Lý do Remdesivir được dùng để chữa Covid-19 dù không giảm tử vong
Theo Phó giáo sư Nguyễn Lân Hiếu, Remdesivir chưa chứng minh được khả năng giảm tỷ lệ tử vong nhưng nó giúp bệnh nhân Covid-19 hồi phục nhanh, sớm ra viện.
Đây là thông tin được PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) đưa ra bàn luận trong khuôn khổ chương trình Telehealth do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tổ chức vào chiều 10/8. Việc sử dụng thuốc Remdesivir trong điều trị bệnh nhân Covid-19 được bác sĩ Hiếu dựa trên những nghiên cứu từ nước ngoài và kinh nghiệm tại tâm dịch Bình Dương.
Thời điểm, liều sử dụng
Remdesivir là một tiền chất được chuyển đổi thành dạng hoạt chất Remdesivir Triphosphat trong cơ thể. Sau đó, Remdesivir Triphosphat hoạt động như một chất tương tự của Nucleotide Adenosine Triphosphate (ATP), thành phần quan trọng virus như SARS-CoV-2 cần để sao chép bộ mã di truyền.
Nếu Remdesivir Triphosphate được kết hợp vào RNA của virus thay vì ATP, chuỗi sẽ bị đứt và quá trình sao chép của virus bị dừng lại. Về cơ chế hoạt động, điều trị bằng Remdesivir đặc biệt hữu ích trong giai đoạn đầu của nhiễm trùng SARS-CoV-2.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh Remdesivir là thuốc ức chế virus, giúp giảm sự phân chia của nCoV trong tế bào người bệnh. Điều quan trọng để quyết định có sử dụng Remdesivir cho F0 hay không, các bác sĩ cần hỏi ngày khởi phát triệu chứng của người bệnh.
Từ ngày 0 đến ngày 10, virus phân chia mạnh, phác đồ điều trị cần có thuốc kháng virus để giảm số lượng nCoV. Sau đó, giai đoạn ngày 7-14, bão cytokine gây tổn thương phổi, xảy ra rất mạnh, người bệnh cần dùng thuốc điều hòa miễn dịch, ức chế IL6.
Hiện tại, chúng ta chưa có thuốc đặc trị cho Covid-19. Đến nay, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chỉ mới phê duyệt đầy đủ cho thuốc Remdesivir dùng trong điều trị bệnh nhân Covid-19, và phê duyệt trong sử dụng khẩn cấp đối với REGEN-COV và baricitinib.
Remdesivir là loại thuốc đầu tiên – và duy nhất, tính đến nay – được FDA phê duyệt đầy đủ để điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Remdesivir được sản xuất bởi công ty Gilead Sciences và được lưu hành dưới tên thương mại Verklury.
Đây cũng là loại thuốc mới được Tập đoàn Vingroup đã đàm phán thành công, dưới sự hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, ê-kíp điều trị đã quyết định sử dụng thuốc này rộng rãi cho TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Đông Nam Bộ.
Thời điểm sử dụng loại thuốc này là trong vòng 10 ngày kể từ thời điểm F0 khởi phát triệu chứng, cần dùng oxy. Thuốc dùng cho người lớn hoặc trẻ em trên 12 tuổi; nặng từ 40 kg trở lên; mức lọc cầu thận ≥ 30ml/phút; enzyme ALP trong máu thấp hơn 5 lần ngưỡng bình thường trên. Đây cũng là điều kiện để lưu hành của Remdesivir tại châu Âu và Mỹ.
Về liều dùng, vào ngày đầu tiên của đợt điều trị, bệnh nhân được truyền 200 mg Remdesivir qua tĩnh mạch. Sau đó, từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5, bệnh nhân được dùng liều lượng 100 mg/ngày, truyền qua tĩnh mạch.
Các bệnh nhân cần được theo dõi chức năng thận và men gan kỹ. Với bệnh nhân giảm miễn dịch, các điều kiện sử dụng trong vòng 10 ngày kể từ thời điểm F0 khởi phát triển chứng, cần dùng oxy có thể không cần đến. Bác sĩ có thể cân nhắc kéo dài thời gian điều trị lên 10 ngày với các trường hợp suy giảm miễn dịch.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cũng lưu ý Remdesivir chưa có đủ nghiên cứu trên thai phụ, do đó, chúng ta không nên sử dụng thuốc với nhóm bệnh nhân này.
