Lý giải 3.000 nhà nghiên cứu/1 công trình quốc tế
Theo Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Thanh Hóa, số tiền 141 tỷ đồng không phải chi hết cho việc nghiên cứu khoa học.
Theo báo cáo về tình hình thực hiện chiến lược phát triển khoa học và công nghệ (KH-CN) giai đoạn 2011-2020 năm 2019 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, dù toàn tỉnh hiện có 3.116 cán bộ tham gia nghiên cứu KH-CN và đã chi gần 141 tỷ đồng cho sự nghiệp khoa học nhưng cả năm 2019, tỉnh Thanh Hóa chỉ có 19 công trình trong nước và 1 công trình khoa học quốc tế được công bố.
Trước thông tin gây nhiều tranh cãi này, trao đổi với báo Người lao động, ông Nguyễn Ngọc Túy, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Thanh Hóa, cho biết số tiền 141 tỷ đồng không phải chi hết cho việc nghiên cứu khoa học mà được chia ra thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau.
Trong số 141 tỷ đồng thì có 115 tỷ ngân sách cấp dùng để chi cho thực hiện các nhiệm vụ khoa học, hơn 26 tỷ đồng còn lại là dành cho đầu tư các nghiệm vụ nghiên cứu khoa học. Trong đó, 48 tỷ đồng được chi cho việc triển khai các nhiệm vụ KH-CN các cấp; 55 tỷ đồng thực hiện chính sách khuyến khích phát triển KH-CN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thanh Hóa năm 2015-2020 (số tiền 55 tỷ đồng chi cho năm 2019), số còn lại dùng để chi thường xuyên (lương cho cán bộ, các nhiệm vụ hoạt động của sở…).
“Sở KH-CN chỉ là đơn vị tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh về việc triển khai các nhiệm vụ, trong đó ưu tiên cho việc ứng dụng chuyển giao các tiến bộ KH-CN vào đời sống chứ không ưu tiên khuyến khích các đề tài mang tính chất nghiên cứu cơ bản.
Cụ thể, trong năm 2019, có 40 nhiệm vụ được tỉnh lựa chọn triển khai, trong đó tập trung vào các khâu đột phá về ứng dụng chuyển giao, cũng có một số nhiệm vụ mang tính chất nghiên cứu dưới dạng đề tài”, ông Túy thông tin.
Cũng theo Giám đốc Sở KH-CN Thanh Hóa, trong năm 2019 đã có nhiều nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh, cấp trung ương được Thanh Hóa triển khai có hiệu quả, được đánh giá là 1 trong 3 địa phương làm tốt các nhiệm vụ KH-CN (chỉ sau Hà Nội và TP HCM).
Về số lượng 3.116 người tham gia nghiên cứu khoa học, ông Túy cho biết không phải họ trực tiếp tham gia nghiên cứu khoa học mà đây là nguồn nhân lực khoa học của tỉnh.
Liên quan đến thông tin này, nhiều ý kiến cho rằng việc chi một số tiền lớn cho khoa học trong 1 năm mà chỉ có 20 công trình khoa học được công bố là quá khiêm tốn. Trong đó, đại đa số các công trình này đều là những công trình đăng trên báo, tạp chí, dưới dạng tham luận… không rõ các công trình nào đã được áp dụng vào thực tế.
Theo GS.TSKH Trần Duy Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật châu Á – Thái Bình Dương, tỉnh Thanh Hóa cần phải xem xét lại tính hiệu quả của việc nghiên cứu hoa học của địa phương.
Trong khi đó, GS.TSKH Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn cho rằng, nghiên cứu khoa học là một công việc đòi hỏi người tham gia nghiên cứu phải có trình độ, sự kiên nhẫn và chăm chỉ.
Thông thường, việc nghiên cứu khoa học phần lớn được tiến hành ở các trường đại học, các viện nghiên cứu, nơi tập trung những chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực.
Còn đối với việc nghiên cứu khoa học tại các địa phương, phần lớn người tham gia nghiên cứu theo dạng “tay ngang”. Vì vậy, họ không có điều kiện để nghiên cứu sâu, mà không có điều kiện nghiên cứu sâu thì khó có thể tìm ra được cái mới.
Từ thực tế này, GS.TSKH Phạm Phố cho rằng, các địa phương không nên tiếp tục chạy theo phong trào nghiên cứu khoa học. Vấn đề nghiên cứu khoa học nên giao cho các trường đại học, các viện nghiên cứu – nơi tập trung các chuyên gia đầu ngành thực hiện.
Minh Thái/DV