+
Aa
-
like
comment

Lý do “chí mạng” khiến Tân Hoàng Minh “bỏ cọc” lô đất tỷ đô Thủ Thiêm

11/01/2022 19:37

Ngày 11/1, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã chính thức xin đơn phương chấm dứt hợp đồng mua lô đất trúng đấu giá tại Thủ Thiêm.

Đơn phương chấm dứt hợp đồng

Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh

Ngày 11.1, như đã thông tin, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có tâm thư gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính Phủ, UBND TP.HCM… xin rút khỏi dự án Thủ Thiêm đã đấu giá thành công vào giữa tháng 12/2021.

Trong tâm thư, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho biết, ngày 10.12.2021 Công ty Ngôi Sao Việt thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã tham gia và trúng đấu giá lô đất 3-12 khu chức năng số 3 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức, TP.HCM) có diện tích hơn 10.000m2 với giá 24.500 tỉ đồng (tính ra mỗi m2 đất trị giá 2,45 tỉ đồng), cách người trả giá thứ 2 là một công ty nước ngoài đặt giá 23.800 tỉ đồng là 700 tỉ đồng. Đây thực sự là mức giá cao bất ngờ mà ngay cả bản thân ông trước khi tham gia đấu giá cũng không ngờ đến. Sau khi trúng đấu giá với mức cao như trên, các lãnh đạo tập đoàn đã thay đổi toàn bộ kế hoạch đầu tư, kinh doanh và tài chính của tập đoàn, cân đối đầy đủ tài chính để đảm bảo đóng tiền theo đúng tiến độ và quy định trong hợp đồng đã ký với Trung tâm phát triển quỹ đất và Trung tâm đấu giá của TP.HCM. Đồng thời đã lên phương án thiết kế, đầu tư, kinh doanh mới phù hợp nhất để có hiệu quả, mặc dù lợi nhuận theo tính toán là khá thấp không đúng như kỳ vọng ban đầu, nhưng vẫn đảm bảo thu hồi được vốn đầu tư và giữ gìn uy tín của Tập đoàn mà ông và cộng sự đã xây dựng suốt 30 năm qua.

Tuy nhiên, sau khi lắng nghe rất nhiều dư luận xã hội theo chiều hướng khác nhau và thấy rằng kết quả trúng đấu giá ở mức cao như vậy là có thể dẫn đến nhiều hệ luỵ không tốt. Đặc biệt là sau khi tiếp thu ý kiến nhận định của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại kỳ họp quốc hội vừa qua, chúng tôi nghiêm túc kiểm điểm và nhận thấy rằng việc trúng đấu giá với kết quả trên sẽ dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản nói riêng và kinh tế nói chung. Để đảm bảo một phần sự ổn định của thị trường kinh doanh bất động sản, tuân thủ tôn chỉ sống và làm việc là luôn luôn đặt lợi ích chung của tập thể, xã hội lên trên lợi ích của cá nhân và bản thân. Chính vì vậy tập đoàn này tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản ô đất 3-12 khu chức năng số 3 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức), điều này đã được nêu trong quy định đấu giá và hợp đồng đã được ký kết ba bên giữ tôi với Trung tâm phát triển quỹ đất TP.HCM và Trung tâm đấu giá của TP.HCM và chấp nhận chịu mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng này theo quy định của pháp luật về việc đấu giá tài sản công.

Được biết để đặt cọc mua lô đất này, Công ty Ngôi Sao Việt đã đặt cọc số tiền 600 tỉ đồng và cũng đã ký hợp đồng với Trung tâm đấu giá của TP.HCM và Trung tâm phát triển quỹ đất TP.HCM.

Không bỏ cọc cũng khó thực hiện dự án

Trên thực tế, nếu không bỏ cọc, Tân Hoàng Minh cũng khó có đủ tiền để nộp mua lô đất nói trên. Một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước xác nhận với PV đến hết ngày 11.1, các ngân hàng báo cáo không cho vay liên quan đến dự án đất tại Thủ Thiêm trong vụ đấu giá vừa qua.

Ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết thông tin công ty bỏ giá trúng cao lên gần 2,4 tỉ đồng/m2 tại lô đất Khu độ thị Thủ Thiêm đã thu hút sự quan tâm của giới ngân hàng. Nhưng ông Tùng khẳng định, các nhà băng sẽ không dựa trên mức giá trúng thầu này để thẩm định tài sản cho vay. Ngân hàng có nguyên tắc khi thẩm định giá tài sản cho vay theo giá thị trường hiện hữu của những lô đất xung quanh được giao dịch gần nhất rồi sau đó khấu trừ đi một tỷ lệ nhất định. Ví dụ, giá một lô đất được nâng lên 500 triệu đồng/m2 nhưng không có khách hàng nào mua bán. Trong khi những dự án xung quanh đó, người dân mua bán với nhau chỉ 100 triệu đồng/m2. Lúc này, giá thẩm định cho vay sẽ dựa vào giá mua bán giao dịch trên thị trường 100 triệu đồng/m2. Chính vì vậy, dù công ty trúng đấu giá cao hơn mức khởi điểm nhiều lần nhưng khi ngân hàng xét duyệt cho vay thì không phải theo giá trúng thầu, mà phải theo giá thị trường. Do đó, nếu ngân hàng cho vay trong trường hợp này thì số tiền sẽ thấp hơn nhiều so với mức giá trúng thấu.

Trao đổi với PV, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến thời điểm này, chưa có ngân hàng nào cho Tập đoàn Tân Hoàng Minh vay vốn.

Trước đó, trả lời PV, ông Dũng thừa nhận mức giá này không chỉ là kỷ lục ở Việt Nam, mà không hề rẻ hơn so với cả các khu vực đắt đỏ nhất thế giới như Phố Đông – Thượng Hải, Mahatan- New York hay The Peak – Hong Kong…song ông Dũng vẫn khẳng định: “Tôi có thể dễ dàng giải các “bài toán” về kinh doanh với lô đất này, khi giá sàn những căn hộ ở đây có thể lên tới 400-500 triệu đồng/m2. Tôi có kế hoạch riêng của mình để đồng tiền bỏ ra đầu tư phải mang lại hiệu quả”.

Theo ông Dũng, nhiều năm qua, ông thực sự cảm thấy rất xót xa khi nhiều lô đất quý hơn vàng lần lượt rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài. “Tôi trăn trở với câu hỏi: Tại sao doanh nghiệp Việt Nam ta không cạnh tranh được với họ ngay trên chính đất nước mình? Tại sao đất đai – tài nguyên quý giá của nước mình lại tạo ra lợi nhuận cho người nước ngoài? Vì vậy mà tôi quyết tâm phải có được lô đất đẹp này – kể cả bằng một cái giá mà theo nhiều người là gây sốc”, ông Dũng nói.

“Cuối cùng, việc chấp nhận mua với giá 2,4 tỷ đồng/m2 đất Thủ Thiêm, tôi muốn góp phần đặt dấu chấm hết cho tình trạng mua bán đất công với giá rẻ mạt một cách bất thường. Tôi bỏ số tiền xứng đáng với giá trị của lô đất để mua lấy sự minh bạch. Tôi có thể yên tâm thực hiện dự án trên mảnh đất đó mà không cần phải chờ đợi thủ tục, cũng chẳng phải lo những cuộc thanh tra, kiểm tra…

Như vậy, có thể khẳng định là tôi mua đúng giá chứ không hề phá giá!”.

Ngọc Sơn

Bài mới
Đọc nhiều