Luật Cư trú 2020 ‘bảo đảm bí mật thông tin cá nhân’
Lãnh đạo Bộ Công an khẳng định, Luật Cư trú năm 2020 quy định, công dân được lựa chọn, quyết định nơi thường trú, tạm trú, đồng thời được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân, hộ gia đình trong cơ sở dữ liệu về cư trú.
Xoá bỏ các thủ tục rườm rà, dễ bị lợi dụng
Sáng 11/12, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10.
Thông tin tại buổi họp báo, Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết, việc sửa đổi Luật Cư trú nhằm cụ thể hoá quy định của Hiến pháp về bảo đảm quyền con người, quyền công dân liên quan đến quản lý cư trú theo hướng quy định công khai, minh bạch, đơn giản hoá giấy tờ, giảm thời gian, chi phí. Đồng thời xoá bỏ các thủ tục hành chính còn rườm rà, dễ bị lợi dụng để gây phiền hà cho người dân, qua đó bảo đảm tốt hơn nữa việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân.
Cũng theo ông Hùng, vào năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư. Trong đó có phương án bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân, cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
“Trong điều kiện nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và chủ động hội nhập quốc tế, yêu cầu đặt ra là phải hiện đại hoá công tác quản lý cư trú theo hướng ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp với xu hướng của các nước trên thế giới”, ông Hùng cho hay.
Với 7 chương, 38 điều, Luật Cư trú năm 2020 đã bỏ một số nội dung quy định hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến sổ hộ khẩu và bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm phù hợp với phương thức quản lý cư trú mới như truy nhập, khai thác, huỷ hoại, làm cản trở, gián đoạn hoạt động, thay đổi, xoá, phát tán, cung cấp trái phép thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú…
Bên cạnh đó, luật cũng quy định, công dân được lựa chọn, quyết định nơi thường trú, tạm trú của mình phù hợp với quy định của luật này và các luật khác có liên quan. Đồng thời được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân, hộ gia đình trong cơ sở dữ liệu về cư trú, trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật; được khai thác thông tin về cư trú của mình trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Liên quan đến đăng ký thường trú, luật ra đời sẽ thay thế việc đăng ký, quản lý thường trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang quản lý bằng công nghệ thông tin. Cụ thể là quản lý bằng mã số định danh cá nhân để truy cập điều chỉnh trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
“Việc đổi mới phương thức quản lý theo hướng này giúp công dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân đã thể hiện trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng không phải sao y chứng thực các loại giấy tờ này khi thực hiện thủ tục hành chính, hoặc tham gia giao dịch dân sự. Thay vào đó công dân chỉ cần mang theo thẻ căn cước công dân, hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng để thực hiện”, tướng Hùng cho hay.
Điểm đáng lưu ý khác, Luật Cư trú 2020 đã bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương. Tức là không có quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương. Qua đó, việc đăng ký thường trú tại các tỉnh, thành là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc.
Trả lời các câu hỏi liên quan, Thiếu tướng Hùng khẳng định, Bộ Công an đã dự liệu và có kế hoạch trong việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khi luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2021. Sau đó sẽ được chia sẻ, kết nối với các tổ chức, cơ quan liên quan. “Lúc đó sẽ thay thế toàn bộ các giấy tờ liên quan, chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm”, ông Hùng khẳng định.
Bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ
Tại buổi họp báo, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết, Luật Biên phòng Việt Nam được xây dựng nhằm thể chế hoá chủ trương, quan điểm, tư duy mới về bảo vệ tổ quốc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia của Đảng, Nhà nước. Luật cũng đồng thời là cơ sở xây dựng lực lượng vũ trang nói chung, lực lượng Bộ đội Biên phòng nói riêng ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Về nhiệm vụ, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến cho biết, lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng bao gồm lực lượng trực tiếp thực thi nhiệm vụ biên phòng ở khu vực biên giới, cửa khẩu là các cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân ở khu vực biên giới, cửa khẩu và các cơ quan lãnh đạo, chỉ huy, quản lý của tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân ở khu vực biên giới, cửa khẩu.
Với 6 chương, 36 điều, Luật Biên phòng Việt Nam xác định rõ vị trí, chức năng của bộ đội biên phòng là lực lượng vũ trang nhân dân, thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, lực lượng nòng cốt, chuyên trách, bảo vệ biên giới. Đồng thời thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật.
Luân Dũng/ TPO