+
Aa
-
like
comment

Lý do vì sao IMF ba lần khuyên Việt Nam “đừng giả nghèo, giả khổ nữa”

Bảo Trâm - 01/06/2021 06:46

Mới đây, đoàn chuyên ga IMF đã gửi khuyến nghị lên Tổng cục thống kê Việt Nam (GSO) về việc tính lại quy mô nền kinh tế Việt Nam. Đây được xem là lần thứ 3 mà IMF đưa ra đề nghị trên, thậm chí IMF còn hỗ trợ Việt Nam đánh giá lại quy mô GDP, mỗi lần điều chỉnh đều khiến GDP tăng bình quân khoảng 25% mỗi năm so với trước đó.

Mặc dù tháng 4/2020, Việt Nam đã công bố kết quả tính lại GDP với mức điều chỉnh tăng 25,4%. Thế nhưng, hai đợt thực hiện đánh giá lại quy mô GDP trên chỉ mới xem xét, rà soát các hoạt động kinh tế thuộc phạm vi sản xuất theo quy định của Việt Nam, không đề cập tới các hoạt động kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp.

Trong những năm gần đây, IMF đã hai lần hỗ trợ Việt Nam đánh giá lại quy mô GDP. Lần thứ nhất là đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010-2017, tăng bình quân 25,4% mỗi năm so với trước đó. Lần thứ hai là đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2018-2020, cũng tăng bình quân trên 25% so với trước đó. IMF ước tính, quy mô GDP 2020 của Việt Nam đạt 340,8 tỷ USD (theo báo cáo tháng 4/2021).

Trong lần sang hỗ trợ vào năm 2019, ông Robert Dippelsman, Phó Trưởng phòng thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho hay, IMF muốn Việt Nam có thể nắm bắt được tất cả các số liệu thống kê liên quan đến các doanh nghiệp mới, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp nước ngoài, mà trước đây có thể trong quá trình thống kê về GDP chưa tính được hết và chưa cập nhật được đầy đủ những số liệu này, để đảm bảo bao phủ 100% toàn bộ những hoạt động kinh tế ở Việt Nam.

Ông Robert Dippelsman, Phó Trưởng phòng thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)

Ông Robert cũng cho rằng, hiện nay việc rà soát, cập nhật số liệu thống kê về GDP là một việc làm bình thường. Đặc biệt là với các quốc gia đang phát triển và có tốc độ thay đổi nhanh như Việt Nam thì việc thống kê và rà soát lại GDP là rất cần thiết.

Đối với Việt Nam vấn đề lớn nhất chính là sự thay đổi rất nhanh về cơ cấu kinh tế, với nền kinh tế mới và đang phát triển, số lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất lớn. Ngoài ra, kinh tế hộ gia đình cũng rất khó để có thể nắm bắt được số liệu thống kê một cách kịp thời và đầy đủ.

Tuy nhiên, hai đợt thực hiện đánh giá lại quy mô GDP trước đó chỉ mới được xem xét, rà soát các hoạt động kinh tế thuộc phạm vi sản xuất theo quy định của Việt Nam, nhưng không đề cập tới các hoạt động kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp.

Vì thế, trong khuyến nghị quý I/2021, IMF đã chỉ rõ, việc loại trừ một số hoạt động sẽ dẫn đến ước tính thiếu quy mô của nền kinh tế, có thể làm sai chệch tốc độ tăng trưởng GDP, và gây trở ngại cho so sánh quốc tế. Sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành dịch vụ và thành tố phi chính thức của ngành này khiến Tổng cục Thống kê gặp nhiều thách thức trong công tác đo lường. Vì vậy, IMF sẽ hỗ trợ Việt Nam thống kê tài khoản quốc gia toàn diện thêm một lần nữa.

Tới đây, các kết quả từ cuộc tổng điều tra kinh tế, dự kiến tiến hành trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 8/2021, sẽ bao trùm các hoạt động phi chính thức. Các kết quả tổng điều tra sẽ là đầu vào quan trọng để cải thiện độ bao phủ đối với các hoạt động kinh tế.

Theo Báo cáo Đoàn công tác Thống kê tài khoản Quốc gia, trong quý I/2021, IMF đã khuyến nghị Tổng cục Thống kê Việt Nam các vấn đề đáng chú ý sau:

(1) Thay đổi năm gốc cố định (giá so sánh 2010) sang năm gốc liên hoàn.  Tại sao phải chuyển đổi năm gốc liên hoàn ?

Hiện nay, Việt Nam đang sử dụng năm gốc cố định (giá so sánh 2010) để tính toán sự tăng trưởng của các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Nhưng năm gốc cố định (giá so sánh 2010) đã trở nên lỗi thời, vì thế Tổng cục Thống kê Việt Nam (TCTK) có kế hoạch xây dựng năm gốc cố định mới (giá so sánh 2020). Tuy nhiên, IMF cho rằng năm 2020 không phù hợp để chọn làm năm gốc cố định, vì tác động của đại dịch Covid-19 sẽ tạo ra những hình thái bất thường đối với tài khoản quốc gia. Ngoài ra, do cú sốc hiện tại có thể kéo dài và tiếp diễn sang năm 2021, IMF cũng khuyến nghị rằng những quốc gia đã lên kế hoạch sử dụng năm 2021 làm gốc cố định mới cũng nên cân nhắc điều chỉnh kế hoạch và lựa chọn một năm gốc cố định khác.

Trở lại câu chuyện của Việt Nam, IMF khuyến nghị TCTK Việt Nam chuyển đổi từ năm gốc cố định sang năm gốc liên hoàn. Trên lý thuyết, việc sử dụng năm gốc liên hoàn ưu việt hơn, bởi vì các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô được cập nhật thường xuyên, giảm nguy cơ xảy ra những méo mó so với cách tiếp cận dựa trên năm gốc cố định.

IMF sẽ trực tiếp hỗ trợ TCTK Việt Nam chuyển đổi năm gốc cố định sang năm gốc liên hoàn. Dự kiến tháng 12/2022, TCTK Việt Nam phải bắt đầu thử nghiệm biên soạn và trình bày tài khoản quốc theo năm gốc liên hoàn. Dự kiến tháng 3/2023, TCTK Việt Nam phải công bố toàn bộ tài khoản quốc gia đã chuyển đổi năm gốc mới. Dự kiến tháng 4/2023, toàn bộ dữ liệu mới sẽ được hợp nhất trên hệ thống World Economic Outlook Database của IMF.

(2) Thống kê tài khoản quốc gia toàn diện – bao trùm cả những hoạt động không quan sát được. Vì sao phải đánh giá lại quy mô kinh tế của Việt Nam thêm một lần nữa?

Trong những năm gần đây, IMF đã hai lần hỗ trợ Việt Nam đánh giá lại quy mô GDP. Lần thứ nhất là đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010-2017, tăng bình quân 25,4% mỗi năm so với trước đó. Lần thứ hai là đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2018-2020, cũng tăng bình quân trên 25% so với trước đó. IMF ước tính quy mô GDP 2020 của Việt Nam đạt 340,8 tỷ USD (báo cáo tháng 4/2021).

Tuy nhiên, hai đợt thực hiện đánh giá lại quy mô GDP trên chỉ mới xem xét, rà soát các hoạt động kinh tế thuộc phạm vi sản xuất theo quy định của Việt Nam, không đề cập tới các hoạt động kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp. IMF cho rằng Việt Nam đã loại trừ một số hoạt động kinh tế không quan sát được, dẫn đến ước tính thiếu quy mô của nền kinh tế, có thể làm sai chệch tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP), gây trở ngại cho so sánh quốc tế. Sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành dịch vụ và thành tố phi chính thức của ngành này khiến các cơ quan thống kê gặp nhiều thách thức trong công tác đo lường. Cho nên, IMF sẽ hỗ trợ Việt Nam thống kê tài khoản quốc gia toàn diện thêm một lần nữa.

Một cuộc tổng điều tra kinh tế sẽ được thực hiện trong năm 2021, dự kiến tiến hành trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 8, sẽ bao trùm các hoạt động phi chính thức. Đồng thời, IMF sẽ hướng dẫn TCTK Việt Nam áp dụng một hệ thống thống kê mới (hệ thống bảng SUT & IO 2020). Dự kiến, các phương pháp tính toán mới sẽ được đồng bộ vào tháng 6/2022, thực hiện song song với việc chuyển đổi năm gốc liên hoàn.

(3) Cải thiện hơn nữa khả năng dễ dàng tiếp cận dữ liệu và siêu dữ liệu chi tiết sẵn có bằng tiếng Anh. Việt Nam nên công bố dữ liệu bằng tiếng Anh ?

IMF cho rằng các công bố về tài khoản quốc gia năm hoặc quý của Việt Nam dường như không sẵn có tại cổng thông tin điện tử của TCTK Việt Nam. Các ước tính GDP quý chỉ được công bố bằng tiếng Việt gây khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin. Việc công bố dữ liệu bằng tiếng Anh sẽ tạo thuận lợi cho cộng đồng quốc tế tiếp cận thông tin tốt hơn.

(4) Xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế hàng tháng. 

Hiện nay, Việt Nam là quốc gia thường có các cập nhật báo cáo dữ liệu sớm nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ có các báo cáo kinh tế xã hội hàng tháng, báo cáo tăng trưởng kinh tế hàng quý, mà chưa có báo cáo tăng trưởng kinh tế hàng tháng. IMF khuyến nghị TCTK Việt Nam cần xây dựng thêm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế hàng tháng để cung cấp đa dạng thông tin hơn. IMF sẽ nghiên cứu các phương án lựa chọn để giúp TCTK Việt Nam xây dựng chỉ tiêu này, đồng thời cũng sẽ hỗ trợ cho việc cải thiện các chỉ tiêu kinh tế hàng quý hiện có.

Như vậy, IMF đã ba lần khuyến nghị Việt Nam đánh giá lại quy mô GDP. Về phía Việt Nam, TCTK Việt Nam bắt đầu sử dụng các phương pháp tính toán mới để tiến hành thực hiện tổng điều tra kinh tế, tuy nhiên vẫn đang sử dụng năm gốc cố định (giá so sánh 2010). Cụ thể trong báo cáo kinh tế xã hội Quý I/2021, giá trị GDP đã thay đổi tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, TCTK Việt Nam cũng đang rà soát lại GRDP cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2010-2020, dự kiến công bố vào tháng 8/2021.

Bảo Trâm

Bài mới
Đọc nhiều