+
Aa
-
like
comment

Luận án tiến sĩ về áo ngực và thói quen mạt sát

Hạnh Phúc - 07/10/2022 12:18

Luận án tiến sĩ ở Trường Đại học Bách Khoa về áo ngực lại trở thành đề tài bàn tán xôn xao trên các diễn đàn những ngày qua. Một số ý kiến cho rằng đề tài tầm thường quá không xứng tầm tiến sĩ, nhưng luận án ấy với mục đích hướng đến sự thuận tiện và sức khỏe phụ nữ thì tại sao lại xem nhẹ?

Luận án tiến sĩ ở Trường Đại học Bách Khoa về áo ngực khiến nhiều người tranh luận.

Trong khi giới chuyên môn cho rằng nghiên cứu về áo nịt ngực có tính mới mẻ, đặc biệt và thiết thực rõ ràng, kết quả là những đóng góp cơ sở dữ liệu cho việc tạo ra sản phẩm áo ngực phù hợp với thể hình người Việt thì một bộ phận dư luận lại lấy đó làm đề tài chỉ trích và giễu cợt.

Tình trạng nhìn tên đề tài rồi chỉ trích thật không hiếm có xưa nay. Sự ngộ nhận ban đầu dẫn đến vội vàng đánh giá là điều khá phổ biến, từ đó dẫn đến nhiều điều bất ổn. Có lẽ khó để mọi người hiểu rằng vì sao luận án của Lưu Thị Hồng Nhung “mang ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn” vì tư duy chúng ta vốn mặc định khoa học phải là điều gì đó lớn lao kì vĩ. Những vấn đề tưởng chừng như giản đơn thuộc về sức khỏe thầm kín của giới nữ thường không được quan tâm nhiều.

Có thể nói việc mặc một chiếc áo ngực thoải mái, không gây tổn thương, đau nhức điều đó mọi phụ nữ đều mong muốn. Ở một số quốc gia, phụ nữ nói không với áo nịt ngực đã phát triển thành những trào lưu rất mạnh mẽ khi họ phát hiện ra sự nguy hại của chiếc áo ấy đến sức khỏe. Phụ nữ Á Đông vốn nền nã và kín đáo, việc không mặc áo ngực khó có thể xảy ra. Vì vậy, vấn đề về chiếc áo ngực phù hợp nhất lẽ ra cần quan tâm nghiên cứu sớm hơn.

Được biết, nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung đã có 8 công trình nghiên cứu khoa học được công bố trong nước và quốc tế. Trước đó, năm 2017, Tô Thị Mỹ Ngọc nữ sinh gốc Long An trúng học bổng vào trường đại học danh giá Harvard với bài luận hơn 500 từ cũng với chủ đề về chiếc áo nịt ngực. Và bức thư trúng tuyển có một dòng “Tôi thật sự rất thích bài luận về chiếc áo ngực của bạn”. Cách nhìn nhận và đánh giá trên tinh thần thấu đáo ấy đã mở ra cơ hội cho một nữ sinh bước vào giảng đường viết tiếp giấc mơ và quan trọng hơn nữa là mở ra cơ hội cho người phụ nữ được tự do thể hiện mong cầu chính đáng của bản thân.

Khoa học là cuộc sống, là giản đơn và thực tiễn. Những thiên kiến hạn hẹp về tầm vĩ mô của khoa học đã làm chúng ta trầm trọng hóa vấn đề. Phụ nữ Việt Nam ngày càng được đánh giá cao trong vai trò quan trọng xây dựng xã hội. Quan tâm thiết thực đến các nhu cầu thiết yếu của họ, đó là một biểu hiện của tinh thần văn minh và tiến bộ. Những mối quan ngại về sức khỏe do nội y không phù hợp đã đến lúc phải đặt ra nhiều giải pháp.

Khởi đầu từ luận án của nghiên cứu sinh trường Đại học Bách Khoa, hy vọng sẽ có những bước phát triển trên thực tiễn. Và cách nhìn nhận về phạm vi rộng lớn của khoa học cần được hiểu đúng và đủ. Những nội dung nghiên cứu nhằm hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn cho nữ giới cũng cần được khuyến khích và nhân rộng. Thay vì những định kiến và tư duy hạn hẹp về vấn đề nghiên cứu khoa học, có thể chúng ta nên tập trung vào ý nghĩa thực tiễn của đề tài. Vì trên tất cả, những cá nhân giàu tâm huyết đang cố gắng từng ngày vì một xã hội tốt đẹp hơn, tất cả sẽ khởi đầu từ những nghiên cứu về những điều tưởng chừng như bình thường nhất ấy.

Hạnh Phúc

Bài mới
Đọc nhiều