Lựa chọn nhân sự khóa XIII: Tiến cử, nâng đỡ cán bộ xấu, ai chịu trách nhiệm?
Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó một số cán bộ bị xử lý hình sự. Điều này cho thấy, ngoài yếu tố công tâm, khách quan, còn đòi hỏi khâu giới thiệu và lựa chọn cán bộ phải có “con mắt tinh đời” như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý.
Hứa hẹn sẽ tạo điều kiện để làm Bộ trưởng?
Sau Đại hội XII của Đảng, với tinh thần: “Lò nóng lên rồi, củi khô, củi tươi vào cũng cháy”, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong công tác bổ nhiệm cán bộ được thực hiện quyết liệt. Qua đó, hàng loạt các vụ việc bổ nhiệm người nhà, người thân, ưu ái, nâng đỡ một cách trắng trợn được các cơ quan chức năng làm rõ.
Điển hình như trường hợp Trịnh Xuân Thanh, dù để lại di sản thua lỗ nặng nề ở Tổng Cty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam song vẫn được ông Vũ Huy Hoàng nâng đỡ, ưu ái giới thiệu và chỉ đạo Vụ Tổ chức – Cán bộ thực hiện quy trình tiếp nhận về Bộ Công Thương. Nghiêm trọng hơn, ông Vũ Huy Hoàng còn tự ý đề nghị phê duyệt bổ sung quy hoạch chức danh Thứ trưởng Bộ Công Thương đối với Trịnh Xuân Thanh. Tiếp đó, bằng những “mối quan hệ đặc biệt”, Trịnh Xuân Thanh được luân chuyển về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Đích thân ông Huỳnh Minh Chắc, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang xin trực tiếp Trịnh Xuân Thanh.
Điều đáng nói là ở thời điểm đó, Trịnh Xuân Thanh không nằm trong danh sách cán bộ được Bộ Chính trị luân chuyển, điều động về công tác tại các địa phương giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Với những vi phạm, khuyết điểm trên, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật nhiều cán bộ có liên quan ở Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Công Thương và Tỉnh ủy Hậu Giang, trong đó có ông Vũ Huy Hoàng, Huỳnh Minh Chắc.
Hay như trường hợp tỉnh Quảng Nam bổ nhiệm Lê Phước Hoài Bảo, 30 tuổi, con trai của Bí thư Tỉnh ủy Lê Phước Thanh làm Giám đốc Sở KH&ĐT. Khi dư luận lên tiếng, lãnh đạo tỉnh này đã liên tiếp đưa “quy trình” ra để hợp thức hóa cho những sai phạm của vị cán bộ trẻ có sở thích chơi chim này. Chỉ đến khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc thì cái quy trình đó hóa ra chỉ là “tấm bình phong” cho sự vun vén, bổ nhiệm người nhà, người thân của ông Lê Phước Thanh. Lê Phước Hoài Bảo sau đó bị xóa tên trong danh sách đảng viên, mất chức giám đốc Sở, còn ông Lê Phước Thanh bị kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Tỉnh ủy (nhiệm kỳ 2010- 2015).
Không chỉ ở cấp bộ, ngành, địa phương mà qua các vụ việc được các cơ quan của Đảng phát hiện thời gian qua như vụ việc của ông Trương Minh Tuấn cũng hé lộ những góc khuất của công tác cán bộ. Theo cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, trong quá trình điều tra, ông Trương Minh Tuấn từng khai thực hiện theo sự chỉ đạo của ông Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT) đặt bút ký quyết định MobiFone mua AVG là vì được ông Son hứa hẹn sẽ tạo điều kiện để làm Bộ trưởng Bộ TT&TT. Mặc dù, khi ra tòa, ông Tuấn phủ nhận nội dung trên, song sự việc cho thấy lập luận của Viện Kiểm sát không phải là không có cơ sở.
Người tiến cử có vô can?
Trao đổi với Tiền Phong, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, trong công tác cán bộ sự công tâm, khách quan trong việc tiến cử, lựa chọn cán bộ vào những vị trí chủ chốt là điều rất quan trọng. Việc nhiều cán bộ bị phát hiện vi phạm và xử lý trong thời gian qua rõ ràng có trách nhiệm của chính những người đề bạt, giới thiệu, tiến cử.