Remdesivir giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi của bệnh nhân Covid-19
Sau cuộc thử nghiệm ngẫu nhiên trên phạm vi toàn cầu vào tháng 2 năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kết luận Remdesivir gần như không có hiệu quả đối với bệnh nhân phải nhập viện do Covid-19.
Tỷ lệ tử vong trong 29 ngày của toàn bộ bệnh nhân là khoảng 11,6% khi dùng thuốc và 15,4% khi dùng giả dược. Con số này chênh lệch không quá nhiều để cho thấy tác dụng của thuốc.
Chính vì thế, nhiều người nghi ngại về tác dụng của Remdesivir. Không ít người đặt câu hỏi vì sao nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, vẫn cho dùng loại thuốc này khi điều trị F0 dù không mang lại hiệu quả giảm người chết vì Covid-19.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu lý giải hai mục đích để ê-kíp chuyên gia Việt Nam vẫn sử dụng thuốc này đó là đẩy nhanh quá trình hồi phục, giảm thời gian nằm viện cho F0 và bớt áp lực cho các tầng điều trị.
Theo vị chuyên gia, tỷ lệ tử vong không liên quan nồng độ của virus có trong cơ thể. Nó liên quan phản ứng của cơ thể chống lại SARS-CoV-2.
“Các cơn bão cytokine sẽ làm bệnh nhân tử vong. Nhiều trường hợp tử vong nhưng nồng độ virus trong cơ thể rất thấp”, vị chuyên gia nhấn mạnh. Vì vậy, việc sử dụng Remdesivir giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục bệnh nhân, giảm virus trong máu. Thời gian âm tính của người bệnh cũng nhanh hơn.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng loại thuốc này có thể ngăn SARS-CoV-2 phân bào. Một cuộc thử nghiệm lâm sàng lớn cho thấy Remdesivir rút ngắn thời gian hồi phục của những người nhập viện vì Covid-19 từ 15 ngày xuống còn 11 ngày. Căn cứ trên dữ liệu này, từ tháng 5/2020, FDA đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp Remdesivir trong điều trị các bệnh nhân nguy kịch, cần thở oxy.
Một nghiên cứu khác phát hiện các bệnh nhân Covid-19 khỏe hơn sau năm ngày điều trị bằng Remdesivir. Vào tháng 8/2020, FDA cho phép sử dụng loại thuốc này để điều trị mọi F0, bất kể tình trạng bệnh.
Vì vậy, nếu các F0 nhanh chóng được xuất viện, áp lực lên các tầng điều trị cũng sẽ giảm bớt.
Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết một loại thuốc khá tốt trong điều trị Covid-19 nhưng Việt Nam chưa có cơ hội tiếp cận nhiều là thuốc ức chế IL6. Loại thuốc này giúp giảm thời gian nằm viện, ICU; giảm tử vong ở F0 cần oxy, thở máy.
Các bệnh nhân Covid-19 nặng thường gặp phải tình trạng hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với tác nhân xâm nhập là virus SARS-CoV-2, hay còn gọi là hội chứng giải phóng protein miễn dịch interleukin (IL)-6. Hội chứng này có thể gây tổn thương nội tạng nghiêm trọng dẫn tới tử vong.
Các hoạt chất tocilizumab và sarilumab được sử dụng để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp bằng cách hạn chế các tác động của protein IL-6. Đây cũng là kết luận trong nghiên cứu đăng tải trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ ngày 6/7, sau đó được WHO khuyến cáo sử dụng trong phác đồ điều trị bệnh nhân Covid-19 cập nhật ngày 7/7.
Cũng trong buổi chia sẻ, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhấn mạnh điều quan trọng nhất khi điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam là phân loại F0 theo mô hình tháp 3 tầng. F0 thuộc tầng nào sẽ có những phương án, phác độ điều trị tương xứng. Đặc biệt, nếu củng cố tốt tầng 2, ngành y tế sẽ cứu được nhiều bệnh nhân nhất.
Thiên Nhan