Luật mới về chất lượng sản phẩm: Hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ hết “cửa sống”?
Việc sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật được Quốc hội thông qua gần đây không chỉ là sự điều chỉnh kỹ thuật luật pháp, mà là bước ngoặt trong tư duy quản lý chất lượng sản phẩm tại Việt Nam – đặc biệt với các mặt hàng rủi ro cao như sữa, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm hay thiết bị y tế. Đây là những mặt hàng có tác động trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, vốn lâu nay vẫn tồn tại tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, khiến người tiêu dùng không ít lần trở thành nạn nhân của hàng giả, hàng kém chất lượng.

Một trong những điểm đột phá của hệ thống luật sửa đổi là cơ chế quản lý theo mức độ rủi ro, thay cho cách phân nhóm hành chính trước đây (như nhóm 1, nhóm 2). Thay vì chỉ dựa vào phân công bộ ngành và để doanh nghiệp tự công bố chất lượng, giờ đây, với hàng hóa rủi ro cao – đặc biệt là thực phẩm, dược phẩm, sản phẩm cho trẻ em – sẽ không còn “cửa” cho việc tự công bố.
Thay vào đó, việc công bố chất lượng phải có sự tham gia của bên thứ ba độc lập, được nhà nước công nhận. Đó là một bước tiến lớn trong việc bảo vệ người tiêu dùng, giảm thiểu gian lận thương mại, và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đưa sản phẩm ra thị trường.
Theo ông Hà Minh Hiệp – Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia, đây là sự thay đổi bản chất, đảm bảo rằng “hàng hóa rủi ro cao chắc chắn phải tiền kiểm, không để doanh nghiệp tự đánh giá”. Việc đưa kiểm định lên tuyến đầu của quy trình cũng chấm dứt tình trạng “hàng ra thị trường rồi mới kiểm tra”, vốn tiềm ẩn nhiều hệ lụy sức khỏe, như trường hợp sữa giả, thực phẩm chức năng dỏm từng gây rúng động dư luận.
Một điểm mới rất đáng chú ý là việc luật hóa truy xuất nguồn gốc – một yêu cầu quan trọng trong quản lý chất lượng hiện đại. Trước đây, việc này chủ yếu mang tính khuyến khích hoặc áp dụng cho một số ngành hàng như nông sản xuất khẩu. Nhưng với sự thay đổi này, việc bắt buộc truy xuất nguồn gốc sẽ áp dụng cho mọi hàng hóa rủi ro cao, tạo cơ sở pháp lý cho việc kiểm soát chất lượng, truy vết vi phạm, và xử lý tận gốc.
Song song đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn và chất lượng cũng sẽ được thiết lập. Mọi thông tin liên quan đến tiêu chuẩn sản phẩm – kể cả đối với hàng hóa rủi ro thấp – sẽ phải được công bố công khai, thay vì “nằm trong ngăn kéo” doanh nghiệp như trước. Đặc biệt, các sàn thương mại điện tử – vốn là nơi nhiều sản phẩm trôi nổi xuất hiện – giờ đây bắt buộc phải hiển thị thông tin chất lượng sản phẩm, tránh tình trạng người tiêu dùng “mua hàng theo niềm tin”.
Không chỉ siết chặt quy trình quản lý, Luật sửa đổi còn đưa ra nguyên tắc minh bạch và tham vấn trong việc xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn. Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Xuân Định, tiêu chuẩn là công cụ thúc đẩy phát triển, đổi mới và nâng cao chất lượng; còn quy chuẩn là “hàng rào” kỹ thuật nhằm bảo vệ sức khỏe, môi trường và an ninh quốc gia. Nhưng hàng rào đó sẽ không còn do một mình cơ quan quản lý dựng lên, mà bắt buộc phải có đánh giá tác động, thu nhận ý kiến phản hồi từ các đối tượng liên quan, đảm bảo cân bằng lợi ích và tính khả thi.
Điều này không chỉ làm giảm rào cản kỹ thuật không cần thiết mà còn giúp các doanh nghiệp trong nước dễ dàng tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Việc luật hóa các nguyên tắc quản lý hàng hóa rủi ro cao là bước đi đúng hướng, phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu phát triển hiện đại. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế còn phụ thuộc vào khả năng triển khai đồng bộ: từ việc xây dựng hệ thống đánh giá bên thứ ba đủ năng lực, đến việc cập nhật dữ liệu minh bạch và kiểm tra thực thi trên nền tảng số hóa.
Thêm vào đó, trách nhiệm của doanh nghiệp – đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa – sẽ tăng lên đáng kể. Vì thế, nhà nước cần có lộ trình rõ ràng, hỗ trợ kỹ thuật và truyền thông để doanh nghiệp nắm được các nghĩa vụ pháp lý mới, tránh gây ách tắc hay “chệch hướng” trong thực hiện.
Như vậy, luật mới không đơn thuần là sửa đổi về văn bản pháp luật, mà là sự tái định hình toàn bộ cách tiếp cận trong quản lý chất lượng hàng hóa. Đây là tín hiệu tích cực cho người tiêu dùng và xã hội, và cũng là lời nhắc nhở đối với các doanh nghiệp rằng: trong kỷ nguyên minh bạch, không còn chỗ cho sự “mập mờ tiêu chuẩn”.
Thảo Nguyên