Luôn sẵn sàng một mệnh lệnh từ trái tim
Thời bình hay thời chiến, cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam cũng đều có một mệnh lệnh từ trái tim, luôn sẵn sàng ra đi, gác lại mọi việc của gia đình, sẵn sàng hy sinh vì nhân dân, Tổ quốc.
Nhân kỷ niệm 76 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944-22/12/2020), Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín (Tổng cục Chính trị, QĐND Việt Nam) đã chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ câu chuyện ý nghĩa về nét đẹp danh xưng anh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời bình.
Ở đâu khó, có bộ đội
“Bộ đội Cụ Hồ” không chỉ là danh xưng mà còn là giá trị, nguồn gốc tạo nên sức mạnh Quân đội. Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín khẳng định, hiếm có quân đội nào trên thế giới, nhân dân lại lấy tên lãnh tụ tối cao của mình để đặt cho quân đội như QĐND Việt Nam. Đó vừa là tình cảm, là niềm tin đối với cán bộ, chiến sĩ quân đội. Đó cũng là cách gọi rất gần gũi, thân mật.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín phân tích, sức mạnh Quân đội được tạo nên bởi nhiều yếu tố, trong đó nhân tố cốt lõi chính là con người, là sức mạnh chính trị, tinh thần. Sức mạnh đó không phải tự nhiên mà có, nó là sản phẩm của truyền thống đoàn kết chống giặc ngoại xâm, tinh thần tự hào tự tôn dân tộc, sự giác ngộ sâu sắc mục tiêu lý tưởng, của sự tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, của khát vọng đấu tranh giải phóng dân tộc, khát vọng vươn lên. Đó còn là “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Những sản phẩm đó đã tạo nên hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” và đó chính là chất keo kết dính các nhân tố cùng hội tụ để chuyển hoá lực lượng, tạo nên sức mạnh tổng hợp, sức mạnh QĐND Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ nhiều lần phát biểu khẳng định: Quân đội luôn luôn là lực lượng trung thành, ở đâu gian khó, ở đó có quân đội – kể cả trong thiên tai, mưa lũ, trong dịch bệnh COVID-19 vừa qua…
Tinh thần này cũng là nội dung trong phát biểu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch: “Những nơi khó khăn nhất Quân đội đều có mặt, với trách nhiệm cao nhất, quân đội không để dân đói, dân rét, không để dân bị bệnh tật”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Đại hội thi đua Quyết thắng toàn quân (tháng 6/2020) đã khẳng định: “Ở đâu nhân dân gặp khó, ở đó có bộ đội giúp dân”. Và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ 11, cũng như tại Hội nghị quân chính toàn quân năm 2020 vừa diễn ra, cũng nhấn mạnh: “Ở đâu khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, ở đó có bộ đội”.
Bất kể ở thời điểm nào, ngày cũng như đêm, miền núi hay đồng bằng, trên không, trên biển hay đất liền, chúng ta đều nhận thấy sự tận tuỵ, trách nhiệm, tinh thần xả thân hy sinh vì nhân dân của cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam và dân quân tự vệ Việt Nam.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín chia sẻ hàng loạt câu chuyện với người chiến sĩ không quân lái máy bay gặp sự cố kỹ thuật đã cố gắng bằng mọi cách không để máy bay rơi trong khu dân cư, bảo đảm an toàn cho dân, dẫu sau đó phải hy sinh. Hình ảnh chiến sĩ biên phòng trong tâm bão đã kịp thời tiếp cận để cứu giúp và đỡ đẻ cho sản phụ tại xã Thuận, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị. Hình ảnh chiến sĩ cảnh sát biển tàu 8003 giữa mùa biển động, vượt cuồng phong, đạp lên sóng dữ, kịp thời cứu hộ tàu NA 93248 của anh Nguyễn Văn Phong để sau này anh Phong nói rằng “các chiến sĩ cảnh sát biển đã sinh ra tôi lần thứ hai”.
Đó là những chuyến bay của Binh đoàn 18 và Bệnh viện 175 trong điều kiện thời tiết không thuận lợi vẫn sẵn sàng bay biển và cấp cứu kịp thời nhiều ngư dân trên các đảo xa, tạo thêm động lực để ngư dân vươn khơi bám biển.
Đó là Đại tá Nguyễn Hữu Hùng năm 2014 dũng cảm chỉ huy đơn vị công binh cứu hộ 12 công nhân mắc kẹt trong sự cố sập hầm thuỷ điện Đạ Dâng (Lâm Đồng) và sáu năm sau, anh lại cùng Thiếu tướng Nguyễn Văn Man và đoàn công tác của Quân khu 4 kịp thời vào Thuỷ điện Rào Trăng cứu giúp công nhân và chiến sĩ bị mắc kẹt do mưa lũ, sạt lở đất.
