Lý do sâu xa sau việc nhà khoa học hạt nhân Iran bị ám sát giữa ngày
Với các sát thủ, nhà khoa học hạt nhân Iran Fakhrizadeh đủ quan trọng để bị ám sát hôm thứ Sáu trong một cuộc tấn công trắng trợn vào ban ngày.
Theo BangkokPost, Mohsen Fakhrizadeh, nhà khoa học hạt nhân người Iran mới bị ám sát ít được biết đến trước khi ông qua đời, nhưng có một điều chắc chắn: Ông rất quan trọng. Iran cáo buộc Israel đứng sau vụ ám sát này.
Người đàn ông mà Israel cáo buộc là cha đẻ của chương trình vũ khí hạt nhân Iran này đủ quan trọng để xuất hiện trong cuộc gặp nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei vào tháng 1/2019. Điều này thấy rõ trong những bức ảnh chính thức được công bố sau khi ông qua đời.
Đối với các sát thủ ra tay sát hại, ông Fakhrizadeh cũng đủ quan trọng để bị ám sát hôm thứ Sáu trong một cuộc tấn công trắng trợn vào ban ngày trên con đường lớn ngay bên ngoài Tehran mà quan chức an ninh hàng đầu của Iran, Ali Shamkhani, cho biết đã được thực hiện bằng các phương pháp mới và “phức tạp”.
Sau khi ông qua đời, Bộ trưởng Quốc phòng Amir Hatami gọi ông Fakhrizadeh là Thứ trưởng và người đứng đầu Tổ chức Nghiên cứu và Đổi mới Phòng thủ (SPND) của Bộ Quốc phòng Iran.
Vậy công việc của nhà khoa học hạt nhân 59 tuổi có râu rậm và đeo kính cận này là gì?
Người đàn ông này có phải là quan chức cấp cao giữ nhiệm vụ “quản lý phòng thủ hạt nhân” và “làm việc chuyên sâu” trong lĩnh vực hạt nhân và đóng một “vai trò quan trọng trong các đổi mới về quốc phòng”, như Bộ trưởng Hatami nói hay không?
Ông Fakhrizadeh có phải người giữ trọng trách như cáo buộc của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hồi tháng 4/2018: Đứng đầu chương trình vũ khí hạt nhân bí mật vốn Iran không thừa nhận?
Ông Karim Sadjadpour, chuyên gia của Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế của Mỹ cho biết “có thể sẽ mất vài tháng nếu không muốn nói là nhiều năm để đánh giá” tác động đầy đủ từ cái chết của ông Fakhrizadeh.
“Những người thực sự hiểu rõ vai trò hàng ngày của ông ấy trong các hoạt động hạt nhân của Iran thì không nói, còn những người nói được thì lại không hiểu chuyện “, ông Karim Sadjadpour viết trên Twitter.
Mục tiêu hàng đầu của Mossad
Trong khi đó, Giám đốc an ninh Shamkhani cho biết “các dịch vụ do lữ đoàn Vệ binh Cách mạng cung cấp … không thể được tiết lộ” khi lần đầu nhắc đến vai trò của ông Fakhrizadeh trong Lực lượng Vệ binh.
Ông Fakhrizadeh được giới truyền thông Mỹ mệnh danh là “mục tiêu số một” của cơ quan tình báo Israel Mossad và là “kẻ chủ mưu chương trình hạt nhân của Iran”.
“Chúng tôi biết rằng ông đã bị đe dọa ám sát nhiều lần và đang bị theo dõi,”, Bộ trưởng Hatami chia sẻ.
Ông Shamkhani cho biết nhà khoa học đã là mục tiêu của “kẻ thù” trong 20 năm qua.
Trước khi Thủ tướng Israel Netanyahu nhắc đến người đàn ông này, cái tên Fakhrizadeh đã xuất hiện trong một tài liệu của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) vào tháng 12 năm 2015.
IAEA nghi ngờ từ đầu những năm 2000 ông Fakhrizadeh “các hoạt động được thực hiện nhằm hỗ trợ một phần cho chương trình hạt nhân (của Iran)” mà Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết chương trình này đã bắt đầu vào cuối những năm 1980.
Vào tháng 3 năm 2007, ông Fakhrizadeh đã trở thành người phải chịu lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc cùng với “những người khác liên quan đến các hoạt động hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo” cho Iran.
Nghị quyết 1747 của Hội đồng Bảo an LHQ đã xác định ông là “nhà khoa học cấp cao” của Bộ Quốc phòng và “cựu lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Vật lý (PHRC)”.
Các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đã được dỡ bỏ sau khi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 có hiệu lực giữa Iran và sáu cường quốc thế giới là Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc và Pháp, cùng với Đức.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận này vào năm 2018 và Washington áp dụng lại các biện pháp trừng phạt của riêng mình đối với ông Fakhrizadeh.
Tranh chấp trên Biển Đông: Tàu hải quân Malaysia đối đầu tàu hải cảnh Trung Quốc Chiến trường K: Máy bay chiến đấu KQVN bị Khmer Đỏ bắn rơi – Cả đội hình chết lặng không thể ứng cứu
Theo Phó Tổng thống Iran Ali Akbar Salehi, người cũng đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI), ông Fakhrizadeh đã có bằng tiến sĩ về “vật lý và kỹ thuật hạt nhân” và đã làm luận án với Fereydoun Abbasi-Davani, cựu lãnh đạo AEOI, người đã sống sót sau một vụ ám sát vào năm 2010.
Ông Abbasi-Davani gọi nhà khoa học mới bị ám sát là “người bạn thân” mà ông đã có “34 năm cộng tác chuyên môn chặt chẽ” và nói rằng họ đã sát cánh chiến đấu trên tiền tuyến trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq 1980-1988.
Phát biểu trước truyền thông nhà nước, ông Abbasi-Davani cho biết ông Fakhrizadeh đã “làm việc trong mọi lĩnh vực để hỗ trợ các hoạt động hạt nhân của đất nước”, đặc biệt là trong lĩnh vực làm giàu uranium.
“Công việc rất quan trọng với anh ấy”, góa phụ của ông Fakhrizadeh nói trên truyền hình nhà nước vài giờ sau vụ ám sát và nhấn mạnh rằng ông Fakhrizadeh là “một người chồng tốt bụng và giàu lòng trắc ẩn và rất yêu nước”.
Vũ Thu Hương/NĐT