Lương cán bộ, công chức, viên chức thay đổi thế nào từ năm 2020?
Lương tối thiểu vùng, lương cơ sở đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sẽ đồng loạt điều chỉnh tăng lên từ năm 2020.
Báo cáo tổng kết năm về chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ cho biết, năm 2019 đã trình Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, tăng từ 1.390.000 đồng lên 1.490.000 đồng/tháng (tăng thêm 7,19%) từ ngày 1/7/2019, trình Quốc hội thông qua việc điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng lên 1.600.000 đồng/tháng (tăng thêm 7,38%) từ ngày 1/7/2020 trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.
Đồng thời đã trình Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tăng thêm 5,5% từ ngày 1/1/2020 và thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế quản lý tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước.
Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng từ ngày 01/01/2020: Vùng I là 4.420.000 đồng/tháng, vùng II là đồng/tháng, vùng III là 3.430.000 đồng/tháng, vùng IV là 3.070.000 đồng/tháng.
Theo kế hoạch, trong quý I và quý II năm 2020, các Bộ, cơ quan Trung ương hoàn thiện báo cáo chính thức về đề xuất thiết kế bảng lương và chế độ phụ cấp theo nội dung cải cách chính sách tiền lương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW đến Bộ Nội vụ để tổng hợp.
Trong đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng các quy định về chính sách tiền lương của doanh nghiệp theo phân công nhiệm vụ tại Nghị quyết số 107/NQ-CP.
Bộ Tài chính báo cáo Ban Chỉ đạo về quy định cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập, các giải pháp tài chính; tính toán khả năng cân đối nguồn lực trong tổng thể; rà soát, thống kê, đánh giá nguồn dư cải cách tiền lương của các Bộ, địa phương, nguồn tăng thu qua các năm.
Trên cơ sở đó Thường trực Tổ Biên tập hoàn chỉnh báo cáo về xây dựng cụ thể chế độ tiền lương mới.
Ban Tổ chức Trung ương khẩn trương xây dựng Bảng phân loại chức vụ tương đương trong hệ thống chính trị báo cáo Bộ Chính trị xin ý kiến Ban chấp hành Trung ương (Hội nghị Trung ương 12 khóa XII) để làm căn cứ xây dựng bảng lương chức vụ.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo, Ban cán sự đảng Chính phủ về quy định cụ thể chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Sang quý III và Quý IV năm 2020, các cơ quan trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định cụ thể chế độ tiền lương mới. Sang năm 2021 sẽ triển khai thực hiện chế độ tiền lương mới.
Không thành lập phòng trong vụ
Cũng trong năm qua, các Bộ, ngành liên quan đã xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 18 và 19 của Trung ương.
Trên cơ sở đó kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; không thành lập tổ chức mới, không thành lập phòng trong vụ, trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định.
Đồng thời gắn trách nhiệm của người đứng đầu với việc thể chế hóa và thực hiện các Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, đặc biệt là việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tạo nguồn bền vững cho cải cách chính sách tiền lương.
Bộ Nội vụ cũng khẳng định, năm 2019 đã xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế hàng năm theo đúng mục tiêu, lộ trình đề ra.
Quản lý chặt chẽ biên chế đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức, viên chức và vị trí việc làm. Đổi mới cơ chế, phương thức tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (bao gồm cả cán bộ quản lý).
Đồng thời có chính sách thu hút nhân tài, thu hút đội ngũ công chức, viên chức có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi vào làm việc trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.
Thực hiện đào tạo lại, hỗ trợ thích hợp đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động dôi dư do sáp nhập, giải thể hoặc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.
Cùng với đó là việc lập phương án bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do sắp xếp lại tổ chức, cơ cấu lại và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở bảo đảm lợi ích cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo quy định của pháp luật; xây dựng kế hoạch, giải pháp và thực hiện để giải quyết dứt điểm số viên chức và số người lao động vượt quá số biên chế được giao (trừ các đơn vị đã tự chủ tài chính); thực hiện nghiêm việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức hàng năm theo quy định để đưa ra khỏi đội ngũ những người 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ.
Luân Dũng/SH