Lý giải thất bại của tuyển Việt Nam trước UAE
Việc vào vòng loại thứ ba World Cup 2022 là một dấu mốc mới, dấu mốc lịch sử nhưng cũng là dấu mốc để hiểu hơn về lẽ mạnh – yếu, thịnh – suy từ lăng kính túc cầu.
Khi Australia thắng Jordan, tuyển Việt Nam coi như đã giành vé vào vòng loại thứ ba bất chấp kết quả trước UAE. Chúng ta đã thua, một trận thua nặng nề dưới thời huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo.
Chúng ta thua 2-3 trước UAE nhưng vẫn giành vé, song cũng đừng vì thế mà cho rằng tuyển Việt Nam có kết quả này nhờ chiến thắng của người Australia. Trên tất cả, tấm vé ấy là thành quả của từng cầu thủ, từng thành viên ban huấn luyện qua từng phút thi đấu lẫn chuẩn bị cho 6 trận ở vòng bảng này.
Đẳng cấp của UAE Thất bại của tuyển Việt Nam trước UAE cho thấy rất rõ cái lẽ mạnh – yếu trong một môn thể thao cạnh tranh đối kháng như bóng đá. UAE mạnh hơn chính họ ở thời điểm đến Mỹ Đình ngày nào. Cái mạnh ấy không chỉ đến từ các cầu thủ nhập tịch, mà còn đến từ việc họ đã chơi có tổ chức hơn và không còn tự phát nữa. UAE mạnh hơn chúng ta, ở cả khía cạnh cá nhân lẫn tập thể. Kẻ mạnh thắng kẻ yếu, âu cũng là lẽ thường.
Nhưng cái lẽ mạnh – yếu trong chiến thắng của UAE trước tuyển Việt Nam là thứ mà chính chúng ta cần học thuộc lòng, bởi sẽ còn nhiều đối thủ mạnh khác nữa phải đương đầu. Hiểu rõ lẽ mạnh – yếu, hiểu mình, biết người, chỉ điều đó mới giúp ta có được một đối sách phù hợp nhất và tốt nhất.
Cầu thủ UAE hơn Việt Nam về thể chất, tốc độ, kỹ năng. Đội bóng UAE hơn Việt Nam về tính gắn kết trong tổ chức nhờ vào các tố chất cá nhân tốt hơn ấy. Và UAE hơn về đấu pháp trong trận cầu mà họ buộc phải thắng, trong khi tuyển Việt Nam dẫu thua vẫn còn cơ hội.
Buộc phải thắng, nhưng UAE không cậy sức, cậy năng lực để dâng lên đá cuồn cuộn và tạo áp lực liên tục lên khung thành của Bùi Tấn Trường. Thay vào đó, họ giữ cự ly đội hình tốt, giữ khối đội hình tốt và tạo ra hai “module” khác nhau, nhưng lại liên kết với nhau chặt chẽ và nhuần nhuyễn.
“Module” thứ nhất là bộ tứ vệ và 2 tiền vệ trung tâm của họ. Ở “module” này, UAE chủ động chơi chậm rãi, thong dong ngay cả khi họ chưa có thứ mình cần nhất là bàn thắng. Nhìn họ chuyền bóng, chúng ta không thấy tốc độ ở đó. Và khi thấy một đối thủ chậm rãi, chúng ta nghĩ họ không nguy hiểm. Song, thực ra, đó là một sự chậm rãi nguy hiểm khôn lường.
Đó là cách UAE chủ động kéo đội hình Việt Nam lên, khiến những khoảng cách giữa cầu thủ Việt Nam với nhau giãn ra một chút, bắt các cầu thủ tuyến trên của Việt Nam di chuyển nhiều hơn một chút.
Và ở vào thời điểm thật sự thích hợp, “module” này của UAE phát động bóng lên cho “module” phía trên, với 1 trung phong và 3 cầu thủ tấn công chơi phía sau. Đó cũng là lúc tiền vệ trung tâm của họ từ từ di chuyển lên cao hơn, với chủ trương rất cụ thể: Đón lõng phòng khi đợt tấn công của họ bị bẻ gãy.
Ở “module” thứ hai, UAE cũng duy trì sự bình thản để chưa chơi bóng ở tốc độ cao. Nhưng chỉ cần nhận thấy hệ thống phòng thủ của Việt Nam bị xô lệch, họ sẽ tung ngay các đường xẻ qua khe hậu vệ, chuyền ra sau lưng hàng thủ để cầu thủ tấn công tăng tốc bất thần và đón lấy cơ hội. UAE chủ yếu tăng tốc khoảng ở 1/3 sân của Việt Nam và ở cự ly ấy, với thể chất của họ, họ dễ dàng thắng trong các cuộc đua tay đôi.
