Lương y và câu chuyện lương tháng: Giải pháp nào để sống trọn với nghề?
Những giọt nước mắt của giám đốc bệnh viện Hùng Vương trong ngày gặp Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên xuất phát từ cái tâm của người lãnh đạo trăn trở trước đời sống nhân viên còn nhiều thiếu thốn. Bà Hoàng Thị Diễm Tuyết đã thay lời cho tất cả để nói lên hiện thực đời sống của nhân viên Y tế trong thời bão giá: “7.8 triệu đồng thì sống sao đủ sống”?.
Thầy giáo hay Thầy thuốc giữa thời bão giá đều cùng một nguyện vọng được tăng lương?
Trong buổi thăm và làm việc với cán bộ nhân viên ngành Y tế sáng ngày 5/8/2022, ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành ủy TP.HCM đã bày tỏ băn khoăn: “Khi người dân đau ốm thì có thầy thuốc lo, nhưng khi thầy thuốc gặp khó khăn thì ai lo? Đây đang là câu hỏi để giúp nhân viên y tế không chỉ ổn định về đời sống vật chất mà còn ổn định cả sức khỏe tinh thần để yên tâm công tác.” Đồng thời đề nghị các đơn vị liên quan ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của ngành y tế Thành phố và sớm đề xuất những giải pháp tháo gỡ.
Câu chuyện về nguyện vọng được tăng lương của những người đang làm trong ngành giáo dục và y tế không phải bây giờ mới được nhắc đến. Còn nhớ, năm 2006, khi Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Nguyễn Thiện nhân đương nhiệm cùng lời hứa xây dựng lộ trình lương sao cho đến năm 2010 giáo viên sống được bằng lương. Tuy vậy, hơn 15 năm trôi qua với 4 đời Bộ trưởng thì vấn đề này mới dần được hiện thực hóa.
Nóng lên trong thời điểm hiện nay lại là câu chuyện về mức lương của nhân viên y tế. Là lương y phải trải qua quá trình học tập trau dồi bền bỉ gần cả chục năm trời, và sự cống hiến và trách nhiệm của họ đối với xã hội là không hề nhỏ, nhưng mức lương nhận được thật sự chưa đảm bảo được đời sống đủ đầy để yên tâm công tác. Xét thấy lương của nhân viên Y tế và các ngành kinh tế là một khoảng cách khá xa. Vì vậy, tăng lương và các chế độ đãi ngộ cho họ là những nguyện vọng thiết thực và chính đáng.
Ít ai biết, sau giờ hành chính, sau những ca trực mệt nhoài họ tất tả đi làm thêm đủ mọi ngành nghề. Bán hàng online, kinh doanh đủ mọi lĩnh vực, hợp đồng phòng khám tư, khám bệnh ngoài giờ đến cạn cùng sức lực để đảm bảo được cái sự đủ đầy đó. Họ đã không sống trọn với nghề khi không dành thời gian trống để nghỉ ngơi đảm bảo tinh thần tốt nhất cho ca trực kế tiếp. Nhưng cơm áo gạo tiền, con cái học hành, mẹ già thuốc thang, ai ngăn được họ đi làm thêm để đảm bảo cho biết bao việc nhà cần trang trải?
Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, người chọn phần gian khổ cần được hưởng những đãi ngộ xứng đáng.
Bước vào khu cấp cứu và phòng bệnh bất kỳ bệnh viện công nào chúng ta đều thấy chung những hình ảnh tất bật của các y bác sỹ, trong một vòng quay đầy áp lực và căng thẳng họ hiếm khi nở được nụ cười thân thiện. Đôi lúc chúng ta cứ ngỡ bác sỹ lạnh lùng vô cảm trước những cơn đau của bệnh nhân. Trong hiện thực xã hội mới, dẫn theo nhiều loại bệnh tật, sức khỏe con người ngày càng bị ảnh hưởng và bệnh viện cứ quá tải lên từng ngày. Song song với sự quá tải của bệnh viện là báo động tình trạng Y bác sỹ xin nghỉ việc để đi làm phòng khám tư hay hoàn toàn ra khỏi ngành.
