+
Aa
-
like
comment

Lý do cân nhắc mua sắm tên lửa Kalibr tiên tiến

28/01/2020 21:12

Theo giới quân sự, tiếp theo tên lửa KCT-15 và VCM-01 chế tạo trên nền tảng Kh-35UE, Việt Nam sẽ mua và nhận chuyển giao công nghệ tên lửa Kalibr của Nga.

Trong bài viết có tiêu đề: “Đã xướng tên khách hàng đầu tiên mua BrahMos”, chúng ta được biết rằng, rất có thể Philippines mới là nước đầu tiên ký hợp đồng mua tên lửa chống hạm BrahMos chứ không phải là Việt Nam hay Algeria, những nước trước đây được nhắc đến nhiều nhất.

Ly do can nhac mua sam Kalibr tien tien
Theo giới chuyên gia, đích nhắm tiếp theo của Việt Nam là tên lửa hành trình Kalibr

Vậy Việt Nam có phải là khách hàng của BrahMos hay không? Dòng tên lửa này có phải là ưu tiên số 1 của Việt Nam hay không?

Truyền thông nói gì về khả năng Việt Nam mua BrahMos?

…Vào ngày 14/8/2017, tờ báo Mỹ World Tribune tung ra thông tin về việc Ấn Độ đã bán tên lửa BrahMos cho Việt Nam, với lời giải thích là Nga, quốc gia đồng sản xuất BrahMos với Ấn Độ, đã tán thành hợp đồng bán loại vũ khí này cho Việt Nam.

Vào ngày 18/8, Ấn Độ đã chính thức lên tiếng cải chính. Theo hãng tin Ấn Độ PTI, Bộ Ngoại giao nước này đã phủ nhận những thông tin về thương vụ mua sắm BrahMos của Việt Nam.

Trả lời câu hỏi trên vấn đề này, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Ấn Độ Raveesh Kumar khẳng định rằng thông tin đó “không chính xác” và về mặt chính thức.

Ly do can nhac mua sam Kalibr tien tien
Việt Nam đã tự chế tạo thành công tên lửa hành trình chống hạm cận âm trên cơ sở Kh-35 của Nga

Khi được hỏi về thông tin Việt Nam vừa nhận lô tên lửa BrahMos của Ấn Độ, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam hôm 17/8 chỉ nói rằng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Ấn Độ được phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực, trong đó có an ninh và quốc phòng, việc Việt Nam mua sắm các trang thiết bị quốc phòng đều “phù hợp với chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ, là việc làm bình thường để bảo vệ đất nước”.

Vào cuối tháng 9/2019, tờ The Print có trụ sở tại Ấn Độ cho biết, trái ngược với thông tin xuất hiện trên các phương tiện truyền thông quốc tế thời gian qua về việc Việt Nam đã đặt mua tên lửa hành trình chống hạm siêu âm BrahMos, nhiều dấu hiệu cho thấy thương vụ trên chưa thể sớm tiến hành, những thông tin trước đây về vấn đề này là điều không chính xác.

Một nguồn tin giấu tên nói rằng vướng mắc chính về giá cả cũng như công nghệ được xem là rào cản lớn đối với việc xuất khẩu loại vũ khí do liên doanh Nga – Ấn chế tạo sang quốc gia Đông Nam Á.

Mặc dù Ấn Độ đã cung cấp cho Việt Nam khoản tín dụng trị giá 500 triệu USD, tuy nhiên việc sử dụng lại không hoàn toàn do phía Việt Nam quyết định mà còn phải phụ thuộc vào đề nghị của Ấn Độ, thực tế cho thấy phần lớn chúng đã được giải ngân để đóng tàu tuần tra xa bờ và sửa chữa, nâng cấp tàu hộ vệ săn ngầm cũ lớp Petya.

Ly do can nhac mua sam Kalibr tien tien
Việt Nam đã mua của Nga hệ thống phòng thủ bờ biển K-300P Bastion-P, sử dụng tên lửa chống hạm siêu âm P-800 Yakhont

Còn về phía Việt Nam, Hà Nội được xem là bạn hàng lớn nhất của Nga, mua hàng trực tiếp từ Nga sẽ giúp nước này tiết kiệm đáng kể số tiền bỏ ra, bên cạnh đó có thể đi kèm cả chuyển giao công nghệ, đây là điều khoản rất hấp dẫn, khiến Việt Nam quay sang lựa chọn tên lửa Nga.

Từ lâu, Ấn Độ đã cố gắng chuyển sang xuất khẩu tên lửa BrahMos, đây sẽ là bước đi quan trọng trên chặng đường dài nhằm biến đất nước từ vị thế nhà nhập khẩu vũ khí lớn trở thành một trung tâm công nghiệp quân sự quan trọng.

Đông Nam Á và Trung Đông hiện nay là những khu vực đóng vai trò ưu tiên trong đường lối chính trị và kinh tế đối ngoại của New Delhi. Đây là những khu vực mà Ấn Độ có ảnh hưởng đáng kể, vì vậy được chọn làm hướng chính để quảng bá loại tên lửa này.

