+
Aa
-
like
comment

Lý giải tỷ lệ tử vong thấp đáng kinh ngạc ở Đức giữa đại dịch

Hồng Anh - 24/03/2020 06:29

Đức nằm trong số các nước có số ca mắc bệnh nhiều nhất nhưng tỷ lệ tử vong lại chỉ khoảng 0,4% trong khi Italy chịu ảnh hưởng nặng nề với hàng trăm người chết những ngày gần đây.

Từ đầu đại dịch virus corona đến nay, Đức có tỷ lệ tử vong thấp đến mức khó tin – chỉ 92 trường hợp tử vong trong số 23.921 trường hợp nhiễm bệnh được ghi nhận vào ngày 22/3.

Đất nước này chỉ gặp may hay có những lý do hữu hình – như hệ thống chăm sóc y tế mạnh và xét nghiệm sớm rộng rãi – cho tỷ lệ tử vong thấp đáng kinh ngạc so với các quốc gia khác chiến đấu với Covid-19?

Các nhà dịch tễ học và các chuyên gia y tế thắc mắc về tỷ lệ tử vong gần 0,4% của Đức so với 9% ở Italy cho biết họ kỳ vọng cả số trường hợp nhiễm bệnh và tử vong sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong những ngày tới.

Các phòng thí nghiệm tiên tiến

Ngay cả Thủ tướng Angela Merkel, 65 tuổi, cũng đã đi cách ly tại căn hộ trung tâm Berlin của bà hôm 22/3 sau khi tiếp xúc với bác sĩ nhiễm bệnh, người tiêm vắc-xin cho bà gần đây.

Ly giai ty le tu vong thap dang kinh ngac o Duc giua dai dich hinh anh 1 merkel.jpeg
Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố về sự lây lan của virus corona mới Covid-19 trong cuộc họp báo tại Văn phòng Chính phủ ở Berlin, ngày 22/3.

Theo South China Morning Post, các chuyên gia y tế ở Đức thường không tin tưởng nhiều vào những con số mà họ coi là sơ bộ và có lẽ gây hiểu lầm với cuộc khủng hoảng vẫn diễn ra trên toàn thế giới. Người Đức không phấn khích hay hồ hởi về tỷ lệ thấp này.

Các chuyên gia Đức cũng nghi ngờ có thể có một số yếu tố thống kê làm sai lệch dữ liệu do thử nghiệm diện rộng ngay từ đầu ở Đức (hiện có thể kiểm tra 12.000 lượt mỗi ngày) so với số lượng thấp hơn ở Italy và những nơi khác.

Điều đó có thể che giấu số lượng cao hơn các trường hợp được xác nhận có triệu chứng nhẹ ở các quốc gia khác cũng như các phương pháp xét nghiệm khác nhau – ở Đức, người cao tuổi không nhất thiết phải được kiểm tra sau khi chết vì virus corona, trong khi ở Italy, mọi người chết đều được xét nghiệm.

Nhưng họ cũng đồng ý rằng có thể có một số yếu tố riêng biệt của Đức và một số lợi thế vốn có với hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng được tài trợ tốt có thể giúp giảm tỷ lệ tử vong ở quốc gia đông dân nhất Liên minh châu Âu.

“Chúng tôi đã có thể nhanh chóng nhận ra tình hình nghiêm trọng như thế nào (khi virus được phát hiện ở châu Âu) và chúng tôi đã đi đầu trong vấn đề chẩn đoán”, Christian Drosten, giám đốc virus học tại Bệnh viện Charite của Berlin, nói với South China Morning Post.

“Chúng tôi có những phòng thí nghiệm tiên tiến trải rộng trên cả nước và có thể xác định được virus. Đó là lý do chúng tôi đi trước đón đầu so với các quốc gia khác”.

Ông Drosten cho biết mạng lưới phòng thí nghiệm độc lập dày đặc trên khắp nước Đức gần đây đã có thể bắt đầu quản lý các xét nghiệm với số lượng lớn vào tháng 1 khi một vài trường hợp rải rác đầu tiên xuất hiện ở nước này.

Ông nói thêm rằng Đức có thể phân phối các xét nghiệm cho các phòng thí nghiệm và bác sĩ trên cả nước để giúp họ theo dõi virus tốt hơn. “Các nước khác đã mất một tháng hoặc hơn vì điều đó”, ông nói, lưu ý rằng phòng thí nghiệm ở các nước khác thường tiến hành thử nghiệm độc lập.

Ly giai ty le tu vong thap dang kinh ngac o Duc giua dai dich hinh anh 2 duc_1.jpg
Bảng thông tin về virus corona tại Cầu cũ ở Heidelberg, Đức, ngày 22/3. Ảnh: Getty.

