+
Aa
-
like
comment

Lý do Việt Nam xứng đáng được chọn là nơi “gửi vàng” của các ông lớn kinh tế thế giới

13/10/2021 11:00

Sau ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch Covid-19 thứ 4, nền kinh tế Việt Nam bị sụt giảm nghiêm trọng. Thế nhưng các nhà đầu tư vẫn quyết “kiếm tiền” từ đây, chắc chắn không phải tự nhiên.

Việc Samsung, Intel, Nidec Sankyo chuẩn bị khôi phục sản xuất tại Việt Nam cho thấy bức tranh kinh tế nước ta đang trở nên tươi sáng hơn.

Các chuyên gia kinh tế, thể chế tài chính lớn tin tưởng, sau khi mở cửa lại nền kinh tế, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến thu hút FDI hàng đầu trong khu vực nhờ nền tảng nội tại vững chắc, hệ thống kinh tế tự do.

Các Tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài sớm khôi phục sản xuất tại TP.HCM

Các đơn vị của hai tập đoàn công nghệ khổng lồ là Intel và Samsung đang nhắm đến mục tiêu khôi phục đầy đủ toàn bộ công suất hoạt động của các nhà máy tại Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối tháng 11.

Động thái được cho là có thể hỗ trợ các chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh hiện nay, theo Bloomberg.

“Khu Công nghệ cao Sài Gòn đang hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động hết công suất vào tháng tới, bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng ban Quản lý đơn vị này cho biết trong cuộc phỏng vấn.

Theo bà Lê Bích Loan, đa phần các doanh nghiệp ở Khu Công nghệ cao TP.HCM mới chỉ đang hoạt động khoảng 70% công suất thông thường.

Mặc dù vậy, vị lãnh đạo không nói rõ về các bước đang tiến hành, đặc biệt là nỗ lực đưa người lao động trở lại làm việc.

Nhà máy tại Thành phố Hồ Chí Minh của Nidec Sankyo Corp., nhà sản xuất đầu đọc thẻ từ và động cơ siêu nhỏ, cũng cho thấy tín hiệu sẽ hoạt động trở lại vào cuối tháng 11, theo Phó Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM.

Khu Công nghệ Cao TP.HCM là nơi tập trung hàng chục nhà máy sản xuất, cung cấp linh kiện hoặc dịch vụ cho các công ty công nghệ toàn cầu.

Hiện đại diện của Samsung, Intel và Nidec Sankyo không đưa ra bình luận về vấn đề này.

Khi kinh tế Việt Nam phục hồi, dòng vốn FDI sẽ còn tăng mạnh

Unilever Việt Nam là một chi nhánh của Unilever Quốc tế, được đầu tư rất nhiều vốn.

Cả Ngân hàng Thế giới WB, Ngân hàng Phát triển châu Á ADB, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cùng nhiều thể chế tài chính toàn cầu vẫn tỏ ra hết sức lạc quan đối với triển vọng phục hồi và tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Do có điều kiện nền tảng vững mạnh, Việt Nam tham gia ngày càng sâu, rộng vào chuỗi cung sản xuất toàn cầu, cộng thêm các lợi thế từ loạt hiệp định thương mại tự do đã ký như CPTPP, EVFTA…

Mức tăng trưởng của Việt Nam được dự báo sẽ đạt khoảng 6,8% năm 2022 với triển vọng sáng sủa đáng tin cậy trước mắt cũng như về lâu dài. Đương nhiên, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Như đã thông tin, bà Dorsati Mandani, chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam khẳng định, nhà đầu tư FDI vẫn tin tưởng vào triển vọng của nền kinh tế Việt Nam vì nhiều lý do.

“Nền kinh tế Việt Nam vẫn nằm trong số các quốc gia tăng trưởng tốt khi phần lớn các quốc gia khác trải qua sự suy giảm kinh tế nghiêm trọng. Đó là dấu hiệu chính của khả năng phục hồi và sức mạnh kinh tế, các nền tảng cơ bản của nền kinh tế là vững chắc”, đại diện WB nêu rõ.

Cũng theo cơ quan này, xu hướng FDI vào Việt Nam vẫn sẽ tăng lên. Đây là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư quốc tế vẫn kỳ vọng vào việc phát triển hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Thủ tướng tiếp xúc với các doanh nghiệp nước ngoài

Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam nêu quan điểm, Việt Nam thành công là điểm xuất khẩu thành công trong các lĩnh vực như dệt may da giày, công nghệ, thiết bị.

“Do đó, Việt Nam đã xây dựng được một nền tảng vững chắc trong mắt xích chuỗi cung ứng trên toàn cầu”, chuyên gia của HSBC khẳng định.

