+
Aa
-
like
comment

Luật GTĐB năm 2008 tồn đọng những “lỗ hổng” lớn mà không tách không được

Đặng Trường - 24/03/2022 20:45

Trung tá Vũ Quang Hòa, Đội trưởng Đội CSGT, Công an TP Hạ Long cho biết, hiện đơn vị ông đang lấy ý kiến cán bộ chiến sỹ liên quan đến những bất cập trong luật hiện hành, tập hợp thành báo cáo kiến nghị gửi lãnh đạo các cấp.

CSGT làm nhiệm vụ trên cao tốc.

“Từ thực tiễn công tác, chúng tôi thấy những “lỗ hổng” trong luật hiện hành. Đơn cử, tại Khoản 2, Điều 37, Luật GTĐB năm 2008 quy định Bộ trưởng Bộ GTVT chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên hệ thống quốc lộ; Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên các hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý. Như vậy, không có quy định nào về trách nhiệm tham gia tổ chức giao thông cho lực lượng CSGT, trong khi đây mới là lực lượng chủ yếu thực hiện việc chỉ huy điều khiển giao thông và xử lý vi phạm hành chính về GTĐB. Đây chính là “lỗ hổng” của luật, gây nhiều khó khăn cho việc thực hiện nhiệm vụ.

Thực tiễn cho thấy có nhiều loại tội phạm xảy ra trên đường mà lực lượng CSGT phải đấu tranh ngăn chặn. Thế nhưng, cho đến nay vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao quy định cụ thể về phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng CSGT trong công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên đường bộ. Mặt khác, lực lượng CSGT có thẩm quyền trong việc tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, khám nghiệm, điều tra giải quyết tai nạn giao thông nhưng các ý kiến tham gia của họ thường không được các ngành hữu quan tiếp thu, giải quyết, khắc phục”, Trung tá Hòa chia sẻ.

Theo báo cáo Chính phủ, ở Việt Nam, hoạt động giao thông đường bộ chiếm tỷ lệ trên 95% các loại hình tham gia giao thông và loại hình vận tải. Phương tiện giao thông đường bộ tăng nhanh, bình quân từ 10%-15%/năm và thực trạng tham gia giao thông đường bộ của Việt Nam hiện nay là giao thông hỗn hợp với nhiều loại phương tiện giao thông cơ giới, thô sơ, xe ba bánh. Trong khi đó, Luật GTĐB năm 2008 chưa có quy định để quản lý, kiểm soát sự gia tăng phương tiện, nhất là yêu cầu kiểm soát đảm bảo sự phù hợp, tương xứng với tốc độ phát triển hạ tầng giao thông. Từ đó dẫn đến hệ quả mất trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến giao thông đường bộ, ùn tắc giao thông nghiêm trọng trong đô thị lớn. Đó chưa kể là những quy định này đã và đang không thể kiểm soát được sự gia tăng của phương tiện giao thông đường bộ, cơ cấu chủng loại phương tiện, chưa kiềm chế được tốc độ phát triển phương tiện giao thông cá nhân và chưa có cơ chế đảm bảo cho việc phát triển phương tiện giao thông.

Thực trạng ùn tắc giao thông ở Việt Nam ngày càng nghiêm trọng.

Một thực tế khác, cũng rất đáng chú ý là việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn thi hành các điều khoản của Luật GTĐB 2008 còn chậm. Một số quy định của Luật GTĐB 2008 còn chậm. Một số quy định của Luật GTĐB chưa phù. Ví dụ, khoản 4, Điều 10 Luật quy định biển báo hiệu đường bộ gồm 5 nhóm. Tuy nhiên, hiện nay đã phát sinh thêm nhóm biển báo mới “nhóm biển sử dụng trên tuyến đường ngoại giao,… Nhóm biển này tuân thủ theo các quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật (Trưởng Phòng Tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT) những hạn chế, bất cập trong luật hiện hành tồn tại ở cả 4 lĩnh vực, gồm: kết cấu hạ tầng giao thông; TTATGT; vận tải đường bộ; phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước. Chỉ tính riêng lĩnh vực Trật tự an toàn giao thông (TTATGT) cũng có rất nhiều tồn tại, hạn chế được nhận diện. Ông cho biết quy tắc giao thông ở nước ta chủ yếu là “nội luật hóa” Công ước Vienna năm 1968 về GTĐB nhưng việc cụ thể hóa trong luật hiện hành chưa rõ, chưa đầy đủ và sát thực tiễn tình hình giao thông tại Việt Nam. Chẳng hạn như không quy định hoặc quy định không cụ thể, không đầy đủ về các nội dung như: nơi cho phép chuyển làn đường; độ tuổi người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện; cấm lùi xe trên đường một chiều hoặc đường đặt biển cấm đi ngược chiều; nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông thô sơ…

Ngoài ra, luật không quy định đầy đủ, cụ thể về các chế định bảo đảm TTATGT liên quan như: giải quyết tai nạn giao thông; tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông, giải quyết các vấn đề ANTT, sự kiện trên các tuyến giao thông; cưỡng chế chấp hành pháp luật về TTATGT… Việc quản lý người lái xe chưa gắn với quản lý vi phạm của người tham gia giao thông.

Trong nhiều vụ tai nạn giao thông, trách nhiệm chủ yếu thuộc về người lái xe gây tai nạn mà chưa gắn trách nhiệm của các cơ quan đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Chưa có chính sách cụ thể, rõ ràng về quản lý, sử dụng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, trung tâm chỉ huy, điều khiển giao thông và chưa xác định cơ quan chịu trách nhiệm chính trong công tác này, dẫn đến đầu tư ứng dụng công nghệ thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Quy định về nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông và bảo vệ môi trường chưa đáp ứng tình hình mới, xu thế chuyển dịch phương tiện giao thông thông minh, động cơ điện.

Sau hơn 13 năm thực hiện Luật GTĐB năm 2008 đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, do thực tiễn đã có nhiều vận động, thay đổi, đòi hỏi tất yếu khách quan phải ban hành những đạo luật mới thay thế, điều chỉnh từng lĩnh vực về hạ tầng, vận tải và trật tự, an toàn giao thông”.

Đặng Trường 

Bài mới
Đọc nhiều