Lý do tỷ lệ tử vong vì nCoV của Bỉ cao nhất thế giới
Dù dân số chỉ khoảng 12 triệu, Bỉ ghi nhận tới hơn 9.000 người chết vì nCoV, gần gấp đôi Trung Quốc, nơi đại dịch khởi phát.
Tỷ lệ tử vong vì nCoV tại Bỉ là 16,4%, cao nhất thế giới. Đây cũng là nước đứng đầu toàn cầu về tỷ lệ tử vong trên đầu người, với 78 người chết/100.000 dân, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins. Trong khi đó, con số này tại Mỹ, Tây Ban Nha và Italy lần lượt là 26, 58 và 52.
Giới chức Bỉ cho biết lý do những con số trở nên đáng sợ như vậy không phải bởi hệ thống y tế quá tải, mà xuất phát từ cách thống kê. Khác với nhiều quốc gia, Bỉ tính cả những người tử vong tại viện dưỡng lão vào tổng số người chết, ngay cả khi họ chưa được xác nhận nhiễm virus.
“Chúng tôi thường bị chỉ trích vì khiến nước Bỉ trông tệ hại, nhưng chúng tôi nghĩ ngược lại. Nếu muốn so sánh con số của chúng tôi với các nước khác, về cơ bản bạn phải giảm chúng xuống còn một nửa”, Steven Van Gucht, người đứng đầu bộ phận phụ trách các bệnh do virus tại Viện Y tế Cộng đồng Sciensano của Bỉ, cho hay.
Khoảng 95% ca tử vong do Covid-19 tại các viện dưỡng lão chưa nhận kết quả xét nghiệm nCoV, nhưng Bỉ vẫn quyết định đưa họ vào thống kê dựa trên những triệu chứng và lịch sử tiếp xúc, nhằm có được cái nhìn rõ ràng hơn về đại dịch, cũng như phát hiện các “điểm nóng” tốt hơn. Số người chết vì nCoV bên ngoài bệnh viện tại Bỉ thường chiếm khoảng một nửa tổng số ca tử vong.
“Phương pháp thống kê của chúng tôi là chính xác và trung thực nhất về mặt khoa học”, nhà virus học Yves Van Laethem, phát ngôn viên của chính phủ Bỉ, trả lời phóng viên hôm 15/5.
Van Laethem giải thích với báo giới rằng số liệu Covid-19 của Bỉ theo sát “số ca tử vong vượt mức” trong giai đoạn đại dịch, tức là số người chết vượt quá dự đoán dựa trên tỷ lệ tử vong cùng kỳ những năm trước đây. Từ ngày 16/3 đến 26/4, Bỉ báo cáo 7.559 người chết vì nCoV. Tờ Economist cũng ước tính số người chết vượt quá dự đoán vào cùng kỳ của nước này là 7.397, gần bằng con số trên.
Để so sánh, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Yale của Mỹ, hợp tác với Washington Post, đã phân tích dữ liệu về số người tử vong ở Mỹ tháng này. Kết quả dựa trên số ca tử vong vượt mức cho thấy số người chết vì nCoV trên thực tế tại Mỹ có thể cao gấp rưỡi con số thống kê.
Tuy nhiên, phương pháp thống kê của Bỉ được cho là tiềm ẩn nhiều vấn đề khi dùng để so sánh giữa các nước. Việc thu thập số liệu đầy đủ có thể bị chậm, dẫn đến thiếu sót. Tổng ước tính số ca tử vong vượt mức còn có thể bao gồm những người mắc bệnh không liên quan đến Covid-19, nhưng không tìm đến cơ sở y tế vì đại dịch. Bên cạnh đó, số liệu này còn chịu những tác động khác của lệnh phong tỏa, như số người chết vì tai nạn giao thông sẽ ít hơn.
“Phương pháp thống kê của các nước trong Liên minh châu Âu vẫn không giống nhau, có nguy cơ gây ra hiểu lầm về chính trị, cũng như nhận thức khác nhau về cuộc khủng hoảng”, Pascal Canfin, chủ tịch ủy ban y tế và môi trường của Nghị viện châu Âu, cho hay.
Ngay cả khi dựa trên số ca tử vong vượt mức, Bỉ vẫn là nước bị Covid-19 ảnh hưởng nặng nề thứ ba thế giới sau Anh và Tây Ban Nha, theo phân tích của Economist. Tạp chí này không tính toán con số ở Mỹ, nhưng ước tính tỷ lệ tử vong vượt mức tại thành phố New York cao hơn nhiều so với Anh.
Giới chức Bỉ cũng thừa nhận đại dịch đã tấn công mạnh vào đất nước. “Chúng tôi thống kê rất chính xác, nhưng điều đó không làm giảm nhẹ đi sự thật là chúng tôi cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, Van Gucht nói.
Ông cho hay một trong các nguyên nhân có thể là mật độ dân số của Bỉ dày đặc hơn so với những nước láng giềng. Sân bay Brussels, trung tâm giao thông quốc tế, có thể đã khiến mầm bệnh bị “rải” khắp vùng thủ đô đông đúc. Nhiều người Bỉ còn đi trượt tuyết ở miền bắc Italy, tâm dịch của nước này, trong kỳ nghỉ hồi cuối tháng 2.
Các viện dưỡng lão của Bỉ chiếm hơn một nửa số ca tử vong vì nCoV, một phần bởi người cao tuổi ở nước này có xu hướng sống trong viện dưỡng lão nhiều hơn so với những nước châu Âu khác. Giới chức y tế thừa nhận họ chậm nhận ra nguy cơ lây lan nCoV từ những cơ sở này.
Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng một nửa số người chết vì nCoV ở châu Âu có thể là người già trong viện dưỡng lão. Giới chức Bỉ đánh giá tình trạng các viện dưỡng lão của họ không tệ hơn so với nơi nào khác ở châu Âu và đã được kiểm soát, nhờ công tác xét nghiệm và cung cấp đồ bảo hộ cho nhân viên.
Chính quyền còn tự hào rằng ngay cả ở đỉnh điểm của dịch bệnh, tỷ lệ giường chăm sóc tích cực đang sử dụng chưa bao giờ vượt quá 60%. Tuy nhiên, họ thừa nhận Bỉ, một quốc gia giàu có và năng lực y tế tương đối cao, trên thực tế đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bất kể con số được tính như thế nào.
“Virus tại Tây Âu đã lây lan rất nhiều tại đất nước của chúng tôi”, Van Gucht cho biết.
Ánh Ngọc/VNE