+
Aa
-
like
comment

Ly kỳ chuyện bức tượng Bác Hồ trở về Việt Nam sau 70 năm lưu lạc

19/05/2020 18:45

Sau gần 70 năm lưu lạc ở trời Tây, bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh của các cựu tù Côn Đảo đã trở về Việt Nam. Tác phẩm điêu khắc này đã được gìn giữ và bảo quản nguyên trạng trong suốt quãng thời gian dài đằng đẵng với một tình yêu và sự trân trọng cao nhất.

Những ngày tháng 5/2020, công chúng Việt Nam và quốc tế dành sự quan tâm đặc biệt trước một bức tượng bán thân của Bác Hồ được Bảo tàng Hồ Chí Minh ra mắt tại triển lãm “Hồ Chí Minh – Những phác họa chân dung”.

Ly kỳ chuyện bức tượng bán thân Bác Hồ trở về sau 70 năm lưu lạc - Ảnh 1.
Bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh được làm bằng thạch cao đang được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Đây là bức tượng nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Hồ Chí Minh được tiếp nhận vào tháng 2/2020 trong khuôn khổ Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện các hoạt động “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất ở nước ngoài” diễn ra tại trụ sở Bộ Ngoại giao. Bức tượng được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trao lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.

“Cảm hóa” viên giám mục

Bức tượng thể hiện gương mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh với vầng trán cao, đôi mắt sáng và chòm râu bạc. Có thể nói, đây là một trong những bức tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện khá sớm ở Việt Nam, vào khoảng năm 1946. Tuy nhiên, ít ai biết rằng phía sau bức tượng là một câu chuyện vô cùng xúc động về tình cảm, niềm tin của các chiến sỹ cộng sản kiên trung nơi Nhà tù Côn Đảo dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Hình ảnh Bác trong bức tượng đã giúp những chiến sĩ cách mạng đang bị địch giam cầm vượt qua các trận đòn tra tấn dã man, những lần đàn áp đẫm máu của thực dân đế quốc để giữ sự ngời sáng của phẩm chất cộng sản, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng, vì dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ mang lại sức mạnh tinh thần cho các chiến sĩ cộng sản mà còn có sức cảm hóa ngay cả với những người lính bên kia chiến tuyến. Chính vì thế, viên cai ngục người Pháp Paul Atoine Miniconi đã lưu giữ bức tượng gần 70 năm qua bằng sự trân trọng, ngưỡng mộ vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam và có nguyện vọng đưa tác phẩm trở về cố quốc, nơi nó đã sinh ra và hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.

Ly kỳ chuyện bức tượng bán thân Bác Hồ trở về sau 70 năm lưu lạc - Ảnh 2.
Cùng với nhiều hiện vật, bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nhà tù Côn Đảo lần đầu tiên được trưng bày, thu hút sự quan tâm đặc biệt của người xem.

Chuyện kể, ông Paul Atoine Miniconi sinh ngày 7/12/1897, tại Bocognano thuộc đảo Corse, Cộng hòa Pháp. Ông được cử sang Việt Nam làm việc tại Nhà tù Côn Đảo từ năm 1920 đến 1952 với vai trò giám ngục và được giao giữ chìa khóa các khám, banh, canh gác, đi tuần và quản lý tù nhân tại một số banh của Nhà tù Côn Đảo.

Trong thời gian làm việc tại đây, nhận thấy những dấu hiệu bất thường từ những người tù, khi cho kiểm tra một phòng giam trong hệ thống trại giam, ông đã phát hiện các chiến sỹ cộng sản dường như đang cố cất giấu một vật mà ông nghi có thể là vũ khí. Từ nghi ngờ đó, ông cho tổ chức khám xét và thu được bức tượng bán thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng thạch cao này. Tuy nhiên, thay vì phá hủy, viên giám ngục hiểu được Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ mà các chiến sỹ cộng sản trong nhà tù rất tôn thờ – hiểu được những giá trị nhân văn, ý nghĩa tốt đẹp của những chiến sỹ cộng sản dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh nên ông đã quyết định giữ bức tượng đó như một kỷ niệm của riêng mình về những năm tháng làm việc tại Côn Đảo.

Sau khi mãn nhiệm ở Việt Nam, năm 1952 ông trở về sinh sống và làm việc tại đảo Corse (Pháp). Bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được ông trân trọng, gìn giữ trong gia đình. Trước khi mất, ông đã để lại kỷ vật này cho con trai là Paul Miniconi – người đã từng sống cùng ông tại Côn Đảo vào thế kỷ trước.

Thực hiện di nguyện của cha mình, ngày 1/12/2019, ông Paul Miniconi cùng với nhà sử học Pháp Frank Senateur đã trao bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho ông Nguyễn Thiệp – Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp để chuyển về bàn giao cho Bảo tàng Hồ Chí Minh bảo quản lưu giữ bức tượng này.

Ẩn số tác giả bức tượng?

Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Vũ Mạnh Hà khẳng định: “Đây là bức tượng quý, có nhiều giá trị lịch sử, được gia đình ông Paul Atoine Miniconi trân trọng gìn giữ trong nhiều năm”.

Ly kỳ chuyện bức tượng bán thân Bác Hồ trở về sau 70 năm lưu lạc - Ảnh 3.
Trong hơn 100 năm, khoảng 20.000 người Việt Nam thuộc nhiều thế hệ đã bị giam cầm, hy sinh tại “địa ngục trần gian” Côn Đảo, nơi cả thế giới bàng hoàng khi sự thật được phơi bày.

Trong quá trình sưu tầm, các cán bộ bảo tàng đã phát hiện một dấu triện của NXB Nhân loại trên chân đế của bức tượng. Sau khi tra cứu tài liệu tại Thư viện quốc gia Việt Nam, tại tờ báo Cứu quốc năm 1946 có nhắc tới chi tiết về bức tượng này: hoàn cảnh ra đời, giá bán và khuyến cáo các trường học, xí nghiệp, nhà máy, công sở… nên để bức tượng trong khu vực làm việc, học tập.

Theo tư liệu, bức tượng đã được NXB Nhân loại sản xuất với số lượng lớn bằng thạch cao và được hình thành với 2 phiên bản, một phiên bản to và một phiên bản nhỏ. Tuy nhiên, tác giả của bức tượng lại không được nhắc đến, và dù cố công tìm kiếm, các cán bộ của bảo tàng cũng chưa lần ra manh mối.

Chỉ biết rằng, NXB Nhân loại là một nhà xuất bản có thể ra đời ở thời điểm những năm khoảng từ 1930 – 1940. Đây là giai đoạn các nhà xuất bản tư nhân mọc lên như nấm, đến mức mỗi tờ báo thường có một nhà xuất bản riêng. Nhưng đơn vị này được hình thành và sau đó giải thể ra sao hiện chưa tìm thấy có tài liệu nào ghi chép lại.

Ly kỳ chuyện bức tượng bán thân Bác Hồ trở về sau 70 năm lưu lạc - Ảnh 4.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trao bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Vũ Mạnh Hà, tháng 2/2020.

Bức tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được những người chiến sĩ cộng sản mang từ đất liền tới nhà tù Côn Đảo. Và bằng một cách thần kỳ nào đó, bức tượng đã vượt qua nhiều vòng kiểm soát gắt gao của nhà tù thực dân đế quốc và có mặt ở “địa ngục trần gian”.

Điều chưa kể về bức ảnh Bác Hồ và hai bé thiếu nhi của nghệ sĩ Đinh Đăng ĐịnhVẽ chân dung Bác Hồ bằng niềm cảm hứng bất tận

Để làm rõ hơn các câu chuyện lịch sử liên quan tới bức tượng, ông Hoa Đình Nghĩa – Phó phòng Sưu tầm (Bảo tàng Hồ Chí Minh) và các cán bộ bảo tàng đã liên hệ với các chiến sĩ lão thành cựu tù Côn Đảo. Tuy nhiên, do khu vực nhà tù Côn Đảo rộng lớn gồm nhiều khám, banh, nên không phải ai cũng được tiếp cận với bức tượng.

Bà Phạm Thị Thanh Mai – Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết: “Khi các đồng chí của ta bị đày ra Côn Đảo, không hiểu sao họ đã bí mật mang theo được. Ở Côn Đảo, các chiến sĩ vẫn đặt bức tượng này trong những dịp tổ chức kết nạp Đảng, sinh hoạt chi bộ trong nhà tù”.

Ông Hoa Đình Nghĩa cho biết thêm, sau khi đọc cuốn “Lịch sử nhà tù Côn Đảo”, ông đã được biết đến câu chuyện về sự cảm hóa của những người chiến sĩ cộng sản đối với các viên cai ngục Pháp, về tinh thần đấu tranh bất khuất của những tù nhân chính trị để giành lại quyền được nhận bưu phẩm, về những suất ăn trong ngày… Rất có thể, sự cảm hóa các viên cai ngục đã giúp cho bức tượng được mang trót lọt vào nhà tù. Nhưng đây chỉ là những giả thuyết suy đoán của một người làm công tác sưu tầm lâu năm như ông Hoa Đình Nghĩa đặt ra.

Hơn thế, do thời gian đã lùi xa, các nhân chứng lịch sử đã mất nên cho tới nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh chưa sưu tầm được các câu chuyện do nhân chứng lịch sử cung cấp. Bên cạnh những điểm chưa được làm sáng rõ, câu chuyện về bức tượng bán thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nhà tù Côn Đảo thập niên 40 của thế kỷ XX chính là minh chứng điển hình cho những giá trị tốt đẹp nhất, ngời sáng nhất trong chốn ngục tù tối tăm.

Hoàng Thành/DV

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều