+
Aa
-
like
comment

Lý do Quốc hội bầu lãnh đạo cấp cao sau 3 tháng đã kiện toàn

17/07/2021 16:55

Nghi lễ tuyên thệ thể hiện rõ tính cam kết và thực hiện lời hứa của các lãnh đạo cấp cao đối với Quốc hội và cử tri về thực hiện trách nhiệm và quyền hạn của mình.

Từ trái qua: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính bên hành lang Quốc hội, chiều 5/4.

Tại họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV vào chiều 17/7, báo chí nêu thắc mắc về việc nhiều chức danh lãnh đạo đã được kiện toàn tại kỳ họp 11 khóa XIV vào tháng 4 mới đây, nay lại tiếp tục kiện toàn.

Trả lời, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, kỳ họp thứ nhất, công tác nhân sự là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện trong cả một nhiệm kỳ theo Luật tổ chức quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ và các văn bản có liên quan.

Sau Đại hội XIII của Đảng, để bảo đảm tính đồng bộ, tổng thể, liên thông về công tác cán bộ, tại kỳ họp 11 Quốc hội khoá XIV đã kiện toàn một bước công tác nhân sự.

Theo Luật Tổ chức quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, các cơ quan nhà nước hoạt động theo nhiệm kỳ nên kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XV thực hiện công tác nhân sự để kiện toàn bộ máy nhà nước đối với các nhân sự cấp cao của Quốc hội, Chính phủ cũng như một số nhân sự có liên quan đối với khối tư pháp và các chức danh tư pháp cần thiết.

“Với quy định như vậy, việc kiện toàn các chức danh nhà nước tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIV và kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XV hoàn toàn theo đúng quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ là hoạt động theo nhiệm kỳ”, bà Thanh giải thích.

Ngoài ra bà Thanh phân tích thêm, theo quy định của Hiến pháp và các quy định của pháp luật, việc kiện toàn các chức danh nhà nước và thực hiện các nghi lễ theo Hiến pháp quy định ngày càng khẳng định các vị trí của các lãnh đạo cấp cao.

“Thông qua những nghi lễ như thế thể hiện rõ tính cam kết và thực hiện lời hứa của các chức danh lãnh đạo cấp cao của bộ máy nhà nước đối với Quốc hội cũng như cử tri và nhân dân cả nước về thực hiện trách nhiệm và quyền hạn của mình”, Trưởng ban Công tác đại biểu nói.

Lý do Quốc hội bầu lãnh đạo cấp cao sau 3 tháng đã kiện toàn
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh

Trước mắt có 4 phó thủ tướng

Bà Thanh cho biết, các chức danh được kiện toàn tại kỳ họp lần này đã được báo cáo Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị thông qua các đề án liên quan đến các chức danh của Quốc hội cũng như Chính phủ.

Theo đó, trước mắt tổ chức bộ máy cơ cấu Chính phủ sẽ kiện toàn 27 chức danh, gồm: Thủ tướng, 4 Phó Thủ tướng, 18 Bộ trưởng và 4 thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

“Đề án đã được cân nhắc và xem xét kỹ lưỡng trên cơ sở đánh giá tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ 2016-2021 và trên cơ sở cân nhắc tổng thể về công tác cán bộ. Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương đã định hướng và cho ý kiến về đề án đối cơ cấu Chính phủ, trước mắt có 4 phó thủ tướng”, bà Thanh thông tin.

Theo trưởng Ban Công tác đại biểu, trong nhiệm kỳ 2016-2021, Chính phủ có cơ cấu 1 Thủ tướng, 5 Phó Thủ tướng, trong đó một Phó Thủ tướng đồng thời là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Từ kỳ họp thứ 11, chức danh phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã được phân tách ra. Phó Thủ tướng Phạm Minh Minh không đồng thời kiêm Bộ trưởng Ngoại giao. Ông Bùi Thanh Sơn đã được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Ngoại giao.

Kỳ họp 11 Quốc hội khóa XIV vào tháng 4 vừa qua, Quốc hội đã kiện toàn: 2 chức danh khối Chủ tịch nước, 9 chức danh khối Quốc hội và 14 chức danh khối Chính phủ; trong đó có: Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội.

Hiện Chính phủ có 5 Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình (thường trực), Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Lê Minh Khái, Lê Văn Thành.

Riêng Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình tại Đại hội XIII của Đảng không tham gia vào Ban Chấp hành Trung ương khóa mới.

Thu Hằng

Bài mới
Đọc nhiều