Lý do bốn cựu sĩ quan Học viện Quân y bị cáo buộc trục lợi ở vụ Việt Á
Ông Hồ Anh Sơn khi là phó giám đốc thuộc Học viện Quân y bị cáo buộc nhận 4,6 tỷ đồng để “thông đồng” giúp Việt Á nghiệm thu, cấp phép kit test Covid-19 trái phép.
Ông Hồ Anh Sơn, 47 tuổi, cựu thượng tá, cựu phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự là một trong 4 cựu sĩ quan thuộc Học viện Quân y sẽ bị Tòa án Quân sự Thủ đô, xét xử vào ngày 27/12.
Ông Sơn bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Ba người còn lại bị cáo buộc Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, gồm: Nguyễn Văn Hiệu, cựu đại tá, cựu trưởng Phòng Trang bị Vật tư; Ngô Anh Tuấn, cựu thiếu tá, cựu trưởng Phòng Tài chính và Lê Trường Minh, cựu thiếu tá, cựu trưởng Ban Hóa dược.
Cựu tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á Phan Quốc Việt bị truy tố cả hai tội danh trên; Vũ Đình Hiệp (cấp phó của ông Việt) bị cáo buộc Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Liên quan vụ án, ông Trịnh Thanh Hùng, cựu vụ phó thuộc Bộ Khoa học Công nghệ, bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
VKS cáo buộc: Biến đề tài nghiên cứu quốc gia thành của riêng
Đầu năm 2020 khi Covid-19 bùng phát, Học viện Quân y đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ giao đơn vị phát triển test xét nghiệm. Đề tài được Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự (thuộc Học viện Quân y) nghiên cứu và ông Hùng yêu cầu ông Sơn bổ sung Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á cùng tham gia.
Sau đó, Việt Á được chấp thuận với tư cách phối hợp nghiên cứu, chế tạo kit test, Học viện Quân y là đơn vị tổ chức chủ trì, ông Sơn là chủ nhiệm đề tài, tổng kinh phí 18,98 tỷ đồng, cáo trạng của VKS Quân sự Thủ đô nêu.
Theo cáo buộc, quá trình nghiên cứu đề tài, ông Hùng, Sơn và Việt cho rằng kit test của Việt Á tốt hơn nên thống nhất không cần Học viện Quân y chuyển giao quy trình nghiên cứu của mình mà để Việt Á tự sản xuất 20.000 test kit thử nghiệm.
Ba bị can đưa bộ kit do Công ty Việt Á cung cấp (không được sản xuất theo quy trình nghiên cứu của Học viện Quân y) để thử nghiệm tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và sử dụng sản phẩm này để nghiệm thu đề tài.
Theo VKS, do Hội đồng nghiệm thu không biết hành vi gian dối của ba người này, cũng không biết quy trình nghiên cứu của Học viện Quân y không liên quan bộ kit Việt Á nộp nghiệm thu. Hậu quả, quy trình nghiên cứu của Học viện Quân y không có sản phẩm được thử nghiệm, đánh giá và đề tài của Học viện Quân y không hoàn thành.
Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt bị cáo buộc tiếp tục sử dụng kết quả nghiệm thu này để gian dối trong làm thủ tục, sau đó được Bộ Y tế ra quyết định cấp phép lưu hành.
Nhà chức trách xác định Việt Á đã sản xuất hơn 8,7 triệu test, tiêu thụ 8,3 triệu test theo đơn giá 470.000 đồng, gấp hơn 3 lần giá sản xuất. Việt Á bị quy kết hưởng lợi trái phép gần 1.236 tỷ đồng. Hành vi này sẽ được TAND Hà Nội xét xử ngày 3/1/2024 tới, trong phần liên quan cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.
Riêng vụ án liên quan Học viện Quân y, VKS xác định, hành vi gian dối của 3 bị can Hùng, Sơn, Việt đã gây thiệt hại 18,5 tỷ đồng – khoản giao Học viện Quân y làm đề tài.
Ông Hùng bị cáo buộc nhận “lót tay” 350.000 USD từ Việt Á, là người khởi xướng; giữ vai trò, trách nhiệm chính; ông Sơn nhận 2,5 tỷ đồng.
