+
Aa
-
like
comment

Lý giải vì sao ông Vũ Huy Hoàng không bị còng tay, đến tòa bằng xe Mercedes

18/01/2021 18:06

Hình ảnh cựu Bộ trưởng Công Thương bước ra từ xe ô tô 4 chỗ hiệu Mercedes màu đen, không bị còng tay sáng nay khiến nhiều người thắc mắc.

Vì sao cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đến tòa bằng xe Mercedes?
Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đến tòa bằng xe Mercedes?

Sáng 18/1, phiên toà xét xử ông Vũ Huy Hoàng và đồng phạm trong vụ biến “đất vàng” 2-4-6 Hai Bà Trưng (Quận 1, TP.HCM) thành đất tư được mở lại.

Trước đó phiên tòa sơ thẩm được mở ngày 7/1 nhưng do vắng mặt 3 bị cáo và nhiều người liên quan nên không thể diễn ra như dự kiến.

Gần 8 giờ sáng nay, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng xuất hiện tại toà cùng luật sư của mình là ông Nguyễn Huy Thiệp.

Đáng chú ý, hình ảnh cựu Bộ trưởng Công Thương bước ra từ xe ô tô 4 chỗ hiệu Mercedes màu đen, không bị còng tay khiến nhiều người thắc mắc.

Vì sao cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đến tòa bằng xe Mercedes? - Ảnh 1.
Ông Vũ Huy Hoàng đi cùng luật sư tới tòa.

Bị cáo Hoàng cho biết, tuy sức khoẻ yếu, đang điều trị, nhưng “đã nghiêm túc, trách nhiệm, tuân thủ quy định theo pháp luật với một bị cáo, tôi đã cố gắng đến phiên toà, nhưng do sức khoẻ không cho phép, tôi xin phép được ngồi, sử dụng thuốc, và nếu có nhu cầu cá nhân, xin phép được ra ngoài”.

Trả lời PV về việc cựu Bộ trưởng đi xe Mercedes tới tòa, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho biết, chiếc xe Mercedes không phải của ông Vũ Huy Hoàng.

“Đây là xe ô tô của tôi, sáng nay tôi cho ông Vũ Huy Hoàng đi nhờ. Do sức khoẻ thân chủ tôi không đảm bảo nên tôi đưa ông ấy đến toà. Một số báo đưa tin đây là xe của ông Hoàng là không chính xác”, luật sư Nguyễn Huy Thiệp nói.

Còn về việc bị cáo Vũ Huy Hoàng không bị còng tay, luật sư Nguyễn Huy Thiệp lý giải, do ông Hoàng đang tại ngoại. Theo luật khi cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đang tại ngoại thì vẫn là một công dân bình thường nên không bị còng tay.

“Không có sự ưu ái nào dành riêng cho ông Vũ Huy Hoàng trong vụ án này”, luật sư Nguyễn Huy Thiệp khẳng định với PV báo trên.

Vì sao cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đến tòa bằng xe Mercedes? - Ảnh 2.
Ông Vũ Huy Hoàng đi cùng tới tòa sáng nay.

Theo cáo trạng, bị cáo Vũ Huy Hoàng và 9 bị cáo khác có nhiều sai phạm dẫn đến quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng có diện tích 6.000m2 thuộc doanh nghiệp nhà nước rơi vào tay tư nhân.

Bị cáo Vũ Huy Hoàng là người có trình độ, kiến thức trong công tác quản lý nhà nước về kinh tế, công nghiệp và thương mại. Ông Hoàng được bổ nhiệm bộ trưởng Bộ Công thương từ tháng 8-2007 đến tháng 4-2016.

Từ năm 2011, Chính phủ đã có nghị quyết yêu cầu các bộ, ngành, tổng công ty nhà nước không đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính, nhất là lĩnh vực bất động sản, tài chính…

Tuy nhiên khi Sabeco triển khai thực hiện dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, đơn vị này không bố trí được số tiền phải nộp để chuyển đổi mục đích sử dụng là hơn 1.200 tỉ đồng nhưng bị cáo Vũ Huy Hoàng vẫn quyết định cho đầu tư dự án, không chấp hành các nghị quyết của Chính phủ.

Từ năm 2012 – 2016, bị cáo Hoàng đã chỉ đạo cấp dưới là bà Hồ Thị Kim Thoa và bị cáo Dũng ký các văn bản yêu cầu Sabeco dùng quyền sử dụng đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng và tiền góp vốn với các doanh nghiệp tư nhân thành lập Sabeco Pearl để thực hiện dự án kinh doanh bất động sản.

Cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng không chỉ đạo Sabeco thực hiện dự án đã được phê duyệt, mà chỉ đạo đơn vị này thoái toàn bộ vốn góp tại Sabeco Pearl cho doanh nghiệp tư nhân tham gia liên doanh liên kết để hoàn tất việc chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất hơn 6.000m2 là tài sản nhà nước sang tài sản tư nhân trái pháp luật.

Sau khi Sabeco thực hiện xong các thủ tục pháp lý đầu tư dự án cho liên doanh Sabeco Pearl, Bộ Công thương đã chỉ đạo Sabeco thoái toàn bộ vốn trong dự án cho doanh nghiệp tư nhân tham gia liên doanh.

Các bị cáo là lãnh đạo nhiều sở, ngành thuộc UBND TP.HCM đã tham mưu cho ông Nguyễn Hữu Tín ký ban hành quyết định cho Sabeco Pearl thuê đất trái quy định pháp luật.

Giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm ban hành quyết định cho thuê là hơn 1.000 tỉ đồng, trong khi thực tế có giá trị 3.800 tỉ. Hành vi của ông Hoàng cùng các bị cáo gây thiệt hại lớn đến ngân sách nhà nước.

Viện kiểm sát xác định bị cáo Hoàng và 9 đồng phạm đã dùng quyền sử dụng đất hoặc các quyền về tài sản khác của Nhà nước để góp vốn, liên doanh sau đó thoái vốn (chuyển nhượng vốn) không minh bạch, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 2.700 tỉ đồng, báo Tuổi trẻ đăng tải nội dung cáo trạng.

(Theo DN)

Bài mới
Đọc nhiều