+
Aa
-
like
comment

Luật hàng hải Trung Quốc ‘ngang ngược và sai trái’

04/09/2021 06:34

Chuyên gia cho rằng quy định đòi tàu nước ngoài khai báo khi đi vào “lãnh hải” trong luật hàng hải Trung Quốc trái với UNCLOS và tiềm ẩn nguy cơ gây căng thẳng.

Cục Hải sự Trung Quốc vừa thông báo về Luật An toàn Giao thông Hàng hải sửa đổi, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/9. Luật này ngay lập tức gây sự chú ý của dư luận quốc tế, vì điều 54 quy định “các phương tiện tàu ngầm, tàu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ và tàu chở dầu, hóa chất, khí đốt hóa lỏng và các chất độc hại khác phải báo cáo thông tin chi tiết khi đến lãnh hải Trung Quốc”.

Các chuyên gia trong nước và quốc tế đều nhận định rằng điều luật này của Trung Quốc là hoàn toàn sai trái, không phù hợp với luật pháp quốc tế và ẩn chứa những toan tính riêng của Bắc Kinh, có thể ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định trên các vùng biển trong khu vực.

Tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động gần Điếu Ngư/Senkaku năm 2016. Ảnh: Reuters.
Tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động trên biển Hoa Đông năm 2016. Ảnh: Reuters.

“Không có quy định nào trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) cho phép một quốc gia ven biển yêu cầu tàu bè nước ngoài đi qua không gây hại trong lãnh hải của mình phải khai báo thông tin về phương tiện và hàng hóa cho cơ quan quản lý hàng hải nước này”, đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư liệu Khoa giáo, Học viện Chính trị Công an Nhân dân, nói với chúng tôi.

Ông Tâm cho biết theo UNCLOS, tàu thuyền đi lại vô hại qua lãnh hải một quốc gia ven biển chỉ bắt buộc khai báo khi sử dụng năng lượng hạt nhân, chở các chất phóng xạ hoặc các chất nguy hiểm, độc hại. Chủ các tàu này phải mang theo đầy đủ tài liệu và áp dụng biện pháp phòng ngừa đặc biệt theo các điều ước quốc tế.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc liệt dầu mỏ và khí đốt vào danh sách “hàng hóa độc hại” cần khai báo vượt ra ngoài quy định của luật pháp quốc tế.

“Yêu cầu các chủ tàu phải khai báo thông tin về phương tiện và hàng hóa cho cơ quan quản lý hàng hải nước này có thể bị coi là một hành vi áp đặt gây cản trở hay hạn chế việc thực hiện quyền đi qua vô hại của các tàu thuyền nước ngoài. Điều này trái với điểm a, khoản 1, điều 24 của UNCLOS”, đại tá Tâm cho biết.

Nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực để buộc các chủ tàu phải khai báo, họ sẽ vi phạm điều 25 của UNCLOS. Điều 25 của UNCLOS quy định quốc gia ven biển có thể tạm thời đình chỉ việc thực hiện quyền đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải để bảo đảm an ninh. Đối với quy định này, Trung Quốc phải chứng minh được hành vi tạo ra nguy cơ xâm phạm an ninh của chủ tàu đối với mình.

“Vì thế, có thể thấy khi đưa ra quy định này, Trung Quốc đã vượt quá thẩm quyền được UNCLOS quy định với một quốc gia ven biển. Trung Quốc tùy tiện giải thích UNCLOS theo ý mình và thiết lập những sự kiểm soát trái phép. Do đó, họ vi phạm nghiêm trọng UNCLOS và gây cản trở tự do hàng hải quốc tế”, đại tá Tâm cho biết.

Thạc sĩ Hoàng Việt, nhà nghiên cứu Biển Đông và chuyên gia luật biển quốc tế tại Đại học Luật TP HCM, lưu ý rằng Trung Quốc cố tình mập mờ về giải thích khái niệm “lãnh hải” trong Luật An toàn Giao thông Hàng hải sửa đổi. Điều 117 luật này có giải thích các thuật ngữ, nhưng lại bỏ ngỏ khái niệm quan trọng trên.

Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc cố tình “mù mờ” về những khái niệm giúp xác định khu vực địa lý. Hồi đầu năm, Trung Quốc cũng thông qua Luật Hải cảnh cho phép lực lượng này có quyền nổ súng vào các tàu thuyền vi phạm “trong vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc”, nhưng không giải thích cụ thể đâu là “vùng biển thuộc thẩm quyền” của mình.

“Trung Quốc cố tình duy trì sự mơ hồ trong luật của chính họ để tìm cách biện minh cho các hoạt động hung hăng trên Biển Đông. Đây chính là một phần trong chiến lược tằm ăn dâu của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông”, ông Việt nhận định.

Các vùng nội thủy, lãnh hải, đặc quyền kinh tế và vùng biển quốc tế theo quy định của UNCLOS 1982. Đồ họa: Wikimedia.
Các vùng nội thủy, lãnh hải, đặc quyền kinh tế và vùng biển quốc tế theo quy định của UNCLOS. Đồ họa: Wikimedia.

Nhà nghiên cứu này dự đoán Trung Quốc có thể viện vào luật mới để tiếp tục đe dọa hoạt động ngoài khơi của tàu thuyền các quốc gia khác. Bắc Kinh dường như đang toan tính rằng việc yêu cầu tàu nước ngoài khai báo hải trình là nhằm “thay đổi nhận thức của công chúng toàn thế giới rằng vùng biển đang thuộc thẩm quyền của Trung Quốc”.

Đại tá Nguyễn Minh Tâm cũng cho rằng đây là bước đi tiếp theo của Trung Quốc trong tham vọng độc chiếm Biển Đông. “Không thể phủ nhận ý đồ của Trung Quốc là bằng mọi cách từ kinh tế, pháp lý, hoạt động quân sự và dân sự tới gây áp lực nhằm giành quyền kiểm soát Biển Đông, với tính chất gây hấn cao hơn sau khi ban hành quy định cấm đánh bắt cá”, ông nói.

Dự báo về cách Trung Quốc thực thi luật mới, Gregory B. Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định các biện pháp mà Bắc Kinh tiến hành nhiều khả năng sẽ trái với quy định của UNCLOS.

Nếu Trung Quốc chỉ yêu cầu tàu nước ngoài khai báo trong khu vực cách bờ biển 12 hải lý và những vùng không có tranh chấp, luật mới sẽ không gây ra rắc rối gì. “Tuy nhiên, chúng ta có thể đoán được Trung Quốc sẽ tìm cách áp dụng luật này trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo tranh chấp và trong đường cơ sở bất hợp pháp, từng được họ tuyên bố quanh quần đảo Hoàng Sa và có khả năng tuyên bố cả ở quần đảo Trường Sa trong tương lai”, chuyên gia cảnh báo.

Poling dự báo động thái của Trung Quốc sẽ khiến căng thẳng khu vực gia tăng, vì các nước ở Đông Nam Á cũng như cường quốc bên ngoài khu vực như Mỹ chắc chắn sẽ phớt lờ quy định trái luật pháp quốc tế của Bắc Kinh và có thể dẫn tới những hành động quyết liệt từ lực lượng chấp pháp Trung Quốc.

Luật mới quy định lực lượng chấp pháp Trung Quốc có quyền ngăn chặn và dừng các tàu nước ngoài mà Trung Quốc xác định là “không vô hại” trong “lãnh hải”. Đây có thể xem là lời đe dọa đến những hoạt động hòa bình trên Biển Đông nhưng lại bị phía Trung Quốc cho là “trái phép”. Việc Trung Quốc phá vỡ trật tự luật pháp quốc tế như vậy sẽ dẫn đến những tiền lệ xấu, gây nguy hiểm đến trật tự và ổn định toàn cầu, chuyên gia Hoàng Việt nhận định.

Theo đại tá Nguyễn Minh Tâm, nhiều nước sẽ coi Luật An toàn Giao thông Hàng hải sửa đổi của Trung Quốc là vô giá trị tại các khu vực như Biển Đông hay biển Hoa Đông, bởi đây là hành động “vẽ thêm luật riêng của mình, trái với luật pháp quốc tế”. “Trung Quốc sẽ khó thực thi các quy định trái phép này nếu họ không muốn đối đầu với cả thế giới”, ông nói.

Quy định mới của Trung Quốc về khai báo hải trình một lần nữa chứng tỏ nước này “không nghiêm túc quan tâm đến thương lượng mà muốn thiết lập kiểm soát trên thực tế từng bước một đến khi đạt được tham vọng độc chiếm Biển Đông”, chuyên gia Poling nhấn mạnh.

Nguyễn Tiến  

Bài mới
Đọc nhiều