Lý do ông Trump thất thế so với đối thủ trên sóng truyền hình
Theo giám đốc điều hành mảng tin tức của NBC, Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa sẵn sàng cho các chương trình truyền hình thời lượng lớn.
Hôm 15/10 vừa qua, Tổng thống Trump đã có màn đọ sức đặc biệt với đối thủ Joe Biden. Cuộc tiếp xúc của 2 ứng cử viên tổng thống 2020 được phát sóng cùng thời điểm bởi 2 hệ thống truyền hình, là đài ABC đối với ông Biden, và đài NBC đối với ông Trump.
Kết quả khá bất ngờ khi ứng cử viên của đảng Dân chủ dẫn trước Tổng thống Mỹ với cách biệt lớn về lượng người xem, ngay cả khi gộp cả số lượng người xem của ông Trump từ các đài nhỏ lẻ khác thuộc hệ thống kênh truyền hình của NBC. Thậm chí, nếu chỉ nhìn vào xếp hạng của khán giả sau thời điểm phát sóng, lợi thế của ông Biden so với ông Trump còn ấn tượng hơn.
Tuy nhiên, trong bài viết gửi đến trang tin The Hill, ông Joe Ferullo, Giám đốc điều hành mảng tin tức của NBC và cũng từng có thời gian làm việc với ABC, cho rằng điều này không có gì ngạc nhiên, nếu chúng ta biết được nhu cầu của phần lớn khán giả xem truyền hình tại Mỹ.
Những kênh truyền hình cáp của Mỹ, đặc biệt là các kênh tin tức, thường không thu hút nhiều người xem. Những kênh này thường đóng vai trò như “buồng trút giận” cho những ai đang thất vọng và ám ảnh trước bối cảnh chính trị phân cực tại nước Mỹ.
Ông Ferullo cho rằng, yếu tố thu hút khán giả từ các kênh truyền hình là việc chúng có thể khẳng định các giá trị và chân lý được phổ biến rộng rãi. Ví dụ như cuối mỗi bộ phim kinh điển nào đó bao giờ cũng là cảnh cả gia đình ôm nhau, những người tốt giành chiến thắng… thì trong các chương trình truyền hình hàng ngày nay cũng phải có những yếu tố tương tự.
Các chuyên gia truyền thông gọi truyền hình như một phương tiện để “trấn tĩnh”, tức phương tiện thu hút một lượng lớn khán giả với những cảm xúc nhẹ nhàng, “thư thái” hơn. Không giống những ngôi sao điện ảnh, những gương mặt trên truyền hình có thể xuất hiện ở mọi lúc ngay tại nhà của những khán giả. Điều này đòi hỏi họ phải thể hiện bản thân một cách tiết chế và chừng mực nhất có thể, nếu không muốn phải hứng chịu những điều tồi tệ nhất.
Nhưng theo Joe Ferullo, truyền hình Mỹ vẫn có một số mặt tối với những chương trình kém thân thiện hơn. Như loạt chương trình của “Jerry Springer”, giận giữ là cảm xúc chủ đạo và la ó là điều được khuyến khích.
Những chương trình trên vẫn thu hút người xem để duy trì việc phát sóng nhưng chỉ ở mức vừa đủ. Chúng không cố gắng mở rộng, mà chỉ gắn bó với một lượng khán giả thân thiết, những người mà các nhà nghiên cứu thường cho rằng rằng sự hỗn loạn mà những chương trình này tạo ra khiến họ cảm thấy như được giải tỏa khỏi những điều bất mãn.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế vào thời điểm cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, những chương trình này từng thu hút số lượng lớn khán giả. Nhưng điều này không kéo dài được lâu, và người xem sớm chuyển sang những nội dung nhẹ nhàng hơn.
Joe Ferullo cho rằng, từ khi bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm 2016, ông Trump luôn đóng vai người dẫn một chương trình truyền hình như vào những năm 1990.
Dù phong cách trên vẫn được ông Trump duy trì cho đến nay, nhưng có vẻ như điều này không còn giúp ích được gì cho những con số của ông vào thời điểm hiện tại. Kết quả các cuộc thăm dò và xếp hạng từ khán giả sau buổi đọ sức vừa qua không phải là điều mà ông mong đợi.
Trong chương trình ở Miami, cử tri Paulette Dale đã khen Tổng thống Trump “có nụ cười tuyệt vời” và ông “thật đẹp trai khi cười”. Tuy nhiên, sau đó bà Paulette tiết lộ mình thực chất là người ủng hộ ông Joe Biden, và khuyên ông Trump nên “nói ít đi và cười nhiều hơn”.
Ông Joe Ferullo cho rằng, bất kỳ nhà sản xuất nào tại Hollywood đều sẽ đưa ra lời khuyên tương tự với Tổng thống Trump, nếu ông muốn thay đổi để bản thân tiếp tục được chú ý.
Việt Anh/VNN