+
Aa
-
like
comment

Luật sư nêu 3 lý do giúp bà Phương Hằng không phải đối diện trách nhiệm hình sự

Thanh Sang - 26/01/2022 10:58

Tối ngày 22/1/2022, Cục Cảnh sát hình sự C02, Bộ Công an công bố kết luận xác định các nghệ sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, Trấn Thành không có hành vi gian dối trong quyên góp tiền từ thiện, do đó không khởi tố vụ án.

Trước những thắc mắc về ý nghĩa pháp lý cũng như nhận định những diễn biến tiếp theo có thể xảy ra, Cánh Cò đã có cuộc trao đổi cùng Luật sư Nguyễn Vũ Tuấn Tú thuộc Viện Nghiên cứu Pháp luật Phía Nam để có cái nhìn rõ nét hơn về kết luận của C02, Bộ Công an.

Luật sư Nguyễn Vũ Tuấn Tú thuộc Viện Nghiên cứu Pháp luật Phía Nam

Xin Luật sư cho biết công bố vừa qua của Cục Cảnh sát hình sự C02, Bộ Công an mang ý nghĩa pháp lý như thế nào?

LS Tú: Thông báo số 213/TB-CSHS của Cơ quan Cảnh sát Điều tra trực thuộc Bộ Công an vừa công bố ngày 21/01/2022 có tính chất rất quan trọng trong việc xác định các nghệ sĩ có tên tuổi như Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành, Đại Nghĩa và bà Hương (mẹ của ca sĩ Hồ Ngọc Hà) không hề có sự gian dối, lừa đảo trong việc kêu gọi và sử dụng số tiền kêu gọi được để làm từ thiện. Văn bản thông báo chính thức này sẽ khép lại việc điều tra từ phía Bộ Công an trong vụ việc từ thiện, như vậy, trừ khi có tình tiết mới xuất hiện thì có thể phục hồi điều tra, còn hiện tại thì chính thức các nghệ sĩ nói trên hoàn toàn vô tội trong sự việc này.

Trong sự việc này, ngoài những tố cáo từ mạng xã hội, có nhiều người đã chính thức gửi đơn tố cáo các nghệ sĩ chiếm đoạt tiền từ thiện. Sau kết luận vừa qua, những cá nhân sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý như thế nào, thưa Luật sư?

LS Tú: Thực tế, có rất nhều những tố cáo trên mạng xã hội cũng như nhiều người gửi đơn thư chính thức tới cơ quan chức năng tố cáo các nghệ sĩ chiếm đoạt tiền từ thiện và tất cả những người nói trên, kể cả sử dụng mạng xã hội hay gửi đơn thư trực tiếp thì đều phải có trách nhiệm với những thông tin mình đưa ra theo Quy định của Pháp luật Việt Nam (Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự và Luật An ninh mạng…).

Có 2 hành vi chính:

– Một là họ báo tin cho Bộ Công an rằng họ thấy đang có hành vi lừa đảo hoặc lên mạng xã hội họ đưa các bằng chứng về việc không khớp về báo cáo tiền từ thiện của các nghệ sĩ và đặt câu hỏi mở, không khẳng định điều gì thì không thể xử phạt họ, vì đây là quyền chính đáng của một cá nhân khi thấy có sai phạm đang diễn ra, họ hoàn toàn có quyền này cũng như thông báo để cơ quan có thẩm quyền điều tra.

– Tuy nhiên, nếu họ tố giác với các cơ quan có thẩm quyền và khẳng định rằng nghệ sĩ, cá nhân đó đã lừa đảo làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự người ta nhưng cuối cùng thì lại không phải thì họ phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với cá nhân đó.

Điểm khác nhau giữa hai hành vi này là ở câu chữ và hành vi đó có ảnh hưởng đến cá nhân khác hay không.

Như vậy, nói về những tố cáo từ mạng xã hội sai sự thật thì theo Điểm d, Khoản 1, Điều 8 Luật An ninh mạng 2018 và Điểm a, Khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP thì cá nhân sai phạm có thể bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi đưa thông tin sai sự thật, ngoài ra phải gỡ bỏ hoặc đính chính những thông tin này, tránh làm ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức bị nhắc đến.