Điểm lại các số liệu gần đây, tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu chưa đầy hai năm đã có gần 200 nhân viên y tế xin nghỉ việc . Sở Y tế tình đã nêu kiến nghị sửa đổi bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nghề, duy trì thực hiện nâng mức lương cơ sở theo định kỳ để ổn định đời sống công chức viên chức nói chung và trong đó có ngành Y tế để hạn chế tình trạng nhân viên y tế công nghỉ việc. Tại TP HCM, từ đầu năm đến nay toàn thành phố có 891 nhân viên Y tế công lập đã nghỉ việc. Chưa kể trong đại dịch Covid-19 vừa qua đã có biết bao nhân viên Y tế chịu ảnh hưởng nặng về sức khỏe trong quá trình làm nhiệm vụ. Và thực tế, đã có rất nhiều tổn thất và hi sinh. Những thiên thần áo xanh, áo trắng họ đã giữ vai trò của những anh hùng trên tuyến đầu chống dịch. Trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào của đất nước, họ vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ đối với nhân dân. Thật đáng trân trọng và tôn vinh: Lương y như từ mẫu!
Giải pháp nào để giúp nhân viên y tế không chỉ ổn định về đời sống vật chất mà còn ổn định cả sức khỏe tinh thần để yên tâm công tác?
Tìm hiểu nguyện vọng của một số nhân viên cán bộ y tế chúng ta đều có câu trả lời chung: Tăng lương, tăng tiền trực, có chế độ đãi ngộ cho bản thân họ và người nhà (hưởng BHYT 100%, vợ chồng con cái và tứ thân phụ mẫu được cấp thẻ BHYT hàng năm). Những nguyện vọng ấy trong hoàn cảnh: Lương thấp, trực đêm, áp lực từ người nhà bệnh nhân, áp lực từ nhiệm vụ đặc thù của nghề là sức khỏe và sinh mạng con người, cường độ công việc nhiều… là thiết yếu và phù hợp.
Thực tế cho thấy tất cả các ban ngành có liên quan tại TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa Vũng Tàu vẫn luôn sát cánh cùng Y tế trong những năm qua. Nhà nước cũng có những chính sách đãi ngộ, quan tâm cải thiện đời sống cán bộ nhân viên Y tế. Xã hội ghi nhận và trân trọng những cống hiến miệt mài, những hi sinh thầm lặng của họ. Mong mỏi cán bộ, nhân viên Y tế sống được bằng lương, ổn định tinh tận để tận tụy cống hiến cho nghề vẫn luôn là vấn đề trăn trở của lãnh đạo TP. HCM nói riêng và cả nước nói chung. Tuy vậy, cần có thêm những giải pháp thiết thực và kịp thời hơn bằng các giải pháp nâng cao thu nhập cho cán bộ nhân viên Y tế, hoàn thiện bổ sung các chính sách đãi ngộ xứng đáng, hỗ trợ kịp thời các trường hợp Y bác sỹ gặp khó khăn hoạn nạn.
Đất nước ở trong hoàn cảnh khắc phục khó khăn sau dịch bệnh thì tăng lương cho đội ngũ y bác sỹ không phải là việc có thể thực hiện trong một sớm một chiều. Nhưng nhất định là từ bây giờ, những trăn trở và dự định của lãnh đạo các cấp phải cụ thể bằng hành động. Những chỉ đạo của Bí thư TP.HCM đối với các đơn vị có liên quan sớm có hành động tháo gỡ là một tín hiệu vui ban đầu đáng chờ đợi cho tất cả lực lượng cán bộ và nhân viên ngành Y tế.
“Lương y như từ mẫu”, hi vọng họ nhận được sự quan tâm xứng đáng của toàn xã hội trong thời điểm khó khăn này. Nay dịch bệnh đã tạm yên, đời sống nhân dân đang dần bình ổn, cũng là lúc chúng ta dành cho lực lượng y bác sỹ cách tri ân thiết thực nhất: Tăng lương, tăng các chế độ đãi ngộ!
Hạnh Phúc