Lùm xùm từ thiện của Thủy Tiên: Khi nào khởi tố vụ án?
Liên quan đến việc từ thiện của ca sỹ Thủy Tiên, theo luật sư nếu người quyên góp có hành vi gian dối để chiếm đoạt số tiền từ 4.000.000 đồng trở lên thì sẽ khởi tố vụ án hình sự.
Mới đây, phòng PC02, Công an TP. Hồ Chí Minh đã nhận được đơn của bà N.T.O.P tố giác bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) có hành vi vi phạm pháp luật, khuất tất trong việc giải ngân số tiền kêu gọi quyên góp cứu trợ đồng bào bão lụt miền Trung vào thượng tuần tháng 10/ 2020.
Trong đơn tố cáo, bà N.T.O.P chia sẻ theo công bố của Thủy Tiên trên trang cá nhân, số tiền của công chúng gửi đến tài khoản của cô là hơn 177 tỉ đồng và nữ ca sĩ đã giải ngân toàn bộ, chuyển đến nơi cần được trợ giúp. Tuy nhiên, cộng đồng mạng đã phát hiện ra một số khuất tất với tổng số tiền là 81,3 tỉ đồng. Bà N.T.O.P cho rằng ca sĩ Thủy Tiên có thể đã có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Sau quá trình xem xét nội dung đơn, Phòng PC02, Công an TPHCM đã chuyển đơn đến Phòng PC01, Công an TPHCM để xem xét và giải quyết theo quy định.
Trao đổi với PV về vấn đề này, luật sư Phạm Hồng Kiên – Giám đốc công ty Luật Cán Cân Việt cho biết, trước những “lùm xùm” trong hoạt động kêu gọi quyên góp từ thiện của một số cá nhân, Bộ Công an vào cuộc cuộc xác minh làm rõ thì mọi việc sẽ được làm sáng tỏ, làm cơ sở pháp lý để xác định trách nhiệm của các bên liên quan nếu có sai phạm.
Giai đoạn hiện nay, việc thu thập các nguồn thông tin, tài liệu, chứng cứ để xác định bản chất sự việc là rất quan trọng trong đó các nguồn thông tin như: Thông tin về nội dung kêu gọi từ thiện, thông tin về số tiền đã tiếp nhận qua tài khoản ngân hàng, thông tin về số tiền đã rút ra khỏi tài khoản, thông tin về số tiền đã phân phát, thông tin về báo cáo giải trình sau khi từ thiện, thông tin từ phía chính quyền địa phương xác nhận về số tiền đã nhận, thông tin từ những người trình báo tố giác tội phạm… Các nguồn thông tin có thể thông qua lời khai, trình bày, thông qua tài liệu chứng cứ để xác định sự việc.
“Bởi vậy, trong quá trình thực hiện hoạt động từ thiện, nếu sử dụng trái phép số tiền này từ 4.000.000 đồng trở lên thì người đứng ra kêu gọi quyên góp, tiếp nhận tiền có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 175 Bộ luật Hình sự về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Mức hình phạt cao nhất của tội danh này có thể lên đến 20 năm tù nếu số tiền chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên”, luật sư Kiên nhấn mạnh.
Cũng đưa ra quan điểm về vụ việc, Tiến sĩ Luật Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp) nhận định, tổng tiền nữ ca sĩ đứng ra kêu gọi quyên góp nhận được là bao nhiêu, nhận của những ai? Nội dung thỏa thuận về chuyển số tiền này để làm gì, thời gian và phương thức thực hiện hoạt động từ thiện được các bên thỏa thuận như thế nào? Làm rõ số tiền này đã rút ra khỏi tài khoản ngân hàng hay chưa, rút ra khi nào, những chứng cứ cho thấy số tiền này đã được sử dụng vào hoạt động từ thiện đúng như cam kết ban đầu hay không?”.
Ngoài ra cũng cần làm rõ những chứng cứ tài liệu mà người đứng ra kêu gọi từ thiện đã công khai trước công chúng có giả mạo hay không, nếu những giấy tờ, chứng từ để chứng minh số tiền đã sử dụng mà có sự gian dối, giả mạo làm thất thoát từ 4.000.000 đồng trở lên thì sẽ khởi tố vụ án hình sự.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ làm rõ các tài liệu, chứng cứ mà người đứng ra kêu gọi từ thiện giao nộp cho cơ quan điều tra, xuất trình, công khai trước dư luận có chứng minh được đã phân phát hết số tiền đã nhận được cho đồng bào miền Trung hay chưa?…
Mặt khác, Tiến sĩ Luật Đặng Văn Cường cho hay, nếu người đứng ra tố cáo Thủy Tiên tố sai hoặc vô căn cứ thì phải chịu các chế tài xử phạt theo đúng quy định về hành vi “vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm và bôi nhọ người khác”.
Mới đây, ông Nguyễn Nam Tiến, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết, cả nghệ sĩ Hoài Linh và ca sĩ Thủy Tiên đến Huế làm công tác trao tiền, quà cứu trợ bão lũ vào tháng 10.2020 và đầu tháng 6.2021 ở Huế đều không thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh này.
Theo ông Tiến, đại diện đoàn từ thiện của hai nghệ sĩ có đến làm việc với văn phòng MTTQ tỉnh, nhờ lập danh sách người dân bị ảnh hưởng lũ lụt năm 2020 tại hai huyện Phong Điền và Quảng Điền. Khi ông đề nghị các đoàn nghệ sĩ phối hợp với Mặt trận tỉnh để cơ quan nắm rõ tình hình, tránh trao nhầm đối tượng nhưng cả hai đoàn đều không đồng ý.
“Họ có đề nghị chúng tôi đưa danh sách những người cần cứu trợ bão lũ cho họ. Tuy nhiên chúng tôi không đồng ý và đề nghị họ phối hợp với mặt trận tỉnh. Nếu phối hợp, chúng tôi sẽ lập danh sách người cần cứu trợ, tổ chức lễ trao, có xác nhận của địa phương tránh tình trạng trao nhầm đối tượng. Nhưng phía các nghệ sĩ không chịu mà họ tự tổ chức đi trao”, ông Tiến chia sẻ.
Cũng theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên – Huế, đến thời điểm hiện tại, đơn vị này chưa nhận được bất kỳ văn bản nào đề nghị phối hợp xác minh hoạt động từ thiện của Thủy Tiên và Hoài Linh tại địa phương.
Được biết, Thừa Thiên – Huế là một trong các địa phương được nhóm từ thiện của ca sĩ Thủy Tiên đến hỗ trợ trong đợt lũ lụt cuối năm 2020. Cụ thể, trong tháng 10 và 11.2020, Thủy Tiên cùng đoàn đã tiến hành hai đợt trao tiền ở các xã: Hương Phong (thành phố Huế); phường Tứ Hạ (thị xã Hương Trà); Quảng Thọ, Quảng An, Quảng Phước, Quảng Vinh, thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền); Phong Sơn, Phong Bình, Phong Chương, Phong Thu (huyện Phong Điền).
Minh Ngọc