Đó là những chiến sĩ hoá học không quản hiểm nguy, lăn xả trong xử lý sự cố thảm hoạ về hoá học độc xạ tại Thuỷ Nguyên (Hải Phòng), Bá Thước (Thanh Hoá), nhà máy phích nước Rạng Đông, hay các điểm nóng Hạ Lôi, Sơn Lôi, Bạch Mai, Trúc Bạch… trong đợt COVID-19.
Rồi những chiến sĩ biên phòng căng mình giữa rừng sâu, núi thẳm, lập nên những điểm chốt tiền tiêu, hình thành lá chắn thép không để dịch bệnh lây lan từ ngoài vào. Có những thời điểm, bộ đội Biên phòng đã hình thành tới 1.645 tổ chốt, huy động hơn 7.000 cán bộ, chiến sĩ, bảo đảm an toàn suốt chiều dài 4.639 km đường biên.
Đó còn là những cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội đã dồn dịch doanh trại, nhường cơm xẻ áo, tổ chức tới hơn 200 điểm cách ly tập trung, huy động tới 19.130 chiến sĩ vào tháng 4/2020, vừa bảo đảm chu đáo phục vụ, vừa tận tình giúp đỡ nhân dân, lan toả hình ảnh cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, vừa khẳng định bản chất ưu việt của chế độ XHCN, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín còn nhấn mạnh, không chỉ vượt khó trong các điều kiện sinh hoạt, trong hoàn cảnh bão lũ, thiên tai địch hoạ mà người chiến sĩ quân đội còn có mặt trong phát triển tri thức khoa học. Chúng ta đã biết những “chiến binh số” trong đợt dịch COVID-19 đã dũng cảm vượt lên chính mình, dày công nghiên cứu, xây dựng được các bộ Kit thử, các robot phục vụ người bệnh COVID-19, các phần mềm truy vết, phần mềm khám chữa bệnh từ xa và hiện nay là vaccine chữa bệnh COVID-19.
Có thể nói, “thời bình hay thời chiến, cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam cũng đều có một mệnh lệnh từ trái tim, vẫn sẵn sàng ra đi, vẫn gác lại mọi việc của gia đình, sẵn sàng hy sinh”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín khẳng định.
Giữ gìn và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới
Đại hội XI của Đảng bộ Quân đội xác định năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại. Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định, xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng và lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.
Trong Chỉ thị 855 của Quân uỷ Trung ương (ngày 12/8/2019) đã xác định rõ, để xây dựng Quân đội hiện đại thì phẩm chất của “Bộ đội Cụ Hồ” ngày nay cần 5 chuẩn mực. Thứ nhất là bản lĩnh chính trị vững vàng, động cơ trong sáng, trách nhiệm cao. Thứ hai là đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh. Thứ ba là có văn hoá, tri thức khoa học, trình độ quân sự, năng lực, phương pháp, tác phong công tác và sức khoẻ tốt. Thứ tư là thực hành dân chủ, tự giác, nghiêm minh. Thứ năm là chăm lo, xây dựng đoàn kết nội bộ, gắn bó máu thịt với nhân dân và có tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng.
Nét mới, nét đáng chú ý trong Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, đồng thời cũng chính là phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trong phiên khai mạc Đại hội, xác định rõ: “Phải tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu từ 2030 xây dựng Quân đội hiện đại”. Đây là chủ trương rất lớn, là niềm cổ vũ động viên lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự tin yêu của Nhân dân đối với QĐND Việt Nam.
Để xây dựng quân đội hiện đại, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín cho rằng 5 tiêu chuẩn xác định trong Chỉ thị 855 còn nguyên giá trị. Tuy nhiên, yêu cầu, đòi hỏi trong từng thời kỳ khác nhau. Trong thời kỳ xây dựng quân đội hiện đại, các chuẩn mực về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, về kỷ luật, lối sống, đoàn kết nội bộ, gắn bó với nhân dân và đoàn kết quốc tế vẫn phải thực hiện với yêu cầu cao hơn. Riêng chuẩn mực về có văn hoá, tri thức khoa học, trình độ quân sự, năng lực, phương pháp, tác phong công tác và sức khoẻ tốt đáp ứng điều kiện, yêu cầu xây dựng quân đội hiện đại đã trở thành đòi hỏi rất cao.
Phải xây dựng được hình ảnh người chiến sĩ “Bộ đội Cụ Hồ” có ý chí, khát vọng vươn lên, ý thức học hỏi, nâng cao trình độ, đặc biệt là khoa học-công nghệ, ngoại ngữ và kiến thức pháp luật. Có khả năng, trình độ làm chủ vũ khí, trang bị hiện đại. Có tinh thần dám đánh và biết đánh. Phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” là một hệ thống chuẩn mực, giá trị tư cách đạo đức của người quân nhân cách mạng. Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín khẳng định, giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” là trách nhiệm, lương tâm, danh dự của mọi thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta trước Đảng và Nhân dân.
Phương Liên/VGP