+
Aa
-
like
comment

Lý giải các nguyên nhân dẫn đến thực trạng 240.000 cử nhân thất nghiệp tại Việt Nam

Gió Tín Phong - 27/06/2020 16:13

Việt Nam có tỉ lệ thất nghiệp chỉ khoảng 2.7%, nằm ở mức tương đối thấp so với mặt bằng chung của thế giới giới. Tuy nhiên điều đáng chú ý là trong con số này có một lượng lớn người thất nghiệp là những lao động có trình độ cử nhân. Nhiều người vẫn băn khoăn vì sao một nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7.08%/ năm vẫn có tới 240 000 cử nhân thất nghiệp. Một câu hỏi lớn đã được dư luận đặt ra: Những nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng thất nghiệp của hơn 240 000 cử nhân thất nghiệp tại Việt Nam?

Có thể thấy, ở Việt Nam có không ít cử nhân ra trường với tấm bằng loại giỏi vẫn không đáp ứng được chuẩn đầu vào của thị trường lao động và bị thị trường lao động đào thải. Bởi lẽ thị trường lao động đòi hỏi ở các cử nhân trẻ không chỉ là tấm bằng Đại học mà còn đòi hỏi những kiến thức thực chất, những kỹ năng, kinh nghiệm. Đây là một vấn đề nan giải trong nhiều năm qua. Rõ ràng là chất lượng đào tạo ở các trường Đại học tại Việt Nam, đặc biệt là những trường Đại học top dưới là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến thực trạng hơn 240 000 cử nhân thất nghiệp tại Việt Nam.

Mặt khác, chừng đấy người trẻ thất nghiệp còn là do tầm nhìn hạn hẹp về cơ hội việc làm. Nói dễ hiểu là học xong vẫn không rõ bản thân sẽ làm được những nghề gì nên tốt nghiệp xong thì thất nghiệp. Điều này dễ thấy ở các nhóm ngành có tỉ lệ thất nghiệp cao như văn học, sư phạm, quản trị kinh doanh. Nhiều bạn học văn học xong cứ nghĩ bản thân sẽ đi làm nhà văn, và rồi đem đơn nộp vào các nhà xuất bản, nếu các nhà xuất bản không nhận thì nằm nhà luôn chứ không nộp hồ sơ vào các công ty tuyển dụng coppywritter, content… Cũng như nhiều bạn học sư phạm xong mà thi rớt viên chức giáo dục thì nằm nhà luôn chứ không nộp hồ sơ vào các trường tư, các trung tâm, dạy kèm hay các tổ chức phi chính phủ về giáo dục. Đây chính là một bất cập trong công tác hướng nghiệp và đồng thời là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự thất nghiệp tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam có 240 000 cử nhân thất nghiệp do một nguyên nhân mà ít ai nghĩ tới. Người Việt Nam đa phần thất nghiệp không phải do thiếu việc làm mà là do “sợi dây kết nối” giữa ứng viên với nhà tuyển dụng còn khá hạn chế.

“Sợi dây kết nối” ứng viên với nhà tuyển dụng vẫn còn khá hạn chế

Khi quan sát các nhóm tuyển dụng việc làm tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội ,.. một điều dễ dàng nhận thấy là các bài đăng tuyển dụng chân chính, thông tin rõ ràng dường như kém thu hút ứng viên.  Do những group tìm việc hiện nay có đầy rẫy những “việc nhẹ lương cao” với những câu từ ngắn gọn, mập mờ thông tin và đằng sau đó là những tổ chức đa cấp, lừa đảo…Trong một môi trường nhóm tuyển dụng đầy những việc nhẹ lương cao mà hiếm hoi những công việc làm chân thật lương không quá cao thì dĩ nhiên các ứng viên sẽ có khuynh hướng ngã về các việc nhẹ lương cao. Mặt khác, các công việc chân chính thường yêu cầu phỏng vấn, xét hồ sơ… trong khi các “việc nhẹ lương cao “ thì chỉ yêu cầu ứng viên “chấm tus“” là được họ chủ động nhắn tin. Điểm này đã đánh trúng vào tâm lý vốn non nớt, ngây thơ của giới trẻ nhất là các bạn mới chân ướt chân ráo bước lên thành phố. Rõ ràng là sợi dây kết nối chân chính giữa ứng viên với nhà tuyển dụng tại Việt Nam còn khá hạn chế. Để rồi nhiều bạn trẻ đã lâm vào cảnh thất nghiệp do không biết tìm việc làm ở đâu, không biết làm sao để nắm được tay của các nhà tuyển dụng.

Nhận thức được các vấn đề trên, nghề “HR“ cùng với các ứng dụng như early Job, các trang web như Topcv… đã ra đời. Vậy HR là gì? HR (Human research) là vị trí chuyên viên tuyển dụng của một công ty. Việc có nhiều công ty chuyên môn hóa vị trí tuyển dụng đã có tác động tích cực đối với thị trường việc làm tại Việt Nam, tạo sợi dây kết nối ứng viên với công ty cần tuyển dụng. Theo đó, các chuyên viên HR sẽ sử dụng các diễn đàn, các ứng dụng như early job, các trang web như Topcv để đăng tuyển việc làm theo phân công của công ty qua đó giúp cho các bạn trẻ tìm được việc an toàn, miễn phí và công ty thì tìm được nhân sự thích hợp. Rõ ràng, cần phát triển hơn nữa những diễn đàn, những hoạt động nhân sự kết nối ứng viên để hỗ trợ các bạn trẻ trên con đường tìm việc làm và góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Tóm lại, có ba nguyên nhân chính dẫn đến sự thất nghiệp của hơn 240 000 cử nhân tại Việt Nam. Một là, do số lượng không nhỏ các cử nhân ra trường không đáp ứng được chuẩn đầu vào của thị trường lao động và bị thị trường lao động đào thải. Hai là, do tầm nhìn hạn hẹp về cơ hội việc làm. Ba là, do “sợi dây kết nối” việc làm giữa ứng viên với nhà tuyển dụng còn nhiều hạn chế. Từ ba nguyên nhân trên chúng ta có thể thực hiện các giải pháp sau: Một là, cải tiến chất lượng đào tạo ở các trường Đại học, đặc biệt là các trường Đại học top dưới; hai là, tăng cường có hiệu quả các công tác hướng nghiệp cho sinh viên. Ba là, xúc tiến các chương trình, tăng cường đầu tư và phát triển cho nhóm ngành nhân sự tại Việt Nam.

Gió Tín Phong

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều