+
Aa
-
like
comment

Lý do nào khiến giá khí đốt toàn cầu tăng mạnh trong thời gian qua?

Huyền Trang - 06/09/2022 14:15

Vào tháng 2/2021, giá khí đốt tại Vương quốc Anh được giao dịch ở mức 38pence/đơn vị nhiệt. Trong khi đó, đến tháng 8/2022 giá giao dịch đạt mức 537pence/đơn vị nhiệt. Vậy điều gì đã thúc đẩy mức giá khí đốt trên toàn cầu tăng mạnh như vậy?

Giá khí đốt đã tăng đột biến chỉ trong thời gian ngắn

Thực chất, giá năng lượng bắt đầu tăng mạnh sau khi các lệnh giãn cách vì Covid-19 được dỡ bỏ và các nền kinh tế trở lại bình thường. Nếu so với cùng thời điểm này năm ngoái, giá khí đốt tại châu Âu hiện đã tăng gấp khoảng 10 lần.

Việc nhiều ngành công nghiệp cần thêm năng lượng cùng một lúc đã gây ra áp lực mạnh chưa từng có đối với các nhà cung cấp. Trong khi đó, mức giá lại tiếp tục tăng mạnh vào tháng 2/2022, sau khi xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine xảy ra. Trong bối cảnh này, các quốc gia châu Âu tìm cách nhập khẩu ít năng lượng hơn từ Nga – quốc gia từng cung cấp hơn 40% lượng khí đốt ở EU. Đây cũng là lý do mà mức giá các nguồn khí đốt thay thế tiếp tục tăng lên.

Vào tháng 7 vừa qua, EU cũng đã cam kết giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Tại cuộc họp, các quốc gia thành viên đã đồng ý cắt giảm 15% việc sử dụng khí đốt. Nếu như trước đây, Đức nhập khẩu 55% khí đốt của mình từ Nga thì con số này hiện đã giảm xuống còn 35% và họ đang có kế hoạch dài hạn để chấm dứt nhập khẩu của Nga.

Nhưng song song với việc chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, các quốc gia châu Âu lo ngại Nga sẽ hạn chế hoặc thậm chí ngừng cung cấp khí đốt, để trả đũa việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine và thực hiện các biện pháp trừng phạt lên Nga.

EU quyết tâm cắt giảm tiêu thụ khí đốt để tự vệ trước Nga. Ảnh: AFP.

Một áp lực lớn hơn nữa của các quốc gia châu Âu đến từ Gazprom – nhà cung cấp năng lượng chủ yếu thuộc sở hữu nhà nước của Nga. Nhà cung cấp này hiện đã đình chỉ việc cung cấp khí đốt cho Bulgaria, Phần Lan, Ba Lan, Đan Mạch và Hà Lan do không thanh toán bằng đồng Rúp.

Chuyên gia kinh tế Salomon Fiedler của Berenberg Bank cũng cho biết, việc giá khí đốt tăng vọt trong thời gian qua khiến ông tin rằng châu Âu đang rơi vào một cuộc suy thoái kinh tế.

Mặc dù các quốc gia châu Âu đã đưa ra nhiều biện pháp nhưng theo ông Fiedler, “Với giá năng lượng tăng mạnh gần đây, nhất là giá bán buôn khí đốt, lạm phát có thể tiếp tục tăng trong thời gian còn lại của năm”.

Khi các quốc gia châu Âu ngừng mua khí đốt từ Nga, họ cần phải giảm mạnh xuất khẩu khí đốt của mình. Từ đó, gây áp lực lên nguồn cung cấp quốc tế. Nhiều quốc gia đã buộc phải dựa vào thị trường quốc tế để khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) có thể được vận chuyển khắp thế giới bằng tàu biển, thay vì vận chuyển qua đường ống như trước đây.

Trạm nén khí của đường ống Yamal-Europe gần Nesvizh, Belarus. Ảnh: AP.

Trong những năm trước, các nước châu Âu thường mua nguồn cung cấp LNG từ các nước như Qatar hay Mỹ vào mùa hè để dự trữ cho mùa đông sắp tới. Thì giờ đây, họ phải đối mặt với một “cuộc chiến” mua LNG với các nước châu Á, mà phần thắng thuộc về người trả giá cao hơn. Bởi các quốc gia ở châu Á đã ký hợp đồng dài hạn để mua phần lớn LNG của thế giới trước khi nó được khai thác, để lại một số lượng hạn chế trên thị trường quốc tế.

Khi hoá đơn năng lượng ngày càng tăng, người tiêu dùng trên toàn cầu buộc phải cắt giảm nhu cầu sử dụng đối với các loại hàng hoá và dịch vụ. Cùng với đó, chi phí đầu vào gia tăng sẽ đặt ra sức ép lớn lên các doanh nghiệp. Lúc này đây, các ngân hàng trung ương buộc phải tăng lãi suất để chống lại làn sóng lạm phát mỗi lúc một dâng cao, mặc cho việc điều chỉnh có thể “hạ gục” tăng trưởng kinh tế của các quốc gia.

Từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, Shell đã báo cáo lợi nhuận trên toàn thế giới là 9,4 tỷ bảng Anh

Trái với các quốc gia châu Âu, trong bối cảnh giá khí đốt toàn cầu tăng đột biến thì các công ty khai thác và vận chuyển khí đốt là những bên được hưởng lợi. Phần lớn LNG trên thế giới đến từ Úc, Qatar và Mỹ. Khí đốt cũng được sản xuất tại Na Uy và Biển Bắc.

Từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, Shell đã báo cáo lợi nhuận trên toàn thế giới là 9,4 tỷ bảng Anh, trong khi BP kiếm được 6,9 tỷ bảng Anh. Mức lợi nhuận này cao hơn gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2021.

Để tìm giải pháp ứng phó đà tăng giá năng lượng, Cộng Hòa Czech triệu tập một cuộc họp bất thường các bộ trưởng năng lượng EU vào ngày 9/9 tới đây. Cuộc họp khẩn sẽ diễn ra tại Brussels, Bỉ, nhằm thảo luận các biện pháp cụ thể để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại.

Huyền Trang

Bài mới
Đọc nhiều