+
Aa
-
like
comment

Lý do Việt Nam chủ động “chung tay” xây dựng nhà máy thủy điện Luang Prabang của Lào

Thế Khoa - 24/10/2019 09:55

Trước thông tin công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam là một trong những doanh nghiệp tham gia đầu tư vào dự án thủy điện Luang Prabang của Lào, một số ý kiến cho rằng “nếu Việt Nam tham gia vào đầu tư xây dựng đập Thủy điện Luang Prabang là góp phần gây nên tác động tiêu cực cho ĐBSCL, đẩy người dân vào tình thế khó khăn hơn nữa trong bối cảnh khu vực này đang phải chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng”.

Dư luận lo lắng như trên âu cũng là điều dễ hiểu. Bởi theo kết quả nghiên cứu năm 2018 của Ủy hội Sông Mê Kông cho biết, có đến 97% trầm tích sẽ bị giữ lại nếu các con đập trên dòng chính và các chi lưu của con sông này được xây dựng. Đây là nguyên nhân khách quan, nhưng không kém phần quan trọng làm cho ĐBSCL đang dần biến mất. Trên thực tế, việc phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông đe dọa nghiêm trọng đến môi trường và sinh kế của hàng triệu người dân sống dựa vào con sông này, sẽ làm trầm trọng hơn những tác động môi trường mà người dân sống tại khu vực ĐBSCL đang phải đối mặt.

Thực tế trong thời gian qua, Chính phủ và Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đã nhiều lần đấu tranh, công khai kiến nghị chính thức với Chính phủ Lào là không nên hoặc hoãn xây dựng các công trình thủy điện trên sông Mê Kông. Thế nhưng các công trình thủy điện trên con sông này vẫn lần lượt được nước bạn triển khai và xây dựng. Có thể thấy việc Việt Nam có tham gia vào dự án thủy điện này hay không thì phía Lào chắc chắn vẫn sẽ thực hiện, vậy thì tại sao chúng ta không là thành viên của dự án này để lên tiếng, giảm thiểu đi những thiệt hại? Việc Việt Nam tham gia dự án sẽ có mặt lợi, chủ động từ khâu nghiên cứu, thiết kế, đến vận hành, giám sát, đưa ra các chính sách hợp lý, giảm thiểu tác hại ở mức thấp nhất đến 20 triệu người dân Việt Nam sống gần khu vực này.

Đập thủy điện chặn lại phù sa, cát là một trong những nguyên nhân gây sạt lở nghiêm trọng ở ĐBSCL

Quan trọng hơn hiện nay Trung Quốc có 11 nhà máy thủy điện lớn ở thượng nguồn sông Mê Kông và có ý định muốn liên doanh nhiều dự án thủy điện ở hạ nguồn sông. Đây đều là âm mưu của Trung Quốc khi càng xây dựng nhiều nhà máy thủy điện, nhiều con đập, tham gia các dự án thủy điện thì họ càng mở rộng khả năng kiểm soát sông Mê Kông, qua đó gây tác động về kinh tế lẫn chính trị tới những quốc gia khác ở lưu vực sông. Vậy nên, đây là bài toán “đánh đổi”, nước cờ chủ động của Việt Nam, vì Trung Quốc sẵn sàng nhảy vào đầu tư và chi phối các hoạt động của thủy điện ở Lào, lúc đó sẽ đem lại nhiều rủi ro hơn. Dù không lớn như ở biển Đông, nơi Trung Quốc đang ráo riết tuyên bố chủ quyền phi lý thông qua đường lưỡi bò, nhưng tầm quan trọng của sông Mê Kông không hề thua kém gì. Bởi giá trị mà dòng sông này đem lại, một nguồn thực phẩm dồi dào, đây là tuyến động mạch chạy xuyên lục địa Đông Nam Á, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với an ninh kinh tế, xã hội, đời sống của 60 triệu người dân các nước ven sông.

Chắc chắn khi con người tác động vào tự nhiên bao giờ cũng đem lại hai mặt lợi và hại, không bao giờ được tất cả. Vậy nên việc Việt Nam “chung tay” xây dựng nhà máy thủy điện của Lào là đang tự tìm cách cứu lấy mình, cứu 20 triệu người dân đang sinh sống quanh khu vực ĐBSCL, giảm thiểu rủi ro nhiều nhất cho người dân.

Vấn đề Khu vực sông Mê Kông là vấn đề lớn, ảnh hưởng nặng nề đến an ninh kinh tế và đời sống nhân dân khu vực ĐBSCL. Thế nhưng cho đến nay dường như kết quả chưa mấy khả quan. Phía Việt Nam đã dừng việc xây dựng đập, song vẫn còn đó Trung Quốc, Lào, Thái Lan với hàng trăm con đập vẫn tiếp tục được lên kế hoạch xây dựng, nguy cơ về một cuộc khủng hoảng khu vực đáng tiếc chỉ lớn dần lên qua thời gian. Cho nên, thiết nghĩ tại các cuộc họp của khu vực, đại điện Việt Nam cần lên án tình trạng các nước xây dựng tràn lan các thủy điện trên sông Mê Kông, đẩy sinh kế người dân vào tình thế khó khăn, và thực sự cần đến một giải pháp toàn diện với sự phối hợp của các nước trong khu vực.

Thế Khoa

Bài mới
Đọc nhiều