu tiên về vụ án đang bế tắc. Khi hỏi về tư thế giết nạn nhân, Tiến khai đã vật cô ra đất rồi ngồi đè lên bụng. Điều ấy khiến anh em linh cảm ra một việc khác nữa, bởi đó là tư thế “nhạy cảm”. Tôi quyết định “tung cờ đo gió” hỏi và Tiến thừa nhận có hiếp dâm..
Thêm nửa giờ khai thác, toàn bộ vụ án đã được làm rõ. Sau khi hiếp dâm, bị nạn nhân chửi bới, dọa báo Công an, Tiến đã giết hại chị Tâm rồi mang xác đi giấu. Thấy có đôi hoa tai bằng vàng, y tiện tay tháo luôn rồi đem về giấu trên ống bương ở mái bếp. Cho Tiến vẽ sơ đồ nơi giấu vàng xong, chúng tôi khẩn trương làm lệnh khám xét khẩn cấp nhà bà Đôn, bởi có thu được vật chứng này, mới có căn cứ vững chắc để buộc tội y. Ngay sáng hôm sau, anh Định và tôi lại dẫn quân trở lại Lâm Giang. Cuộc khám xét khẩn cấp đã thu được chiếc hoa tai tại vị trí Tiến đã khai. Gia đình nhận dạng xác định đúng là tài sản của chị Tâm.
Với vật chứng đặc biệt quan trọng này, đã có đủ căn cứ chứng minh Tiến là kẻ thủ ác. Và rồi bản án tử hình đã được thực thi sau đó không lâu, để loại bỏ khỏi đời sống xã hội một kẻ tội đồ máu lạnh.
Đào Trung Hiếu – Cựu trinh sát hình sự