Lương không thể là “quà”
Tiếp đà đề xuất tăng lương cơ sở cho người lao động lên đến 20.8% từ Chính Phủ, một đại biểu Quốc hội đã đề xuất thay vì từ 1/7/2023 thì thực hiện tăng lương cơ sở từ 1/1/2023. Lý do được đưa ra là vì đây sẽ là món quà ý nghĩa cho người làm công ăn lương.
Sau mọi nỗ lực, Quốc hội đã đồng ý với đề xuất của Chính phủ tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức; Tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng với đối tượng do ngân sách Nhà nước bảo đảm; Hỗ trợ thêm các đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 với mức lương thấp… Thông tin đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của người dân. Tuy nhiên, nếu coi lương là quà để tăng trước hạn thì là một vấn đề đáng bàn.
Thứ nhất, theo Điều 90 của Bộ luật Lao động có quy định rõ ràng, “Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thoả thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác”. Điều này có nghĩa rằng, việc trả/nhận tiền lương đúng và đủ là thỏa thuận mà hai bên người lao động và người sử dụng lao động phải tuân thủ. Trong đó cả hai bên đều có nghĩa vụ và quyền lợi ngang nhau, mọi giao kết có thể chấm dứt nếu quyền lợi của hai bên không được đáp ứng.
Còn quà tặng là một thứ gì đó (dạng vật thể hoặc phi vật thể) được trao cho một người một cách tự nguyện và không có tính chất trao đổi. Quà tặng thường được dùng để làm cho người nhận được nó hạnh phúc, hoặc thể hiện sự trân trọng, kính trọng của người tặng quà đối với người nhận. Quà tặng cũng có thể biểu hiện lòng biết ơn của người tặng quà đối với người nhận vì những điều mà người được tặng quà đã làm cho họ trong quá khứ. Và quà có thể tặng hoặc không. Chính người nhận cũng có quyền nhận hoặc không mà chẳng cần lý do gì.
Soi chiếu vào sự việc trên để thấy, đánh đồng lương là “quà” là không đúng cả về luật lẫn thực tiễn.
Thứ hai, để tăng thêm gần 21% lương cơ sở, khoản chi mà Chính phủ phải cân đối là dành 44.000 tỉ đồng. Và để chuẩn bị tăng lương và tăng chế độ cho người dân từ tháng 7/2023, ngân sách cần khoảng 60.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh, ngân sách nhà nước đã chịu ảnh hưởng rất lớn từ đại dịch Covid-19 với hàng trăm nghìn tỷ đồng đưa ra hỗ trợ người dân và doanh nghiệp cộng với những khó khăn, thách thức từ thế giới, việc cân đối chính sách chi ra một khoản không phải là dễ dàng.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, về việc chuẩn bị nguồn lực tài chính cho việc tăng lương cơ sở, ngay từ khi triển khai Nghị quyết 27/NQ-TW về cải cách chính sách tiền lương, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành địa phương phải bố trí nguồn lực tài chính để sẵn sàng khi cấp có thẩm quyền quyết định chính sách cải cách tiền lương. Giải pháp nguồn lực tài chính là tăng thu ngân sách và tiết kiệm chi. Chính vì thế, để thấy rằng, mọi chính sách đều phải có lộ trình. Những nỗ lực cần phải được thấu hiểu và được nhìn nhận một cách tổng quát nhất. Tránh việc tạo sóng dư luận và gây thêm áp lực cho các cơ quan chức năng. Nếu không sẽ dẫn đến tình trạng, ai ai cũng có xu hướng đòi “quà” của dân.
Công Luân