Vật tư y tế mua trôi nổi, dán nhãn Học viện Quân y
Cựu phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự Hồ Anh Sơn còn bị cáo buộc mua, bán tăm bông, ống môi trường ở bên ngoài, dán nhãn Viện Nghiên cứu y dược học quân sự/Học viện Quân y và cung cấp cho Công ty Việt Á, thu lợi 2 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, từ tháng 7/2020, do thị trường khan hiếm các vật tư y tế, Phan Quốc Việt nói với Hồ Anh Sơn mua các dụng cụ lấy dịch tỵ (tăm bông và ống môi trường) cung cấp cho Công ty Việt Á. Việt sẽ để ông Sơn “hưởng toàn bộ lợi nhuận”.
Ông Sơn nhờ cấp dưới tìm mua vật tư của các cửa hàng, đại lý ở Hà Nội. Sau đó, ông nhờ cấp dưới và một số sinh viên thực tập tại Viện Nghiên cứu y dược học quân sự pha chế dung dịch
Để hợp thức nguồn gốc vật tư, ông Sơn tổ chức dán tem có hình logo của Viện Nghiên cứu y dược học quân sự lên sản phẩm, mục đích thể hiện là hàng của Học viện Quân y, cơ quan công tố cáo buộc.
Tổng số vật tư y tế ông Sơn cung cấp cho Công ty Việt Á từ tháng 7/2020 -3/2021 được xác định hơn 760.000 sản phầm, gồm: ống môi trường và tăm bông. Sau khi tiếp nhận số vật tư y tế có dán tem in hình logo Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y, Công ty Việt Á bán cho nhiều đơn vị ở tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Quảng Nam, thu 3,65 tỷ đồng. Trong số này, ông Sơn bị cáo buộc hưởng lợi hơn 2,1 tỷ đồng.
Khác với ông Sơn, ba cựu sĩ quan Hiệu, Tuấn và Minh bị truy tố trong sai phạm trong đấu thầu vật tư y tế tại Bắc Ninh, Bắc Giang và TP HCM, giai đoạn tháng 5-12/2021.
Cụ thể, cáo trạng xác định, giai đoạn này, Học viện Quân y tổ chức các trung tâm xét nghiệm dã chiến tham gia hỗ trợ phòng, chống Covid-19 tại 3 địa phương trên. Được giao nhiệm vụ đảm bảo dụng cụ lấy mẫu, ba bị can liên hệ ông Sơn nhờ Việt Á ứng kit test để cấp phát cho các tổ xét nghiệm.
Khi thanh toán tiền cho số kit ứng của Công ty Việt Á, cơ quan tố tụng cáo buộc ông Hiệu, Tuấn, Minh làm hồ sơ hợp thức chỉ định thầu, nâng giá để chia chác. Dù Học viện Quân y báo cáo Bộ Quốc phòng xin ngân sách Quốc phòng 24,6 tỷ đồng nhưng trên thực tế Học viện đã ký hợp đồng và thanh toán cho Công ty Việt Á 41,7 tỷ, tức cao hơn báo cáo Bộ Quốc phòng hơn 17 tỷ.
Hợp thức việc thanh toán cho Công ty Việt Á số tiền cao hơn này, VKS cáo buộc, Học viện Quân y đã tạm ứng kinh phí từ nguồn các hoạt động khác. Sau khi được Học viện Quân y thanh toán, Việt Á “lại quả” cho ông Sơn 2,5 tỷ đồng, cho ông Hiệu 3,56 tỷ và ông Tuấn 1,37 tỷ.
Trong giai đoạn tố tụng, VKS ghi nhận các bị can đã nộp khắc phục tổng gần 19 tỷ đồng, trong đó ông Sơn 5,3 tỷ đồng, ông Hiệu 3,7 tỷ đồng, ông Tuấn 1,1 tỷ đồng, ông Hùng 350.000 USD (tương đương 8,5 tỷ đồng).
Viện kiểm sát Quân sự Trung ương đánh giá, vụ án nảy sinh từ động cơ vụ lợi cá nhân của 7 bị can. Song bên cạnh là sự buông lỏng, thiếu sâu sát trong công tác giao, quản lý, nghiệm thu, quyết toán.
Đông Duy