Ngoài ra, các cá nhân, nghệ sĩ, tổ chức quản lý nghệ sĩ bị thiệt hại hoàn toàn có thể đâm đơn kiện dân sự đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, bên cạnh đó có thể xem xét trách nhiệm hình sự về tội “Vu khống” và “Làm nhục người khác” nếu xét có những hành vi này.

Sau kết luận của Bộ Công an, liệu các nghệ sĩ trên có thể gửi đơn kiện về tội “Vu khống” đối với những người đã gửi đơn tố cáo, cũng như những người đã cáo buộc họ trên mạng xã hội hay không?

LS Tú: Như tôi cũng đã phân tích, ngoài những yếu tố về hành chính hay kiện đòi dân sự, các nghệ sĩ hoàn toàn có thể tố giác những người đưa thông tin sai sự thật và những lời lẽ xúc phạm mình ra cơ quan công an. Thông báo số 213 của Bộ Công an vừa rồi chính là bằng chứng chắc chắn nhất để đưa vào hồ sơ tố giác.

Tuy nhiên, theo tôi rất khó để các nghệ sĩ có thể tố giác hết toàn bộ những người đã cáo buộc họ, bởi theo Quy định của Tố tụng hình sự thì nguyên tắc của tố giác tội phạm là phải có căn cứ chứng minh được hành vi phạm tội và xác định rõ người phạm tội. Nhưng việc này lại vô cùng khó bởi vì trên mạng xã hội có rất nhiều tài khoản, địa chỉ IP ảo, rất khó để truy lùng ra và việc chứng minh họ phạm tội cần rất nhiều thời gian cũng như tiền bạc để thực hiện. Kể cả việc vi bằng những thông tin trên mạng xã hội cũng sẽ tốn rất nhiều thời gian và chi phí. Như vậy, việc kiện tụng tất cả thì không khả thi, các nghệ sĩ có thể sẽ chỉ tố cáo những người có tên tuổi và đứng đầu sự việc lần này.

Theo Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, tội “Làm nhục người khác” (quy định tại Điều 155) và “Vu khống” (quy định tại Điều 156) là 2 trong số 10 tội cần phải có yêu cầu của người bị hại thì mới có thể khởi tố vụ án (ở mức nhẹ, khung đầu tiên). Tức là các nghệ sĩ phải có đơn tố giác hoặc trình báo lên cơ quan có thẩm quyền về từng người, từng cá nhân đã cáo buộc mình thì cơ quan điều tra mới khởi tố. Hàng chục ngàn người thì các nghệ sĩ không thể tố giác hết được.

Về phía mình, liệu bà Nguyễn Phương Hằng (người có đơn tố cáo trực tiếp và trên các buổi livestream) có phải đối diện với trách nhiệm hình sự về những lời tố cáo của mình hay không?

LS Tú: Trên thực tế thì ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng) và vợ chồng ông bà Lê Công Vinh – Trần  Thị Thủy Tiên đã tố giác bà Phương Hằng lên Công an tỉnh Bình Dương rồi. Cụ thể, đã rất nhiều lần các nghệ sĩ nói trên đã chụp ảnh selfie của mình khi đang làm việc tại Cơ quan Công an tỉnh Bình Dương về vụ tố giác bà Phương Hằng lên mạng xã hội.

Theo đánh giá của cá nhân tôi, nếu là một người bình thường mà lên mạng xã hội – nơi có hàng triệu người xem một lúc – để công kích, dùng những từ ngữ khó nghe và hướng tới các nghệ sĩ như vậy thì có khi bây giờ đã khởi tố và phải chịu những mức án rất nặng theo đúng Quy định của Pháp luật rồi. Tuy nhiên, xét theo tình hình hiện tại khách quan thì bà Hằng sẽ không bị khởi tố vì khi livestream và gửi đơn tố cáo, bà Hằng thì thường có những luật sư rất nhiều kinh nghiệm theo sát, hướng dẫn. Có 3 lý do chính để chúng ta có thể nhận định như vậy:

Một là khéo léo trong câu từ và phân chia trách nhiệm khi đưa thông tin. Ví dụ như khi nói về bất kỳ sự việc nào như vụ 14 tỷ thì bà Hằng luôn đưa yếu tố “giấc mơ” vào để nói chứ không đích danh chỉ mặt và khẳng định. Đây là một hành vi rất khôn khéo về mặt từ ngữ. Tuy nhiên, cũng cần xem xét dù là “mơ” nhưng ảnh hưởng là thật thì các nghệ sĩ vẫn có thể đâm đơn kiện đòi bồi thường hoặc tố cáo hình sự.

