Lý do ‘kỳ tài’ phản gián Tây Đức muốn đầu quân cho Đông Đức
Trong thời kì Chiến tranh lạnh, cùng với KGB, Cơ quan Tình báo Cộng hoà Dân chủ Đức (HvA) được đánh giá là một trong những tổ chức tình báo xuất sắc nhất thế giới.
Markus Wolf, người trên ba chục năm lãnh đạo HvA, được mệnh danh là “nhà tình báo siêu đẳng”. Một trong những chiến tích của HvA dưới thời Markus Wolf là điệp vụ Klaus Kuron. Cuối mùa hè 1981, đại diện của HvA tại Bon báo cáo về Berlin là có một quan chức của BfV (Cục Phản gián Liên bang, CHLB Đức) xin được làm việc cho HvA.
Để tạo thêm sức nặng, người đó đã bằng mọi cách chứng minh lòng thiết tha của mình, đồng thời dùng nhiều thủ thuật tự tạo để bắt liên lạc với HvA, chẳng hạn như khoá mật mã để truyền tín hiệu đến máy tính của HvA bằng điện thoại. Đây là lần đầu tiên những người tình báo Đông Đức biết đến thủ thuật này.
Người này yêu cầu được gặp đích thân Markus Wolf. Con người này là ai vậy? Có ý đồ nghiêm túc hay chỉ là trò khiêu khích? Công việc xác minh được tiến hành, và chỉ vài tuần sau không chỉ đã tìm ra lai lịch con người này, mà còn kết luận có thể dùng anh ta.
Đó là Klaus Kuron, một quan chức được đánh giá là “có năng lực”, là “kỳ tài hoàn hảo” của BfV. Lí do Klaus Kuron muốn hợp tác với HvA rất đơn giản: Anh ta cần tiền. Sau nhiều năm làm việc cật lực, Kuron không muốn để vợ và 4 đứa con trai phải ở tình trạng thiếu thốn.
Ngoài ra, Kuron còn “phật ý” vì phải dẫm chân tại chỗ trên con đường công danh, trong khi nhiều kẻ bị anh ta xem là bất tài và kém năng lực lại được thăng quan tiến chức. Lí do cuối cùng, so sánh hoạt động của cơ quan tình báo hai nước, Kuron tỏ ra khâm phục sức mạnh tinh thần của đối phươngHvA hầu như không có điểm yếu, và điều đó làm cho anh ta thích thú.
Thông qua người vợ và bằng những biện pháp bảo mật tinh vi, Kuron cung cấp cho tình báo Đông Đức nhiều tin tức quan trọng với độ tin cậy ngày càng cao. Kuron rất thực dụng. Anh ta đòi “tiền trao cháo múc” và đích thân đến điểm hẹn để trao hàng, nhận tiền, có lần ở tận Algeria.
Nhưng phải một năm sau, tháng 10/1982, Markus Wolf mới chịu gặp Kuron. Tại một bãi đỗ xe cạnh lâu đài Schonbrunn ở thủ đô Vienna (Áo), người tổ chức cuộc gặp là Gunter, cán bộ hoạt động HvA phụ trách Kuron, đã trao cho Kuron một hộ chiếu CHDC Đức mang tên Gerhard Hauser, Bí thư thứ hai Sứ quán CHDC Đức tại Áo. Kuron đi xe mang biển ngoại giao đến Bratislava, từ đó đi máy bay đến Đông Berlin.
Tại cuộc gặp, Kuron đưa ra những yêu cầu hết sức thẳng thắn và dễ hiểu: Phía Đông Đức phải trả cho anh ta cả thảy 150.000DM cho toàn bộ những việc đã làm; cấp lương tháng 4.000DM; trao quân hàm đại tá HvA; sau 15 năm công tác được hưởng lương hưu bằng 60% mức lương hiện tại; cứ hai năm gặp nhau một lần…
Kuron đã cân đúng giá trị của mình. Anh ta cung cấp cho HvA nhiều tin có giá trị, giúp HvA phát hiện nhiều điệp viên hai mang trong cơ quan của mình. Kuron cũng thường xuyên cung cấp tình hình về nội bộ BfV, giúp HvA kịp thời triệu hồi nhiều tình báo viên bị Tây Đức phát hiện và chuẩn bị bắt giam, trước sau cả thảy 125 người.
Tháng 10/1990 (lúc này bức tường Berlin đã bị phá), Kuron tình cờ gặp tại phòng tài vụ của BfV một đồng sự vừa rút 60.000DM để trao cho “một điệp viên ở Đông Đức”. Kuron hiểu ngay “điệp viên” đó là Karl Grossman, nhân viên phòng Tây Đức của HvA (phòng 9). Karl Grossman hoàn toàn có thể tố cáo Kuron.
Kuron liền tính đến phương án chạy sang Đông Berlin xin giúp đỡ, cũng có lúc anh ta định trốn sang Liên Xô cùng một nhân viên KGB. Nhưng suy đi tính lại, Kuron quyết định bỏ kế hoạch này và quay trở lại hợp tác với chính quyền CHLB Đức. Anh ta thương lượng với hi vọng giành được chế độ đặc biệt, nhưng lại bị bắt và tống giam.
Có người cho rằng, Kuron đối với HvA là của trời cho. Nhưng sự thực, việc Kuron chạy sang hàng ngũ HvA chính là do những tác động mà các chiến sĩ tình báo Đông Đức gây ra cho anh ta.
Tương tự như Hans Joachim Tiedge (Trưởng phòng Phản gián BfV cũng bỏ sang CHDC Đức), Kuron đã nhận ra rằng, những cố gắng của họ chống lại sự xâm nhập của HvA vào CHLB Đức là vô ích. Kuron đã bị những chiến tích của HvA thu hút. Kuron đã được nhà nước CHDC Đức tặng huân chương “Tổ quốc”.
(Theo Vietnamnet)