+
Aa
-
like
comment

Lửa giận Hàn Quốc khó nguôi sau lời xin lỗi của Kim Jong-un

Thành Nhân - 25/09/2020 21:38

Sự dứt khoát và thẳng tay của binh sĩ Triều Tiên khi bắn chết quan chức Hàn Quốc khiến nhiều người dân nước này không khỏi sốc xen lẫn giận dữ.

Phát biểu tại Liên Hợp Quốc hôm 22/9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kêu gọi thế giới mở ra kỷ nguyên hòa bình bằng việc ký một tuyên bố chấm dứt chiến tranh hai miền Triều Tiên.

Nhưng cùng ngày, binh sĩ Triều Tiên nổ súng bắn chết một quan chức ngư nghiệp Hàn Quốc bị mất tích trên biển và trôi dạt vào lãnh thổ nước này, hành động có thể làm tan nát hy vọng của Tổng thống Moon Jae-in về “những thay đổi tích cực đối với trật tự thế giới”.

Seoul và Bình Nhưỡng về lý thuyết vẫn trong tình trạng chiến tranh vì Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 chỉ kết thúc bằng hiệp định đình chiến, không phải hiệp ước hòa bình.

Trong cuộc họp báo ngày 25/9, Suh Hoon, giám đốc phụ trách an ninh quốc gia tại Nhà Xanh, cho biết lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gửi thư cho Tổng thống Moon, gửi lời xin lỗi đến người dân Hàn Quốc và bày tỏ lấy làm tiếc vì vụ quan chức ngư nghiệp nước này bị bắn chết trên vùng hải giới.

Lời xin lỗi của Kim Jong-un được đưa ra trong bối cảnh dư luận Hàn Quốc sôi sục vì vụ nổ súng, đặc biệt là thông tin binh sĩ Triều Tiên “thiêu xác” của quan chức bị bắn chết. Ông Moon cũng tuyên bố sẽ “không tha thứ vì bất cứ lý do nào” và yêu cầu Bình Nhưỡng có những hành động “có trách nhiệm”.

Lá thư của Kim Jong-un đã cung cấp những thông tin rõ hơn về vụ nổ súng. Ông cho hay binh sĩ Triều Tiên đã nổ 10 phát đạn khi phát hiện người đàn ông “xâm phạm vùng biển Triều Tiên”, “không cho biết danh tính và tìm cách bỏ trốn”. Các binh sĩ sau đó không tìm thấy thi thể người đàn ông và chỉ đốt chiếc phao ông này mang theo để phòng chống Covid-19.

Thế nhưng, lời xin lỗi này, dù hiếm hoi, có lẽ chưa thể xoa dịu cơn thịnh nộ của người dân Hàn Quốc và con đường hướng tới một nền hòa bình cho bán đảo Triều Tiên chắc chắn sẽ vẫn rất chông chênh, giới chuyên gia đánh giá.

Tổng thống Moon Jae-in phát biểu tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc, ngày 15/8. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Moon Jae-in phát biểu tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc, ngày 15/8. Ảnh: Reuters.

 

Với Tổng thống Moon, người theo đuổi cái gọi là “Chính sách Ánh dương”, ủng hộ một mối quan hệ gần gũi hơn với Triều Tiên, vụ sát hại quan chức Hàn Quốc có thể sẽ làm suy yếu sự ủng hộ từ công chúng đối với chiến lược của ông nhằm tiếp cận Bình Nhưỡng, buộc ông phải áp dụng lập trường cứng rắn hơn với Triều Tiên.

Đây là vị thế hoàn toàn mới đối với Tổng thống Moon, người suốt nhiều năm qua luôn cố gắng tiếp cận Triều Tiên một cách mềm mỏng thông qua các hoạt động hợp tác kinh tế và hiếm khi đưa ra những lời chỉ trích gay gắt nhằm vào Bình Nhưỡng.

“Dư luận ở Hàn Quốc sẽ trở nên rất tiêu cực. Họ vốn đã tiêu cực sẵn, nhưng việc Triều Tiên làm mới đây với Hàn Quốc thật sự rất sốc”, Go Myong-hyun, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul, nhận định.

