Có nên đóng cửa, cấm các hoạt động ngày 30/4 và 1/5?
Sau khi Ấn Độ vỡ trận trước sự ngỡ ngàng của thế giới, các nước sát biên giới Việt Nam cũng đang trở thành điểm nóng của dịch bệnh, thì cũng là lúc dư luận dấy lên một luồng ý kiến yêu cầu, đề nghị đóng cửa toàn bộ các lễ hội, các khu vui chơi, giải trí, các bờ biển; siết chặt đi lại,… nhân dịp lễ tới đây. Yêu cầu đó hoàn toàn hiểu được trong bối cảnh hiện tại, tuy nhiên câu hỏi đặt ra có cấp thiết phải đóng cửa toàn bộ?
Chỉ cách đây hơn một tháng, một số người đã cho rằng, Ấn Độ đã đạt tới mức miễn dịch cộng đồng một cách tự nhiên. Ấy thế mà một quốc gia sản xuất 60% vắc xin Covid của thế giới, đã tiêm chủng 129 triệu liều vắc xin mà lại thua trận. Nguyên nhân chính là do, Ấn Độ quá tin tưởng vào vắc xin mà dẫn đến sự chủ quan, lỏng lẻo về kiểm soát y tế. Chính vì thế, khi tham gia lễ hội Kumbk Mela – một lễ hội lớn với sự quy tụ hàng trăm nghìn người hầu hết không ai đeo khẩu trang và tuân thủ những quy tắc về phòng chống dịch bệnh. Và cũng chính trong tình huống cấp bách như vậy, các đảng phái chính trị vẫn bận chỉ trách nhau mặc cho người dân kêu gào, đau khổ vì dịch bệnh.
Việt Nam hoàn toàn khác xa với Ấn Độ. Chúng ta đã chứng minh cho cả thế giới thấy, đâu cần vắc xin để chống dịch nhưng vẫn thành công hết lần này đến lần khác.Và điều mà làm nên kỳ tích đó là sự chung tay đồng lòng từ người dân đến chính phủ, chính phủ căn cứ vào tình hình đưa ra yêu cầu nghiêm ngặt và tất cả đều được người dân thực hiện, còn người dân bật “hệ thống camera chạy bằng cơm” báo cáo tất cả những trường hợp trốn trách cách ly hoặc nhập cảnh chui…. Tất cả đều hướng về lợi ích cao nhất của cả dân tộc.
Cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù Việt Nam vẫn đang tạm gọi là yên bình, thế nhưng chưa bao giờ Chính phủ cho phép “tạm nghỉ” chống dịch, nhất là khi Lào và Campuchia đang trở thành điểm nóng như hiện tại. Bộ trưởng Nguyễn Thành Long đi như con thoi đến các tỉnh có nguy cơ dịch tràn vào từ Lào và Cam, để kiểm tra, chỉ đạo. Lực lượng quân đội, công an được tăng cường tối đa ở các điểm biên giới nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp. Ngay sau khi kiện toàn Bộ máy Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu yêu cầu tổ chức tiêm vắc xin covid-19 khẩn trương, an toàn tuyệt đối, dứt khoát không để tình trạng vắc xin không được tiêm kịp thời, phải hủy bỏ. Và ngay trưa nay, Chủ tịch TP HCM đã tuyên bố không bắn pháo hoa trong dịp 30/04… Đây chính là tinh thần không chủ quan, luôn chủ động, trên tinh thần phòng chống dịch một cách tốt nhất.
Và tôi tự hỏi, chúng ta đang làm rất tốt như vậy thì liệu có cần phải cấm cửa toàn bộ hoạt động du lịch, vui chơi vào ngày kỷ niệm sắp tới. Cấm thì dễ, nhà nước nhàn tênh, khỏi phải gồng mình chỉ đạo, khỏi phải thức trắng đêm họp hành, khỏi phải thót tim khi nghe tin một vài trường hợp lọt vào Việt Nam mà không khai báo y tế, trốn cách ly… Và tất nhiên sau đó, những ngày lễ họ cũng sẽ được ở bên cạnh những người thân nghỉ ngơi như quyền lợi mà người dân đang được hưởng. Thế nhưng, ai cũng chọn việc nhẹ nhàng gian khổ giành phần ai? Sau khi cấm tiệt đó sẽ là những gì? Hệ quả ra sao?
Mặc dù, Việt Nam là điểm sáng về phát triển kinh tế sau đại dịch, thế nhưng không thể phủ nhận được sự thật, hàng nghìn doanh nghiệp đã bị đóng cửa, ngành du lịch và hàng không đang chới với, ngân sách nhà nước lại phải chìa bàn tay ra cứu trợ. Bao nhiêu ngân sách nữa là đủ, trong khi nợ công thì không ai muốn gánh? Hơn nữa, với tình hình dịch bệnh chúng ta có thể phải tiếp tục đóng cửa với du lịch quốc tế, nếu đóng cửa luôn du lịch nội địa, nơi là nguồn sống duy nhất cho đa số, nơi gần 20% của lực lượng lao động thì bao nhiêu người còn phải cùng cực. Xin thưa họ sẽ chết đói trước khi chết vì dịch bệnh.
Tuy vậy, phát triển kinh tế phải song song với chống dịch. Với tình hình diễn biến ngày càng phức tạp khi Thái Lan đang gia tăng số ca bệnh lây nhiễm, Campuchia vẫn chưa giải quyết được điểm nóng từ dịch thì Việt Nam phải cần phải nâng cao hơn nữa những quy định nghiêm ngặt về chống dịch. Quy tắc 5K nên được hiện thực hóa hơn bằng cách đánh vào túi tiền của mỗi người. Cần phải quy trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp nhập cảnh chui kể, những trường hợp khai báo y tế gian dối bất kể có hay không nhiễm Covid. Thậm chí, nếu cần có thể tham khảo hình thức phạt roi như nước bạn Campuchia. Bất cứ một yêu cầu, quy định nào được đưa ra tin rằng người dân sẽ luôn ủng hộ, bởi suy cho cùng ai cũng đang rất trân quý sự yên bình của đất nước trong bối cảnh hiện tại.
Nói chung, Việt Nam cần nhìn về tình hình thế giới để đưa ra những yêu cầu phù hợp. Nó sẽ thay đổi theo ngày theo giờ, theo diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Tuy nhiên, cần phải nhận thức rằng, chúng ta chống dịch không bằng vắc xin nhưng bằng ý thức. Kêu gọi hô hào cấm cản xong tụ tập ăn nhậu chui thì cũng bằng huề.
Bạn đọc Hạ Anh
* Quan điểm của tác giả không nhất thiết đồng nhất với Cánh Cò