Hệ thống y tế tốt và cảnh báo sớm

Là một trong những quốc gia giàu nhất thế giới, Đức cũng có một trong những hệ thống chăm sóc sức khỏe công cộng đắt đỏ và phổ quát nhất với bảo hiểm chăm sóc sức khỏe toàn cầu và bảo hiểm nghề nghiệp đáng kể cho người lao động, giúp họ có thể nghỉ ốm trung bình 17 lần mỗi năm mà không phải lo mất việc.

Nước này được cho là có tỷ lệ bệnh viện cao nhất thế giới – 1.900 cho dân số 82 triệu người. Chúng từ lâu đã được coi là các cơ sở xa xỉ và phải đối mặt với việc cắt giảm ngân sách trong những năm gần đây nhưng giờ lại chứng tỏ hiệu quả của mình.

“Hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng tôi có lẽ là một trong những hệ thống tốt nhất trên thế giới”, bà Merkel nói trong bài phát biểu truyền hình hiếm hoi tới toàn quốc hôm 18/3. “Nhưng dịch bệnh cho chúng ta thấy chúng ta thực sự dễ bị tổn thương và phụ thuộc lẫn nhau như thế nào”, bà nói thêm.

Đức có một trong những số lượng giường bệnh chăm sóc đặc biệt cao nhất tính theo đầu người ở châu Âu – 29 trên 100.000 cư dân so với 13 ở Italy, 12 ở Pháp, 10 ở Tây Ban Nha và 7 ở Anh. Đây có lẽ là lợi thế quan trọng nhất của nước này khi đối mặt thách thức từ virus corona.

Đức được hưởng lợi từ cảnh báo sớm vào tháng hai khi dịch bệnh lây lan nhanh chóng ở Italy. Điều đó đã khiến các nhà chức trách bắt đầu tăng cường các xét nghiệm quan trọng và chuẩn bị cho đất nước những hạn chế ngày càng nghiêm ngặt hơn. Các quy định giới hạn và sau đó cấm hầu hết cuộc tụ họp công cộng nói chung được chấp nhận và tôn trọng rộng rãi hơn ở Đức.

“Trên toàn quốc, các bệnh viện ở Đức đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và sẵn sàng. Tuy nhiên, ngay cả hệ thống tốt cũng có thể nhanh chóng bị đẩy đến giới hạn nếu có quá nhiều người bị bệnh cùng lúc. Chúng tôi có nhiều khả năng với giường chăm sóc đặc biệt hơn Italy và rất nhiều quốc gia khác. Chúng tôi chỉ có thể hy vọng sẽ có đủ và mọi người không bị bệnh cùng lúc”, bác sĩ và chuyên gia y tế Christoph Specht nói.

Ngoài ra, cấu trúc Gesundheitsamt của các văn phòng y tế công cộng cũng có thể đóng góp cho tỷ lệ tử vong thấp ở Đức. Chúng được tổ chức chặt chẽ, thực thi nghiêm ngặt các quy tắc và quy định về vệ sinh và chăm sóc sức khỏe. Có hàng trăm văn phòng y tế công cộng trải rộng trên cả nước với thẩm quyền đóng cửa những nơi tụ họp công cộng.

Ly giai ty le tu vong thap dang kinh ngac o Duc giua dai dich hinh anh 3 60194726_6cca_11ea_b0ed_5e14cf8eb9e1_1320x770_154656.jpg
Graffiti ở Berlin mô tả nhân vật Gollum trong “Chúa tể của những chiếc nhẫn” cầm cuộn giấy vệ sinh và nói “Báu vật của ta”. Ảnh: AP.

Karl Lauterbach, bác sĩ và lãnh đạo trong quốc hội của đảng Dân chủ Xã hội trung tả, cho biết quản lý khủng hoảng của Đức vẫn hoạt động tốt cho đến nay.

“Chúng tôi đã bắt đầu xét nghiệm tương đối nhanh chóng so với các quốc gia khác như Italy. Đó là cách chúng tôi phát hiện sớm các trường hợp. Điều đó đã cho chúng tôi cái nhìn tổng quan tương đối tốt ở giai đoạn đầu và rất quan trọng để kiểm soát tốt hơn”, ông nói.

Người Đức cao tuổi, dễ bị nhiễm virus nhất, đến nay vẫn chưa bị ảnh hưởng như nhóm người cao tuổi ở các quốc gia khác. Điều này cũng có thể có liên quan đến lịch sử quốc gia với trải nghiệm của những người cao tuổi trong Thế chiến II.

“Những người lớn tuổi biết cách sống sót ngay cả khi không có gì. Họ biết cách ẩn nấp và tránh xa nguy hiểm”, Martin Floeter, thợ điện 55 tuổi ở Berlin, người đang chăm sóc cha mẹ già, nhận xét.

(Theo South China Morning Post)

Bài mới
Đọc nhiều