+
Aa
-
like
comment

Lý do Viện Virus học Vũ Hán bị nghi làm lọt nCov

07/05/2020 21:41

Nằm gần khu chợ khởi phát Covid-19, Viện Virus học Vũ Hán chuyên nghiên cứu các chủng virus corona, khiến cơ sở này bị nghi là nơi phát tán nCoV.

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gần đây gia tăng, sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tăng cường chỉ trích Bắc Kinh giấu dịch, đồng thời thúc đẩy cáo buộc nCoV lọt ra từ phòng thí nghiệm của Viện Virus học Vũ Hán (WIV).

Đây không phải lần đầu nghi vấn nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm này được đưa ra. Ngay từ khi Covid-19 mới bùng phát ở Vũ Hán, mạng xã hội Trung Quốc đã lan truyền những tin đồn về mối liên quan giữa virus với WIV.

Phòng thí nghiệm BSL-4 của WIV hồi giữa tháng 4. Ảnh: AFP.
Phòng thí nghiệm BSL-4 của WIV hồi giữa tháng 4. Ảnh: AFP.

Nhà chức trách Trung Quốc lúc đó cho rằng Covid-19 khởi phát từ chợ hải sản Hoa Nam Vũ Hán, nơi những bệnh nhân đầu tiên làm việc hoặc ghé thăm. Một số nhà khoa học Trung Quốc cũng nhận định các loài động vật hoang dã bán ở chợ nhiều khả năng là nguồn phát tán virus.

Tuy nhiên, giả thuyết về nguồn gốc virus này gây hoài nghi, khi các nhà nghiên cứu Trung Quốc đăng một bài viết trên tạp chí y khoa quốc tế Lancet hôm 24/1 cho biết trong số 41 bệnh nhân nhiễm nCoV đầu tiên được báo cáo, chỉ có 27 người từng tới chợ Hoa Nam Vũ Hán.

Một tài khoản mạng xã hội Trung Quốc lập tức tung ra tin đồn rằng một nhà nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán, địa điểm chỉ nằm cách chợ hải sản Hoa Nam 13 km, đã bị dơi cắn và nhiễm virus, trong khi người khác lại nhận định một nghiên cứu sinh tại đây là “bệnh nhân số 0”.

Khoảng cách gần với chợ Hoa Nam khiến WIV trở thành tâm điểm của những tin đồn và thuyết âm mưu lúc đó, nhiều tháng trước khi chính quyền Trump và các cơ quan tình báo phương Tây đưa ra những nghi vấn đầu tiên về nguồn gốc virus. Một vài giả thuyết còn cho rằng đây là cơ sở nghiên cứu vũ khí sinh học của quân đội Trung Quốc và nCoV vô tình bị lọt ra ngoài.

Không có bằng chứng nào được đưa ra để chứng minh cho những tin đồn này, nhưng chúng cũng khiến Thạch Chính Lệ , nhà virus học hàng đầu của WIV, phải lên mạng xã hội “lấy mạng ra bảo đảm” rằng phòng thí nghiệm của bà không liên quan tới đại dịch. Sự ngờ vực vẫn tồn tại trong một thời gian dài cho đến khi Trung Quốc kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Đến giữa tháng 4, phòng thí nghiệm Vũ Hán tiếp tục trở thành tâm điểm chú ý sau khi truyền thông Mỹ dẫn các báo cáo từ năm 2018, trong đó Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo về mức độ an toàn và các điểm yếu trong quản lý tại cơ sở này. Kể từ đó, chính phủ Mỹ liên tục xem xét khả năng nCoV được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm Vũ Hán và bị rò rỉ ra ngoài trong một sự cố.

Ngoài khoảng cách gần chợ hải sản Hoa Nam, phòng thí nghiệm VIW cũng là trung tâm nghiên cứu toàn cầu về các chủng virus corona và những hậu quả tiềm tàng của chúng.

Được khánh thành năm 2015 với chi phí xây dựng 44 triệu USD và đi vào hoạt động từ năm 2018, phòng thí nghiệm cấp độ bảo mật sinh học BSL-4 này ban đầu được Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc lên kế hoạch biến thành phòng thí nghiệm tham chiếu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Các phòng thí nghiệm BSL-4 được thiết kế để nghiên cứu những mầm bệnh nguy hiểm nhất thế giới với khả năng lây nhiễm cao, dễ gây chết người và thường không có phương pháp điều trị hiệu quả.

Các nghiên cứu ban đầu của WIV tập trung vào bệnh sốt xuất huyết ở Crimea và Congo, Ebola và virus Lassa Tây Phi. Về sau, WIV trở thành trung tâm nghiên cứu toàn cầu về chủng virus corona và những hậu quả tiềm tàng của nó, điều mà các nhà khoa học Trung Quốc đã được cảnh báo từ đại dịch SARS hồi đầu những năm 2000.

Nhà virus học nổi tiếng Trung Quốc Shi Zhengli. Ảnh: AFP.
Nhà virus học Thạch Chính Lệ. Ảnh: AFP.

WIV là một trong số ít cơ sở trên thế giới đạt cấp độ bảo mật sinh học BSL-4, mức cao nhất được quốc tế công nhận. Họ phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt như không khí và nước cần được lọc và xử lý trước khi thải ra ngoài, các nhà nghiên cứu phải thay quần áo và tắm trước và sau khi rời phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng dù quy trình chặt chẽ đến đâu, sự cố vẫn có thể xảy ra.

Năm 2003, dịch SARS ở Singapore có liên quan tới sự cố tại một phòng thí nghiệm bệnh viện cấp độ BSL-3 khiến một sinh viên 27 tuổi bị nhiễm. Kết quả điều tra cho thấy quy tắc an toàn đã bị vi phạm khi các nhà nghiên cứu phải làm việc cùng nhau trong lúc một phòng thí nghiệm khác được cải tạo.

Dù liên tục đưa ra những cáo buộc nhằm vào Viện Virus học Vũ Hán, giới chức Mỹ vẫn không chắc chắn về nguồn gốc thực sự của nCoV.

Sau khi tuyên bố “có bằng chứng to lớn” rằng nCoV lọt ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 6/5 lại thừa nhận ông “không thể đoan chắc” về điều này. Trước đó, giới chức Lầu Năm Góc và liên minh tình báo Ngũ Nhãn gồm Mỹ, Anh, Australia, New Zealand và Canada cũng thiên về nhận định nCoV có nguồn gốc tự nhiên.

Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ tuần trước ra thông cáo khẳng định các cơ quan tình báo nước này “đồng tình với quan điểm của giới khoa học rằng nCoV không phải virus nhân tạo hay được điều chỉnh gene”. Hai quan chức phương Tây nhận định “khả năng rất cao” là Covid-19 không bắt nguồn từ phòng thí nghiệm, mà khởi phát từ chợ động vật tươi sống ở Vũ Hán.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi những cáo buộc trên là chiến lược chính trị nhằm bôi nhọ nước này nhằm phục vụ cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm nay.

“Họ được khuyến khích công kích Trung Quốc với cái cớ là nCoV, chúng tôi đã chán ngấy những chiêu trò như vậy. Chúng tôi kêu gọi Mỹ ngừng tung tin giả hoặc lừa dối cộng đồng quốc tế. Họ nên tự giải quyết vấn đề của chính mình cũng như đại dịch ở nước Mỹ”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói hôm 6/5.

Bà Hoa cũng nhấn mạnh rằng Ngoại trưởng Pompeo chưa đưa ra được bằng chứng xác đáng nào để ủng hộ các tuyên bố của mình. “Ông ấy không thể công bố vì không có bằng chứng nào, vấn đề này nên để các nhà ngoại giao giải quyết, thay vì các chính trị gia đang theo đuổi mục tiêu đối nội”, bà Hoa nói thêm.

Bắc Kinh nhiều lần bị nghi ngờ che giấu dịch bằng cách kiểm soát chặt chẽ thông tin về Covid-19, khiển trách những người cảnh báo sớm về dịch bệnh như bác sĩ Lý Văn Lượng, cũng như giảm nhẹ mối đe dọa của nCoV khi ban đầu thông báo virus không lây từ người sang người và không công bố số liệu ca nhiễm, tử vong thực tế.

Một nhà nghiên cứu đang làm việc trong phòng thí nghiệm tại Viện Virus học Vũ Hán, hồi tháng 2/2017. Ảnh: AFP.
Nhà nghiên cứu đang làm việc trong phòng thí nghiệm WIV hồi tháng 2/2017. Ảnh: AFP.

Trong khi đó, phần lớn giới khoa học bác bỏ những nghi vấn cho rằng nCoV có nguồn gốc nhân tạo. 27 chuyên gia y tế cộng đồng hồi cuối tháng 2 từng viết thư cho tạp chí y khoa Lancet để lên án những giả thuyết như vậy, đưa ra dẫn chứng khoa học để chứng minh “nCoV bắt nguồn từ tự nhiên”.

Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ Anthony Fauci hôm 4/5 cũng phản bác giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm. “Dựa vào quá trình tiến hóa virus ở loài dơi và tình hình hiện nay, bằng chứng khoa học đang nghiêng về khả năng nCoV không thể do con người tạo ra một cách có chủ đích. Nhiều nhà sinh vật học có trình độ chuyên môn cao cũng cho rằng nCoV tiến hóa trong tự nhiên, sau đó truyền sang các loài động vật”, ông nói.

Trong một bài viết đăng trên tạp chí Nature Medicine hôm 17/3, các chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, Anh và Australia cũng khẳng định “khó có khả năng” nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm, dựa trên phân tích so sánh dữ liệu bộ gene. “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rõ ràng nCoV không phải sản phẩm trong phòng thí nghiệm hay được cố ý chỉnh sửa gene”, bài viết có đoạn.

Một nguồn tin trong liên minh tình báo Ngũ Nhãn nói rằng họ không loại trừ giả thuyết virus phát tán từ phòng thí nghiệm, nhưng cảnh báo rằng chưa có bằng chứng ủng hộ điều này. Nguồn tin này nhấn mạnh “rõ ràng chợ hải sản Hoa Nam là nơi bùng phát dịch”, nhưng giới tình báo và khoa học vẫn chưa rõ virus xuất hiện ở khu chợ này bằng con đường nào.

Vũ Anh/VNE

Bài mới
Đọc nhiều