Lý giải đôi dép bỏ lại trên tàu của quan chức Hàn Quốc bị Triều Tiên bắn chết
Gia đình quan chức Hàn Quốc bị Triều Tiên bắn chết nói ông bỏ dép trên tàu vì sợ bị ướt, không phải cố nhảy xuống biển để đào tẩu.
Tuần duyên Incheon, Hàn Quốc cho biết tại buổi họp báo hôm 24/9 rằng quan chức bị Triều Tiên bắn chết đầu tuần này không để lại bất kỳ di thư hay bằng chứng nào về kế hoạch đào tẩu sang Triều Tiên. Họ cũng không tìm thấy điện thoại di động hay bất kỳ ghi chú nào trong cabin tàu mà ông đã ở trước khi mất tích.
Điện thoại của nạn nhân đã tắt máy khi tuần duyên kiểm tra lúc 13h19 ngày 21/9 sau khi biết ông mất tích. Họ cũng tìm thấy cuốn sổ nhỏ, ví, quần áo và dép của quan chức này, đồng thời đang xem xét lịch sử cuộc gọi và tài chính của ông.
Hai camera an ninh được lắp trên tàu để hướng dẫn các tàu đánh cá trong khu vực đã không hoạt động từ ngày 18/9. Các đồng nghiệp nói quan chức này cần mẫn và họ chưa bao giờ nghe ông nói bất cứ điều gì cho thấy sự quan tâm đến Triều Tiên.
Tuy nhiên, tuần duyên không loại trừ khả năng ông định đào tẩu, chỉ ra đôi dép để lại trên tàu và việc ông tường tận các dòng hải lưu xung quanh nơi ông đảm trách công việc hướng dẫn tàu cá.
Ba điều tra viên từ Lực lượng Tuần duyên Incheon và hai cảnh sát đã tìm kiếm xung quanh tàu Mugunghwa 10, nơi quan chức làm việc trước khi mất tích, ngoài khơi đảo Yeonpyeongdo sáng 24/9. Anh trai và em trai của quan chức bị bắn chết theo dõi từ một chiếc thuyền khác gần đó.
Người anh cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh sáng 25/6 rằng không loại trừ khả năng em trai ông vô tình bị ngã khỏi tàu.
“Em trai tôi mới ở trên tàu được 4 ngày, không đủ thời gian để làm quen hoàn toàn với con tàu trong những tình huống bất định. Cậu ấy cao 1m8, lan can tàu chỉ đến đùi nên có thể cậu ấy bị ngã qua lan can”, ông cho hay. “Nước biển luôn bắn lên tàu nên em tôi có thể cởi dép một lúc để chúng không bị ướt. Việc đôi dép được cất gọn gàng không có nghĩa em tôi cố nhảy xuống biển”.
Cũng theo người đàn ông này, vùng biển em trai ông mất tích rất hiểm trở so với các khu vực khác vì có nhiều đá ngầm quanh đảo Yeonpyeongdo, khiến độ sâu của nước thay đổi rất nhiều.
“Quân đội nghi ngờ cậu ấy đến Triều Tiên do bị hải lưu cuốn đi, nhưng hải lưu chỉ xuất hiện từ 11h30 đến 13h ngày 21/9, khi cậu ấy được báo mất tích. Tuy nhiên, đây là thời điểm vô số tàu đánh cá, tàu quân sự và tuần duyên đi qua khu vực này và dễ dàng phát hiện cậu ấy”, ông nói. “Tôi nghĩ em tôi mất tích từ 2 đến 3h ngày 21/9, khi các dòng hải lưu chảy về phía đảo Ganghwado (Hàn Quốc). Nếu định đến Triều Tiên, cậu ấy sẽ không bao giờ chọn thời điểm đó”.
Người anh thừa nhận em trai mình nợ nần và đã ly hôn, song phủ nhận việc ông đánh bài trực tuyến như thông tin trên truyền thông. “Quân đội nói cậu ấy có khả năng đã đào tẩu, bởi họ phải chịu trách nhiệm cho việc không tìm thấy cậu ấy. Em tôi chắc chắn trôi dạt trên biển ít nhất 24 đến 28 giờ và họ không phát hiện ra. Tôi muốn biết tại sao họ không làm gì khi cậu ấy bị bắn chết ở Triều Tiên”, người anh nhấn mạnh.
Quan chức bị bắn chết là thành viên đội hướng dẫn và quản lý nghề cá Tây Hả thuộc Bộ Đại dương và Nghề cá. Ông trở thành quan chức nhà nước năm 2012.
Tàu Mugunghwa 10 rời Mokpo, tỉnh Nam Jeolla, ngày 16/9, nhưng quan chức nói trên lên tàu vào ngày hôm sau gần Yeonpyeongdo. Ông mất tích 4 ngày sau đó, cách đảo Yeonpyeongdo khoảng 2,2 km về phía nam. Ông lên tàu Mugunghwa 10 khi được chuyển từ con tàu ông đã làm việc trong ba năm.
Thành Nhân/Korea Herald