Vụ quan chức Hàn Quốc bị bắn chết diễn ra sau khi Triều Tiên hồi giữa tháng 6 phá hủy một văn phòng liên lạc chung, về cơ bản cắt đứt mọi liên lạc giữa hai miền. Sự việc mới nhất đe dọa đáng kể tới khả năng Tổng thống Moon tiếp tục duy trì “Chính sách Ánh dương”.

“Chính phủ Hàn Quốc cảm nhận được điều đó, đấy là lý do họ lên tiếng chỉ trích rất gay gắt”, Go nói.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm qua lên án hành vi của Triều Tiên là “tàn bạo”, yêu cầu Bình Nhưỡng giải thích rõ ràng và trừng phạt những người có trách nhiệm.

“Sự việc sẽ làm chậm những bước hòa giải tiếp theo với Triều Tiên”, Kim Chun-sig, cựu quan chức Hàn Quốc chịu trách nhiệm giám sát các chính sách liên quan tới Triều Tiên, đánh giá. “Mối quan hệ liên Triều đã ở mức đáy sẵn rồi”.

Theo bình luận viên Daniel R. DePetri từ báo Washington Examiner, Tổng thống Moon là người vô cùng kiên nhẫn với Bình Nhưỡng, nhưng sự cố mới nhất đã phá vỡ giới hạn của ông.

“Hành trình đến hòa bình giữa hai miền Triều Tiên đã là một chuyến đi đầy gian nan. Giờ đây, con dốc càng cao hơn. Chỉ còn chưa đầy hai năm nhiệm kỳ, Tổng thống Moon Jae-in hiện đứng trước hai lựa chọn: Trả đũa mạnh mẽ và chứng kiến tiến trình hòa bình liên Triều tan biến hoặc chỉ nói mà không hành động để rồi chứng kiến uy tín chính trị của mình giảm mạnh khi các nhà lập pháp Hàn Quốc tố cáo ông không đủ ý chí”, DePetri đánh giá. “Chính phủ Hàn Quốc cần tìm ra điểm trung gian giữa hai thái cực đó. Đồng hồ đang điểm”.

Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, quan chức 47 tuổi thuộc Cục Quản lý Nghề cá Tây Hải, Bộ Đại dương và Nghề cá, mất tích khi đang trên tàu tuần tra làm nhiệm vụ kiểm tra ngoài khơi đảo Yeonpyeong trưa 21/9, trước khi bị lính Triều Tiên phát hiện.

Theo Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JSC) quan chức mất tích được cho là đã nhảy xuống biển nhằm đào tẩu sang Triều Tiên. Tuy nhiên, gia đình và đồng nghiệp phản bác, khẳng định ông chưa bao giờ thể hiện mong muốn nào như vậy. Cảnh sát biển Hàn Quốc đã khám xét con tàu nơi ông làm việc và không phát hiện “dấu hiệu cho thấy ý định đào tẩu”, truyền thông nước này đưa tin.

Đây là lần đầu tiên một người Hàn Quốc bị bắn chết ở Triều Tiên sau hơn 10 năm. Hồi tháng 7/2008, công dân Hàn Quốc Park Wang-ja bị bắn chết tại khu nghỉ mát trên núi Kumgang của Triều Tiên khi đang lang thang trong khu vực cấm. Sau sự việc, nhiều mối hợp tác liên Triều đã bị hủy bỏ.

Trong thư gửi Tổng thống Hàn Quốc, lãnh đạo Triều Tiên cho rằng sự việc đáng lẽ không được xảy ra. Hành động nổ súng đầy quyết liệt của binh sĩ Triều Tiên vẫn khiến nhiều người Hàn Quốc phẫn nộ, bao gồm cả các nghị sĩ hàng đầu.

“Ngay cả khi nghi ngờ họ là gián điệp, ngay cả nếu họ là tù nhân chiến tranh, Triều Tiên cũng không thể hành quyết họ ngay tại chỗ mà không có bất kỳ phiên xét xử nào như vậy”, Song Young-gil, thành viên Ủy ban Đối ngoại Hàn Quốc, viết trên Facebook.

Thành Nhân/WSJ, National Interest, Foreign Policy

Bài mới
Đọc nhiều