Cũng từ lâu đã có những thông tin dồn thổi về các cuộc bàn luận về khả năng cung cấp tên lửa BrahMos cho Việt Nam, tuy nhiên trước đó Hà Nội quyết định mua các tổ hợp tên lửa bảo vệ bờ biển K-300P Bastion-P của Nga, cũng là phiên bản xuất khẩu của tên lửa P-800 “Onyx”.

Tên lửa PJ-10 BrahMos thực chất chỉ là phiên bản phái sinh của P-800 Onyx (Oniks), mà Ấn Độ sản xuất theo giấy phép công nghệ của Nga, tính năng của nó bị nhận xét là chưa tiệm cận được bản nội địa của Nga.

Trong khi đó Việt Nam và nhiều quốc gia khác hoàn toàn có thể tiếp tục mua trực tiếp tên lửa Yakhont có tính năng gốc do Nga trực tiếp sản xuất với giá thành rẻ hơn rất nhiều.

Theo giới chuyên gia, xuất phát từ những nguyên nhân sau:

Chiến lược mua sắm thận trọng của Việt Nam

Trong thời gian qua, cũng có nhiều nguồn tin cho biết Việt Nam đang có ý định mua sắm tên lửa hành trình chống hạm thế hệ mới Kalibr của Nga cho các tàu mặt nước. Do đó, rất có thể Việt Nam sẽ mua sắm và nhận chuyển giao công nghệ của tên lửa hành trình Kalibr của Nga.

Tên lửa Kalibr, mặc dù mới chỉ có phiên bản tấn công mặt đất 3M14 đã qua quá trình thực chiến ở Syria, nhưng đã chứng minh độ tin cậy cực cao của nó, mà Việt Nam lại có truyền thống ưa thích những loại vũ khí đã chứng tỏ được tính năng của mình.

Thương vụ xe tăng T-90 của Nga là một minh chứng điển hình của sự thận trọng trong chiến lược “mua sắm có chọn lọc” của Việt Nam; do đó, việc Việt Nam không mua BrahMos phái sinh còn chưa hoàn thiện để tiếp nhận công nghệ Kalibr là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Việt Nam muốn tiếp nhận công nghệ tên lửa siêu âm của Nga

Trước đây, Việt Nam cũng đã được tiếp nhận công nghệ và tự lực sản xuất tên lửa hành trình chống hạm tiên tiến tốc độ cận âm Kh-35 (SS-N-25 Switchblade) của Nga.

Với những bước tiến thần tốc, vào năm 2015, Việt Nam đã chế tạo thành công phiên bản thử nghiệm tiếp nhận công nghệ đầu tiên của Kh-35 là KCT-15 [theo một số bình luận của nước ngoài, nó là viết tắt của Kiểu Chống Tàu 15, tức Anti-ship Type-15 (15 là viết tắt của năm 2015)] và hai năm sau đó là sự ra mắt của VCM-01. Theo bình luận nước ngoài, VCM-01 có thể là định danh của dòng tên lửa tự chế hàng loạt thế hệ đầu tiên của Việt Nam (VietNam Cruise Missile Type 01) hoặc của Viettel (Viettel Cruise Missile number 01).

Ly do can nhac mua sam Kalibr tien tien
Việt Nam đã giới thiệu phiên bản sản xuất hàng loạt của KCT-15 là tên lửa chống hạm VCM-01

Đây thực sự là bước đi xây dựng nền tàng công nghệ chế tạo tên lửa và Việt Nam chắc chắn không muốn trình độ công nghệ của mình dừng lại ở tên lửa chống hạm cận âm. Hà Nội cũng muốn được tiếp nhận công nghệ tên lửa hành trình siêu âm của Nga giống như Ấn Độ.

Những ưu điểm đặc biệt của Kalibr

Một lí do mà Kalibr có thể được Việt Nam nhắm tới là ngoài phiên bản chống hạm, Kalibr có cả phiên bản tên lửa hành trình tấn công mặt đất mà tên lửa BrahMos không có.

Hiện nay, Việt Nam chưa có phương tiện tấn công mặt đất, đối với những mục tiêu có diện tích nhỏ như các đảo, đá trên biển; cùng chưa có khả năng chế tạo tên lửa hành trình đặc biệt là về công nghệ chế tạo nhiên liệu rắn và kỹ thuật nén nhiên liệu, cùng với các hệ thống dẫn đường cho tên lửa, nên việc tiếp cận công nghệ này là điều rất mong muốn.

Khả năng này ngày càng trở nên hiện thực bởi Viettel đang nỗ lực chế tạo vệ tinh, nghiên cứu tích hợp các hệ thống dẫn đường và Nga đang thiết lập hàng loạt trạm mặt đất của hệ thống định vị toàn cầu GLONASS ở Đông Nam Á.

Với những lí do trên, tên lửa hành trình Kalibr mới là mục tiêu tiềm tàng mà Việt Nam đang nhắm tới. Khả năng Việt Nam được tiếp nhận công nghệ tên lửa Kalibr là tương đối cao, do Nga cũng đang mong muốn quảng bá dòng tên lửa này trên toàn thế giới.

Toàn Thắng/ĐV

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều