+
Aa
-
like
comment

Lý giải việc EVN thua lỗ nghìn tỷ nhưng công ty con lại báo lãi cao

Bích Vân - 25/05/2023 14:48

EVN liên tục báo lỗ “khủng” trong khi các công ty thành viên lãi cao; Điện gió, mặt trời dư thừa trong khi vẫn phải đi nhập khẩu điện là những vấn đề được các đại biểu Quốc hội đưa ra bàn thảo sáng 25/5.

EVN cho biết, ước tính năm 2022 lỗ sản xuất kinh doanh khoảng 28.876 tỷ đồng, ước lỗ luỹ kế hết năm 2023 hơn 93.000 tỷ đồng

Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về kinh tế – xã hội và nhiều nội dung khác. Nêu ý kiến về việc lãng phí điện mặt trời trong khi hiện nay đất nước đang thiếu điện, đại biểu Tạ Thị Yên, đoàn Điện Biên cho biết, nhiều dự án năng lượng tái tạo được nhà nước thỏa thuận, quy hoạch, cấp phép xây dựng nhưng lại không tận dụng được.

“Rất nhiều dự án năng lượng tái tạo đã xây dựng xong và khai thác điện nhưng lại không thể đấu nối phát điện trong khi nền kinh tế lại thiếu điện, phải đi mua điện. Đấy là việc vô cùng lãng phí”, đại biểu Tạ Thị Yên nêu ý kiến.

Theo nữ đại biểu, thời gian qua người dân rất băn khoăn về vấn đề giá điện. Từ năm 2010 đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có 8-9 lần điều chỉnh giá điện nhưng vẫn tiếp tục báo lỗ và đề nghị tăng giá điện tiếp.

“Thời gian qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo và khẳng định tình hình sản xuất kinh doanh điện liên tục thua lỗ và khoản lỗ lên tới hơn 26.000 tỷ đồng. Vậy cùng một hệ sinh thái, tại sao công ty “mẹ” báo lỗ mà các công ty “con” vẫn báo lãi cao trong năm 2022? Vậy nguyên nhân khoản lỗ này là ở đâu? Ngoài ra, EVN kêu thiếu điện nhưng việc đàm phán điện gió, điện mặt trời bao lâu rồi vẫn chưa ngã ngũ, vô hình chung tạo ra sự lãng phí vô cùng lớn”, nữ đại biểu nhấn mạnh.

Đồng quan điểm đại biểu Lê Thanh Vân, đoàn Cà Mau cũng cho rằng việc chưa tận dụng hết điện sản xuất được trong nước mà phải đi nhập khẩu điện nước ngoài là vô cùng lãng phí.

“Sản xuất điện trong nước như điện gió, điện mặt trời còn chưa khai thác, tận dụng. Năng lượng mặt trời, gió mãi mới đưa vào Quy hoạch điện VIII mà sao không đưa vào Quy hoạch điện XII. Điện gió, điện mặt trời bây giờ sản xuất thừa nhưng doanh nghiệp không thể đấu nối hòa mạng. Lãng phí thế ai chịu trách nhiệm? Việt Nam là cường quốc điện gió, mặt trời vì thiên nhiên ưu đãi. Tại sao có những nghịch lý này. Nhiều câu chuyện quốc hội phải mổ xẻ”, đại biểu đoàn Cà Mau nêu ý kiến.

Lý giải về vấn đề lãng phí điện mặt trời, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công Thương: Cái này có vướng gì không? Nếu vướng về vấn đề giá điện thì Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Công Thương để cùng xây dựng giá, đảm bảo giải toả được nguồn vốn ứ đọng mà các doanh nghiệp đã vay vốn ngân hàng và bỏ vốn ra làm.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Công Thương bảo rằng “không phải vướng về giá, mà vướng về công suất, tức là hiện nay chúng ta đủ tải rồi”.

“Tôi có hỏi lại, nếu chúng ta đủ tải rồi thì tại sao cho làm. Còn nếu đã làm rồi thì tại sao không giảm bớt điện mua của nước ngoài? Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời là đã ký hiệp định với nước ngoài rồi, bây giờ không thể đàm phán để cắt được. Đấy là nguyên nhân. Chúng ta phải đi tận gốc rễ của vấn đề để thấy được nguyên nhân từ đâu và phải giải quyết như thế nào”, ông Phớc cho hay.

Theo Bộ trưởng Tài chính, để tháo dỡ những điểm nghẽn nghịch lý này thì cần phải sửa một số quy định, đặc biệt ách tắc nhất là Luật Quy hoạch và Luật Đầu tư công.

“Ngay cả mấy năm nay chúng ta ban hành Luật Quy hoạch nhưng vẫn loay hoay không triển khai được, rồi cả vấn đề điện cũng thế”, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay.

Bích Vân

Bài mới
Đọc nhiều