+
Aa
-
like
comment

Lý do thực sự khiến hơn 300 học sinh Học viện Múa Việt Nam không được cấp bằng là gì?

01/04/2021 06:12

Hơn 300 học sinh của Học viện Múa Việt Nam đã và có nguy cơ không được cấp bằng. Ngoài lý do chủ quan là do sự tắc trách của Học viện múa Việt Nam thì còn một lý do khách quan khác chính là do sự thay đổi trong chính sách giáo dục văn hóa cấp THPT trong các trường nghề.

3 bộ quản lý vẫn không giải được bài toán “cấp bằng” cho hơn 300 học sinh Học viện múa Việt Nam

Hiện nay Học viện Múa Việt Nam đang chịu sự quản lý của 3 bộ: Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ LĐTBXH, Bộ GD-ĐT. Điều này đồng nghĩa với việc Bộ Văn Hóa thể thao và Du lịch là cơ quan chủ quản, Bộ LĐTBXH quản lý về mặt Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, Bộ GD-ĐT quản lý chất lượng giảng dạy văn hóa.

Thế nhưng, bất chấp việc có tới 3 bộ quản lý thì vẫn không thể giải quyết được việc cấp bằng cho 325 học sinh của Học viện Múa Việt Nam (trong đó có 20 học sinh đã tốt nghiệp, 305 học sinh chờ tốt nghiệp).

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng học sinh “bỗng dưng” không được cấp bằng được các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp chỉ ra là do có những thay đổi trong Luật Giáo dục 2019 và Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014.

học viện múa không cấp bằng cho học sinh
Hàng trăm phụ huynh Học viện múa Việt Nam đã có đơn kêu cứu về việc con họ không được cấp bằng dù đã và sắp tốt nghiệp. Ảnh: N.T

Cụ thể, trước năm 2018, các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng được tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT (học 7 môn văn hóa bắt buộc).

Học sinh sau khi hoàn thành chương trình được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT để nhận bằng tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, người có bằng tốt nghiệp trung cấp nếu đã học xong khối lượng kiến thức văn hóa THPT (4 môn) cũng được tham dự kỳ thi đại học.

Tuy nhiên kể từ năm 2019, theo Luật Giáo dục năm 2019 Bộ GD-ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không được tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT mà chỉ được giảng dạy khối kiến thức văn hóa (4 môn) theo quy định của Luật giáo dục năm 2019, để chỉ liên thông từ trung cấp lên cao đẳng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, chứ không liên thông lên đại học được.

Học viện múa không nắm luật hay cố ý làm sai luật?

Theo phân tích ở trên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên để bổ túc thêm văn hóa cho học sinh của mình, chứ không được tổ chức dạy văn hóa như trước.

Chính điều này đã khiến cho Học viện Múa Việt Nam (đơn vị giáo dục nghề nghiệp) không được tiếp tục dạy văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT và đương nhiên học sinh trường cũng không được tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia để cấp bằng.

Điều đáng nói, không chỉ không được đào tạo văn hóa, cấp bằng tốt nghiệp THPT, 325 học sinh này còn không được cấp cả bằng THCS. Trong khi cả nước có chủ trương phổ cập THCS thì ngay tại Thủ đô hàng trăm học sinh lại không được cấp bằng dù các em học thật, thi thật.

Dù phải khổ luyện, học hành vất vả gần 7 năm nhưng tới nay hơn 300 học sinh tại trường Học viện múa Việt Nam vẫn không được cấp bất cứ văn bằng nào. Ảnh: N.T (Minh họa)
Dù phải khổ luyện, học hành vất vả gần 7 năm nhưng tới nay hơn 300 học sinh tại trường Học viện múa Việt Nam vẫn không được cấp bất cứ văn bằng nào. Ảnh: N.T (Minh họa)

Về vấn đề này, lý do trường trả lời với ban phụ huynh sau nhiều lần gặp gỡ là do trường không làm việc được với Phòng Giáo dục (Quận Cầu Giấy, Hà Nội) để cấp mã định danh cho học sinh. Vì thế, các em đã mất toàn bộ quyền lợi để được xét công nhận tốt nghiệp THCS và trường cũng không liên kết với Trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn để dạy văn hóa (7 môn) khiến cho các em không thể dự thi kỳ thi THPT quốc gia nhận bằng tốt nghiệp THPT.

Chính vì điều này, dù trường có tổ chức dạy văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên THPT và cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức  văn hóa THPT cho 325 học sinh, sinh viên thì giấy tờ này cũng không có giá trị pháp lý.

Bà Phạm Thị Thanh Thủy (phụ huynh có con học hệ cao đẳng múa hệ 6,5 năm Học viện Múa Việt Nam)  cho rằng, chính vì sự tắc trách của nhà trường khiến cho các con không được cấp bằng tốt nghiệp THCS, THPT. Không có 2 bằng này, dù các con có hoàn thành khối lượng kiến thức chuyên môn, chuyên ngành múa thì các con cũng không đủ điều kiện để được cấp bằng trung cấp hay cao đẳng.

“Chúng tôi không hiểu lý do vì sao vẫn có một bộ phận học sinh múa K1 được cấp bằng cao đẳng. Không lẽ không đủ điều kiện cấp bằng mà nhà trường vẫn cấp bằng cao đẳng cho các con?”, bà Thủy nói.

Chiều 31/3, đã trao đổi với lãnh đạo Vụ Đào tạo của Bộ Văn hóa – Thể thao và du lịch – cơ quan chủ quản của Học viện Múa Việt Nam, vị lãnh đạo này cho biết bộ đã nắm được vấn đề và đang cố gắng tìm phương án xử lý, tháo gỡ để đảm bảo quyền lợi của người học. Trước đó, ngày 7/2020, 325 phụ huynh có con bị ảnh hưởng bởi việc không được cấp bằng đã có đơn kêu cứu gửi Bộ GD-ĐT, Bộ LĐTBXH, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và Thủ tướng Chính phủ. Kết quả, ngày 17/7/2020 Văn phòng Chính phủ đã có thông báo chuyển đề nghị các bộ trên xem xét, xử lý theo quy định.

Thùy Anh

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều