+
Aa
-
like
comment

“Lưới” thanh tra “dày” mà vẫn “lọt”

17/07/2019 07:05

Không ít địa phương, doanh nghiệp vẫn kêu “khổ” vì việc bị thanh tra, kiểm tra. Thanh tra “dày” như thế nhưng vẫn “lọt” các vi phạm lớn. 
Trong kỳ thứ 7 Quốc hội khóa XIV vừa qua và tại hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương, một lần nữa vấn đề thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn chồng kéo, gây khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp lại được nêu ra. Điều đáng nói là lực lượng thanh tra rất “dày”, nhiều cơ quan, nhiều cấp thanh tra, nhưng vẫn để “lọt” nhiều vụ việc, sai phạm thuộc phạm vi thanh tra, giám sát.

Về nguyên tắc quản lý Nhà nước, ở đâu có quyền lực, ở đó cần giám sát. Ở đâu dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực, nhũng nhiễu, ở đó cần có sự thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Thế nhưng, cần bao nhiêu cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát; cần bao nhiêu cuộc thanh tra, kiểm toán mỗi năm đối với một đơn vị được giám sát; cần phân rõ nhiệm vụ cho từng cơ quan thanh tra, kiểm toán các cấp ra sao để tránh chồng chéo… thực sự đang là vấn đề rất cần giải quyết.

 Không ít địa phương, doanh nghiệp vẫn kêu “khổ” vì việc bị thanh tra, kiểm tra. 
Không ít địa phương, doanh nghiệp vẫn kêu “khổ” vì việc bị thanh tra, kiểm tra.

Bởi thực tế là không ít địa phương, doanh nghiệp vẫn kêu “khổ” vì bị thanh tra, kiểm tra. Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương cách đây ít hôm, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cho biết, năm qua phải tiếp đến 14 cuộc thanh tra. Các doanh nghiệp dù hân hoan, nức lòng với Chỉ thị số 20 của Thủ tướng năm 2017 về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, thì đến nay vẫn có doanh nghiệp than thanh tra “không có hồi kết”.

Chỉ thị này yêu cầu khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp. Thế nhưng, cái khó là cơ quan nào “cầm trịch”, có chịu bỏ “quyền anh, quyền tôi” để phối hợp với các cơ quan khác, tránh tranh tra chồng chéo?!. Hay cùng một nội dung thanh tra, liệu cơ quan thanh tra sau có sự chấp thuận kết quả thanh tra, kế thừa kết quả của cơ quan thanh tra trước hay không?!. Và nếu có đoàn thanh tra thứ hai trong năm, doanh nghiệp có quyền từ chối không?!.

Trong khi nguyên tắc của thanh tra, kiểm toán là không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp thì mới đây, nhiều doanh nghiệp bất động sản “than khổ” vì thời gian thanh tra kéo dài đến 2,3 năm, thậm chí thanh tra “không có hồi kết”, khiến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Sự chồng chéo trong công tác thanh tra có lý do từ “lưới” thanh tra “dày”, nhiều cơ quan thanh tra, kiểm tra. Cấp Chính phủ có Thanh tra Chính phủ, cấp bộ có thanh tra bộ, cấp tỉnh có thanh tra tỉnh, cấp sở cũng có thanh tra sở; cấp quận, huyện cũng có cơ quan thanh tra. Bên cạnh đó còn có Kiểm toán Nhà nước…

Bất cập ở chỗ, cơ quan chủ quản của các cấp thanh tra là khác nhau, nhưng nhiều cơ quan thanh tra lại có chức năng như nhau, ví dụ một dự án xây dựng trên địa bàn thì Thanh tra Bộ Xây dựng, thanh tra Sở Xây dựng, thanh tra quận, huyện, phường đều có thể thanh tra, giám sát.

Bất cập cũng ở chỗ, người ra quyết định thanh tra của các cơ quan thanh tra các cấp là khác nhau, nên việc xảy ra chồng chéo là khó tránh. Thanh tra Chính phủ thì chịu sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ; Kiểm toán Nhà nước thì chịu sự chỉ đạo của Quốc hội; thanh tra bộ, ngành thì chịu sự chỉ đạo của bộ trưởng các bộ; thanh tra các sở thì chịu sự chỉ đạo của lãnh đạo sở…

Bất cập còn ở chỗ, “lưới” thanh tra tuy “dày” nhưng vẫn để lọt các vi phạm lớn. Dư luận mấy ngày nay hết sức quan tâm đến việc khởi tố ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh, một tập đoàn lớn trong lĩnh vực xây dựng với hơn 20.000 lao động. Có sai phạm thì mới khởi tố, nhưng vấn đề là các công trình xây dựng không phải là “cái kim” hay “sợi chỉ” để nói rằng kiểm tra, thanh tra không phát hiện sai phạm. Ấy thế nhưng thực tế là một loạt các sai phạm của các tòa nhà hàng chục tầng của Tập đoàn này vẫn lọt lưới quản lý của Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc, thanh tra quận, phường…

Điều này thật mâu thuẫn với hình ảnh một hộ dân chỉ cần đập tường, sửa nhà không đăng ký, thì ngay lập tức cán bộ phường sẽ có mặt xử lý ngay.

Khi “lưới” thanh tra, quản lý nhiều như vậy mà để lọt sai phạm, thậm chí là khởi tố cá nhân vi phạm, thì câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của cán bộ, cơ quan thanh tra sẽ ra sao?! Và rằng, nếu có quyền lực thì cần kiểm soát quyền lực nhưng ai sẽ là người kiểm soát quyền lực của cơ quan thanh tra, để không xảy ra vụ việc đáng tiếc như vụ việc gây chấn động của thanh tra Bộ Xây dựng vừa qua.

Có giải quyết tốt những bất cập này thì “lưới” thanh tra “dày” mới không để lọt các sai phạm.

(Theo VOV)

Bài mới
Đọc nhiều