Tuy nhiên, theo ông Hòa, việc xử lý trách nhiệm người tiến cử nhân sự xấu là rất khó, vì chúng ta chưa có quy định cụ thể, nên người ta cứ đổ thừa cho tập thể. Do vậy, người ta có đề bạt, tiến cử người nhà, người thân, hay đồ đệ, phe cánh cũng dễ xảy ra và khó có thể xử lý được trách nhiệm. Chẳng hạn, Bí thư Tỉnh ủy giới thiệu nhân sự lại đưa ra Ban Thường vụ, rồi tập thể Ban Thường vụ “nhất trí” hết. Đến khi người được đề cử đó sai phạm, ông Bí thư giới thiệu lại đổ lỗi cho tập thể, rằng đây là ý kiến tập thể quyết định, còn ông ấy chỉ là người giới thiệu. Vậy là hòa cả làng.
Từ đó, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, điều quan trọng phải làm sao tách được trách nhiệm cá nhân trong trách nhiệm tập thể. Đặc biệt trách nhiệm ở đây là phải xử lý, trừng trị nghiêm khắc, chứ không phải chỉ “xin chịu trách nhiệm” rồi xong. Như vậy, từ nhiệm kỳ tới đây phải đưa ra quy định cụ thể về người tiến cử, đề cử làm cơ sở xử lý. “Người được tiến cử làm tốt, anh được khen. Họ vi phạm kỷ luật, anh phải chịu trách nhiệm liên đới. Như vậy người ta mới không muốn, không ham và không dám tiến cử vây cánh, thân hữu để “lót ổ” khi rời vị trí. Có thế mới lựa chọn được người cán bộ có đủ tâm, đủ tầm nhất vào bộ máy”, ông Hòa nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, phải siết trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc giới thiệu nhân sự. Việc giới thiệu phải công tâm, khách quan, minh bạch đặt lợi ích đất nước, dân tộc lên trên hết.
Trách nhiệm cá nhân người đề xuất, khởi xướng
Theo đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đến việc phải gắn với trách nhiệm của người giới thiệu cán bộ. Trên thực tế, khi giới thiệu cán bộ, không phải cả một tập thể đồng loạt giơ tay giới thiệu một người, mà phải có một người đề xuất, khởi xướng. Người đó phải có trách nhiệm bảo đảm việc tiến cử và phải gắn bó với người được đề cử, tiến cử. Họ phải hiểu rõ hơn hết tài năng, đức độ của người được đề cử, tiến cử, chứ không phải giới thiệu một cách vu vơ, thân hữu hoặc trực hệ, thậm chí mua bán chức vụ.
Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim, nguyên Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho rằng, trong lần lựa chọn nhân sự tới đây cần phải gắn trách nhiệm cụ thể đối với người giới thiệu, tiến cử. “Người đó phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trong quãng đời của người được giới thiệu. Nếu trong quá trình công tác, như người đó xảy ra chuyện, vi phạm gì thì người giới thiệu trước đây phải chịu trách nhiệm chứ không thể hòa cả làng”, ông Kim nhấn mạnh. Có rất nhiều khía cạnh để “soi rọi” cán bộ, tuy nhiên các đại biểu cho rằng, khi lựa chọn cán bộ thì phải dựa vào thực chứng, chứ không phải những tiêu chí, hình thức chung chung, bị “cái mã bên ngoài che đậy cái sơ sài bên trong” như điều mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước từng nhấn mạnh.
Trước đó, Ban Bí thư vừa ban hành Hướng dẫn số 03 một số vấn đề cụ thể thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng. Theo đó, người đề cử nhân sự tham gia cấp ủy phải chịu trách nhiệm trước đại hội về tiêu chuẩn, điều kiện tham gia cấp ủy của người mà mình đề cử. Sau đại hội, nếu xác minh người được đề cử không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định thì tuỳ theo mức độ vi phạm, người đề cử sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của Đảng.
“Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Tiểu ban Nhân sự, trước Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương về nhân sự do mình đề xuất, giới thiệu; không được vì thích ai, ghét ai mà giới thiệu không chuẩn. Lần này phải nhấn mạnh trách nhiệm của người giới thiệu, người đề xuất. Tỏ thái độ chính kiến của mình xem giới thiệu ai, qua đó cũng hiểu được người giới thiệu. Tôi giới thiệu ông A, giới thiệu ông B là người ta nhìn xem anh thế nào. Ngay từ khâu giới thiệu ban đầu có thực sự công tâm, khách quan không? Cái này trong cuộc sống không phải không có, chưa nói đến cánh hẩu, mới chỉ là yêu hay ghét, thích hay không thích thôi. Vì thế, khâu giới thiệu ban đầu rất quan trọng”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Cán bộ toàn quốc ngày 23/4 vừa qua
Văn Kiên – Luân Dũng/TP