Một thí dụ khác là khi cần nói chi tiết vấn đề gì mà bà ấy không chắc thì thường bà Hằng sẽ mời trực tiếp nhân vật đó lên để nói chuyện trên livestream để người đó tự nói. Vì vậy nhiều lần, khi thông tin sai sự thật bà ấy cũng không bị phạt mà người tham gia buổi livestream sẽ bị phạt. Điển hình vụ Youtuber Long Ngô đã bị phạt 7,5 triệu đồng sau khi livestream cùng bà Hằng.

Hai là khi viết đơn tố giác, bà Hằng cũng chỉ đưa các dẫn chứng bà ấy có và yêu cầu cơ quan điều tra làm việc chứ không hề khẳng định đích danh là nghệ sĩ đó lừa đảo nên dạng đơn tố giác này rất khó có cơ sở để xử lý tội “Vu khống”.

Thứ ba, bà Hằng được rất nhiều người ủng hộ bởi vì mục đích của bà Hằng là giúp minh bạch chuyện từ thiện. Đây là một việc mang ý nghĩa rất có lợi cho xã hội, để người dân cảm thấy yên tâm hơn khi làm từ thiện và những người xứng đáng được nhận từ thiện sẽ thực sự được nhận phần của mình. Ngược lại, những kẻ có ý định ăn chặn từ thiện theo đó cũng sẽ phải chùn tay. Như vậy, việc “vác tù và hàng tổng” của bà Hằng thậm chí còn được người dân tung hô mạnh mẽ. Khi cơ quan có thẩm quyền xử lý vụ việc, họ sẽ xem xét cả vấn đề này.

Tuy nhiên, nói đi phải nói lại, trong quá trình bà Hằng làm điều tốt, cũng rất nhiều lần phương pháp lại sai. Như khi bà ấy quá xúc động, không giữ được bình tĩnh và thậm chí văng tục, chửi rủa những từ ngữ khó nghe. Như vậy là không tốt và làm ảnh hưởng rất nhiều đến hàng triệu người đang theo dõi bà ấy. Ngoài ra, một số thông tin sai lệch cũng cần phải cải chính thì bà ấy lại im lặng cho qua, gây thiệt hại cho những người bị ảnh hưởng.

Đó là chưa kể đến một số cá nhân liên quan đã có những hành vi trái pháp luật như thu thập thông tin trái phép (Nhâm Hoàng Khoang) và vụ làm lộ sao kê ngân hàng. Bên cạnh đó là tố cáo quan chức chính quyền, chỉ mặt báo chí vô căn cứ cũng cần phải làm rõ. Nhưng không thể lấy cái sai đè cái sai, như vậy mới là một xã hội văn minh, thượng tôn pháp luật.

Tóm lại, bà Nguyễn Phương Hằng nhiều khả năng sẽ không bị khởi tố hình sự về tội “Vu khống”, nhưng các nghệ sĩ hoàn toàn có thể kiện dân sự đòi bồi thường thiệt hại về vật chất, danh dự, tinh thần của mình khi bị ảnh hưởng bởi những thông tin của bà Hằng.

Xin cảm ơn Luật sư đã chia sẻ những phân tích và góc nhìn của mình cùng Cánh Cò và bạn đọc.

Điều 8 Luật An ninh mạng về “Các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng”

1. Sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi sau đây:

….

d) Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;

e) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.

Điều 101 Luật An ninh mạng về “Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội”

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.

Điều 155 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 về “Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại”

1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 (Làm nhục), 156 (Vu khống) và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.”

Thanh Sang

Bài mới
Đọc nhiều