Cũng theo ông Tim Evans, thời điểm này, các nhà đầu tư nước ngoài có thể chậm lại trong việc rót vốn vào đầu tư mới, để đầu tư vào nghiên cứu, hoặc thay đổi mô hình quản trị hiệu quả hơn.

Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Việt Nam – Nhật Bản (JETRO) ở Hà Nội Takeo Nakajima cho rằng, thực tế, khoảng hai thập kỷ qua, Việt Nam đã trở thành cơ sở sản xuất quan trọng của các công ty Nhật Bản,

“Hầu như sẽ không có công ty nào nghĩ đến việc rời bỏ Việt Nam chỉ vì vài tháng khó khăn, mặc dù tất nhiên họ sẽ phải điều chỉnh và cải thiện hệ thống sản xuất cho phù hợp tình hình mới”, ông Nakajima nêu rõ.

Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham Việt Nam cho biết, mặc dù, không có gì ngụy tạo khi nói rằng đợt bùng phát dịch lần thứ tư này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của Việt Nam.

Chỉ số Môi trường Kinh doanh của EuroCham hiện đang ghi nhận kết quả thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Nếu các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội và hạn chế đi lại tiếp tục kéo dài hơn nữa, các dự án đầu tư mới có thể gặp rủi ro và các công ty có thể xem xét di chuyển tới các nơi khác trong khu vực.

Thống kê cho thấy, vì phong tỏa và giãn cách xã hội kéo dài, 18% các doanh nghiệp trong ngành sản xuất đã chuyển dịch một phần nhu cầu sản xuất/đơn hàng sang các nước khác. Bên cạnh đó, 16% doanh nghiệp cũng đang cân nhắc chuyển dịch sản xuất.

“Tuy nhiên, hiện chưa có doanh nghiệp châu Âu nào rời Việt Nam”, ông Alain Cany nói.

Như Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nêu rõ, thành công của các nhà đầu tư nước ngoài là thành công của Việt Nam, mất mát, thiệt thòi của các nhà đầu tư nước ngoài cũng là mất mát, thiệt thòi của Việt Nam.

Mọi khó khăn này chỉ là nhất thời, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục là điểm đến ngày càng hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Đồng thời, việc tái khởi động sản xuất, lấy lại đã phục hồi thành công hay không, không chỉ có sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp, mà luôn có sự chia sẻ, chung tay, chung sức của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI.

Trong khó khăn, sự đồng hành và đoàn kết chính là sức mạnh.

Không phải vô cớ mà các nhà đầu tư chọn đổ tiền vào Việt Nam

Nền kinh tế đang trên đà hồi phục và sẽ là nền tảng để đột kích tăng trưởng.

TS. Nguyễn Quốc Việt Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) chia sẻ quan điểm với TG&VN cho rằng, đại dịch Covid-19 như một phép thử khắc nghiệt nhất đối với nhân loại kể từ Thế chiến II.

Trong khi hầu hết các nền kinh tế rơi vào suy thoái, thì dưới sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt thực hiện “mục tiêu kép”, với những nỗ lực của Chính phủ cùng sự đồng thuận của nhân dân, Việt Nam đã giữ được môi trường ổn định, phát triển kinh tế.

Điều đặc biệt quan trọng là hệ thống an sinh xã hội của Việt nam đã chứng minh được tính ưu việt, vượt qua thách thức và thể hiện sự chống chịu các cú sốc từ rủi ro dịch bệnh bên ngoài.

Vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) trong quý III/2021 so với năm 2020 vẫn tương đương, giảm không đáng kể. Đó là một điểm rất tích cực và đặc biệt. Xuất khẩu vẫn tăng trưởng khá, tăng 18%.

Theo vị chuyên gia, trong dài hạn, để phục hồi sau dịch bệnh và phục hồi đà tăng trưởng, Việt Nam cần có chiến lược nhằm tái định vị nền kinh tế trên cả phương diện cải thiện năng lực cạnh tranh, tận dụng lợi thế so sánh và tận dụng các hiệp định thương mại đã ký kết để làm tăng giá trị của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu.

GS.TS Andreas Stoffers, Giám đốc quốc gia của Friedrich Naumann Foundation tại Việt Nam nhận xét, Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất trong khu vực ASEAN.

“Việt Nam hiện có một trong những hệ thống kinh tế tự do nhất trong khu vực. Điều này cho phép các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động tích cực tại đây với các điều kiện hấp dẫn. Không phải vô cớ mà Việt Nam là quốc gia được EU lựa chọn để ký hiệp định thương mại tự do”, Giám đốc quốc gia của Friedrich Naumann Foundation nêu rõ.

Minh Anh

Bài mới
Đọc nhiều