Lực lượng tấn công mẫu hạm khủng của Mỹ xuất hiện ở Biển Đông
Lực lượng tấn công hàng không mẫu hạm Nimitz của Mỹ đã nối lại các cuộc tập trận kép hiếm hoi ở Biển Đông, cũng là lần thứ hai trong tháng này các tàu chiến lớn như vậy tập trận ở vùng biển này.
Lực lượng tấn công hàng không mẫu hạm Nimitz (Nimitz Carrier Strike Force) của Mỹ gồm hai nhóm là tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan cũng đã tiến vào khu vực Biển Đông để tập trận, CNN đưa tin.
Nhóm tàu sân bay tấn công này, bao gồm hơn 12.000 nhân viên quân sự, cùng với tàu tuần dương và tàu khu trục hộ tống, đã hoạt động ở Biển Đông từ ngày 17/7, Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ cho biết trong một tuyên bố.
Hai tàu sân bay, với hơn 120 máy bay được triển khai, đang thực hiện các cuộc tập trận phòng không chiến thuật “để duy trì sự sẵn sàng chiến đấu và sự thành thạo” trong hoạt động, “đảm bảo khả năng ứng phó với mọi tình huống bất ngờ”, tuyên bố cho biết thêm.
Sự hiện diện của tàu Nimitz và Reagan ở Biển Đông hồi đầu tháng này đã đánh dấu lần đầu tiên hai tàu sân bay Mỹ hoạt động cùng nhau tại khu vực kể từ năm 2014.
Trung Quốc đã phản ứng rất quyết liệt trước sự xuất hiện của hai tàu chiến tại khu vực này hồi đầu tháng 7. “Hành động của Mỹ là nhằm phá hoại sự đoàn kết giữa các quốc gia, thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông và phá hoại hòa bình và ổn định ở Biển Đông”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết.
Kể từ đó, căng thẳng đã gia tăng, Washington trong tuần này tuyên bố hầu hết các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp.
“Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình. Mỹ sát cánh với các đồng minh và đối tác Đông Nam Á trong việc bảo vệ quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington gọi những cáo buộc này là “hoàn toàn phi lý”, “bóp méo sự thật và luật pháp quốc tế … phóng đại tình hình trong khu vực và cố gắng gây bất hòa giữa Trung Quốc và các nước duyên hải khác”.
Một ngày sau tuyên bố của ông Pompeo, một khu trục hạm tên lửa dẫn đường của Mỹ đã đi gần Quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và gọi là Nam Sa. Động thái này được mô tả là một hoạt động “tự do hàng hải”, một phần trong cam kết của Hải quân Mỹ nhằm khẳng định “các quyền, tự do và sử dụng hợp pháp trên biển được công nhận trong luật pháp quốc tế thông qua hành động phản đối các hạn chế đối với hoạt động di chuyển không vi phạm pháp luật”, Reann Mommsen, người phát ngôn của Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, cho biết.
“Các yêu sách hàng hải bất hợp pháp và càn quét ở Biển Đông là mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do trên biển, bao gồm các quyền tự do hàng hải và hàng không, thương mại tự do và thương mại không bị cản trở, cũng như tự do cơ hội kinh tế cho các quốc gia ven Biển Đông”, bà Mommsen cho biết.
Chuẩn đô đốc Jim Kirk của Mỹ cho biết, “các nhóm tấn công Nimitz và Reagan của Mỹ đang hoạt động ở Biển Đông, ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, nhằm thực hiện cam kết của chúng tôi với một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, theo trật tự quốc tế, và cho các đồng minh và đối tác của chúng tôi trong khu vực”.
Hoạt động triển khai tàu mới nhất này ở Biển Đông không liên quan đến bất kỳ sự kiện chính trị nào trong tuần qua, tuyên bố của Hải quân cho biết. Tuy nhiên, Trung Quốc có khả năng sẽ nhìn sự việc với con mắt khác.
Duy Tiến/CAND