Tuyển Việt Nam nỗ lực Trong khi đó, hàng tiền vệ Việt Nam dù được tăng cường thêm Quang Hải, nhưng chúng ta vẫn gãy trước đối thủ. Cơ bản, tính tranh chấp của chúng ta không mạnh, nhưng quan trọng hơn là khi mất bóng, UAE thay đổi tốc độ rất nhanh. Họ áp sát nhanh, áp sát ngay khi cầu thủ chúng ta mới nhận bóng và đang ở tư thế khó. Bởi thế, chúng ta không có những đường chuyền phản công đủ tạo nên cơ hội mà thường là các đường chuyền sai địa chỉ hoặc sửa lưng.
Điểm uy hiếp của UAE cũng thường xuyên ở không gian khoảng 16-20 m cách mặt thành Tấn Trường, tại 2 hành lang trong. Đó cũng là không gian nằm giữa khe các trung vệ. Lúc tăng tốc ấy của họ, chúng ta mới cảm nhận được họ đáng ngại thế nào. Bàn mở tỷ số của UAE đã đến theo cái cách như thế và đáng ngại hơn là khi họ có bàn thứ 2, rồi thứ 3, họ cũng không tăng tốc thêm dù rằng làm thế, họ đủ khiến ta vỡ trận. Rõ ràng, họ rất tỉnh.
Lẽ mạnh – yếu ở đây nằm ở chỗ cái tỉnh ấy chứ không phải hơn thua nhau về tố chất cá nhân và tập thể. Và UAE cũng chưa phải là đội tỉnh nhất trong các đội sẽ gặp Việt Nam sau bắt thăm chia bảng vòng loại thứ ba. Ở đó, các đối thủ sẽ tỉnh hơn và quái hơn nhiều.
Bây giờ thì nói về lẽ thịnh – suy. Suốt từ năm 2017 tới giờ, bóng đá Việt Nam đang thịnh. Người yêu mến HLV và tuyển thủ cũng ngày một nhiều hơn. Nhưng ở vòng loại thứ ba, với toàn đối thủ nặng ký hơn nhiều lần, khả năng duy trì thành tích tốt sẽ là không lớn. Lúc ấy, rồi sẽ xuất hiện những chê bai, những đánh giá tiêu cực về cả một tập thể đã nỗ lực bao năm dài. Đó mới là thứ nguy hiểm nhất bởi thói quen phù thịnh và không biết động viên khi suy dường như đã ăn sâu lâu rồi.
Tuy nhiên, điểm sáng mà chúng ta không nên bỏ qua chính là 2 bàn thắng của Việt Nam. Nó đến từ nỗ lực cá nhân. Nó đến từ tinh thần thi đấu của UAE cũng không còn mạnh mẽ nữa sau khi Jordan đã thất bại. Nhưng cơ bản, nó đến từ cái hiểu lẽ mạnh – yếu và thịnh – suy trong việc thay người của ban huấn luyện.
Sự xuất hiện của Minh Vương, Đức Huy đã giúp tính tranh chấp của tiền vệ Việt Nam tốt hơn. Sự xuất hiện của Công Phượng và Văn Toàn cũng khiến khả năng phản công với tốc độ và quân số của Việt Nam tốt hơn. Nó chính là việc ban huấn luyện đã hiểu ta yếu chỗ nào và nên khắc phục cái yếu ấy cách nào; họ suy chỗ nào và ta nên khai thác cái suy ấy chỗ nào.
Rút Duy Mạnh ra, tuyển Việt Nam chơi với hàng thủ 4 người. Trong phòng ngự, một hàng thủ 4 người luôn đủ bao quát không gian hơn hàng thủ 3 người. Và với những tranh chấp tốt của Đức Huy, Minh Vương ở tuyến giữa, khả năng đoạt bóng để phản công cũng tốt hơn. Và con người phản công của chúng ta cũng đủ quân số hơn khi có những con người như Văn Toàn, Minh Vương, Hồng Duy, những người có tốc độ và còn sung sức.
UAE không còn hưng phấn và có vẻ thỏa mãn với một chiến thắng. Đó chính là điểm họ “suy” về tinh thần thi đấu. Và khi Việt Nam thay người tốt, tăng tốc tốt, chúng ta lấy cái “thịnh” của một thái độ không bỏ cuộc để tạo nên được đột biến. Hai bàn gỡ đó chính là 2 điểm nhấn đột biết đến từ cái hiểu lẽ thịnh – suy, lẽ mạnh – yếu, và nó đủ để trận cầu kết thúc một cách đẹp mắt và cảm xúc.
Còn bây giờ, chúng ta có thể nhấm nháp niềm vui được vào vòng loại thứ ba lần đầu tiên trong lịch sử. Cứ vui trước đi cái đã. Còn thầy trò Park Hang-seo, ngày mai sẽ lại là một ngày bình thường khác. Họ lại bắt tay vào công việc như lệ thường. Trước mắt họ còn bao nhiêu việc phải làm, còn phải toan tính kỹ hơn lẽ mạnh – yếu, lẽ thịnh – suy trước những thách thức còn lớn hơn rất nhiều.
Hà Quang Minh