+
Aa
-
like
comment

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay

11/02/2022 07:30

Ngày 10/2, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức hội thảo khoa học “Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ” nhằm làm rõ luận cứ, luận chứng khoa học để góp phần hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an. (Ảnh: Như Quỳnh)

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá sự cần thiết và xác định rõ cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn của việc tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đồng thời, thống nhất cao về sự cần thiết phải hoàn thiện pháp luật theo hướng tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Việc ban hành luật chuyên ngành có cơ sở lý luận, chính trị, pháp lý vững chắc và xuất phát từ đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn.

Cụ thể, theo nhiều ý kiến, pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ có lịch sử hình thành, phát triển độc lập và có đối tượng, phương pháp điều chỉnh mang tính đặc thù. Giao thông đường bộ là hoạt động mang tính phổ biến cao, khác với các lĩnh vực giao thông hàng không, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa vốn mang tính chuyên ngành. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một nội dung trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, thuộc chức năng của Bộ Công an.

Lực lượng công an nhân dân chịu trách nhiệm chính về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tập trung vào công tác quản lý người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ (kiến thức, ý thức pháp luật, năng lực hành vi; kỹ năng điều khiển phương tiện đến quá trình chấp hành pháp luật, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông…).

Vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo hướng tách thành luật chuyên ngành phù hợp với xu hướng lập pháp trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.

Cũng tại hội thảo, Trung tướng Đỗ Lê Chi, Cục trưởng Cục Khoa học, chiến lược và Lịch sử Công an kiêm Viện trưởng Viện Chiến lược Công an cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, có văn bản báo cáo Chính phủ và được trình bày tại cuộc họp chuyên đề pháp luật của Chính phủ tháng 1/2022. Theo đó, Bộ Công an đã có những luận giải khoa học, sáng rõ, thuyết phục hơn về những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn, đề nghị giải trình.

Sau đó, ngày 30/1, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP, trong đó đánh giá Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với nhau cùng với các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội khóa XIV về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, thống nhất đổi tên dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) thành dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ thành dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ…

Chia sẻ tại hội thảo, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết, năm 2001, Quốc hội thông qua Luật Giao thông đường bộ, năm 2008 thông qua luật thay thế, tiếp tục điều chỉnh 3 lĩnh vực khác nhau là an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ. Tuy nhiên, thời điểm ban hành luật trong bối cảnh giao thông nước ta chủ yếu là môtô, xe máy, hệ thống hạ tầng giao thông còn hạn chế.

Quang cảnh hội thảo (Ảnh: Như Quỳnh)

Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, sau 20 năm kể từ khi thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2001 và sau hơn 13 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Do vậy, thực tiễn đã có nhiều vận động, thay đổi, đòi hỏi khách quan phải ban hành những đạo luật mới thay thế, điều chỉnh từng lĩnh vực về hạ tầng, vận tải và trật tự, an toàn giao thông. “Từ những lý do trên cho thấy nếu tiếp tục kết cấu trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 như hiện nay thì không thể quy định đầy đủ, rõ ràng và khó có sự liên kết chặt chẽ giữa các nội dung, chế định của từng lĩnh vực. Việc tách Luật Giao thông đường bộ 2008 thành 2 đạo luật chuyên biệt sẽ mang lại lợi ích lớn cho Nhà nước và người dân” – Đại tá Đỗ Thanh Bình khẳng định.

Khai Tâm

Bài mới
Đọc nhiều