“Lựa chọn của Chính phủ và Thủ tướng là có lợi cho nhân dân và đất nước”
Đó là phát biểu của ông Nguyễn Tiến Sinh, Đại biểu Quốc hội khi thảo luận về việc tách luật Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật. Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ.
Đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết, phạm vi điều chỉnh, quan điểm khi xây dựng luật nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn trên cơ sở phân công nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) cho biết, “Dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) đã được Chính phủ thảo luận cân nhắc kỹ lưỡng sau khi tham khảo ý kiến chuyên gia, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền Hội đồng thẩm định của Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tách hai dự án Luật, tôi ủng hộ sự lựa chọn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vì tôi thấy việc này có lợi cho dân, cho nước”. Đặc biệt, về tên gọi, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cho rằng cần sửa tên thành “Luật Đường bộ” cho phù hợp với các luật khác như Luật Đường sắt, Luật Đường thủy nội địa.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Tiến Sinh, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, 2 dự án Luật được Chính phủ trình, Bộ Tư pháp thẩm định; Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng đồng ý chuyển nội dung đào tạo, sát hạch GPLX sang Bộ Công an. Các đại biểu cũng đã thống nhất thông qua chương trình xây dựng Luật nên chúng ta không bàn có tách hay không. Còn Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) thì nhấn mạnh, dù có giao cho Bộ nào làm thì phải quan tâm đến tính hiệu quả.
Thiết nghĩ, tính hiệu quả mà Đại biểu này trăn trở cũng là những điều mà Chính phủ đã cân nhắc rất kỹ lưỡng khi quyết định thông qua việc tách bạch này. Bởi rõ ràng, nhiều năm qua đã tồn tại rất nhiều bất cập về vấn đề an toàn giao thông cho người dân mà Bộ Luật Giao thông đường bộ dù đã phải ban hành 164 văn bản dưới luật nhưng vẫn còn rất nhiều thiếu sót và bất cập. Cứ nhìn vào những con số đáng báo động hiện nay thì sẽ rõ thực trạng ấy đáng báo động đến mức nào. Con số 159.515 hồ sơ liên quan đến tạm giữ, tước GPLX bị tồn đọng mà người vi phạm không đến nhận là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho thấy việc sát hạch, cấp giấy phép hiện nay quá lỏng lẻo. Con số thống kê khi cứ trung bình mỗi sáng 24 người ra khỏi nhà và sẽ không bao giờ trở lại, 60 người ra khỏi nhà lành lặn nhưng về nhà với thương tật trên người, thậm chí tàn phế suốt đời, thì mới phần nào hiểu được những tâm tư trăn trở của những người mong muốn được tách bạch 2 bộ luật này.
Và ngay cả khi mà các vị Đại biểu Quốc hội vẫn còn đang mải mê tranh cãi về tính cấp thiết của việc tách bạch 2 bộ luật này, thì vẫn đang có 24 đồng bào ta ra khỏi nhà vào buổi sáng và sẽ không bao giờ trở lại. Như lời của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã nhận định, “đây không phải là vấn đề tranh giành gì cả mà nguyên tắc một việc giao một cơ quan, cơ quan nào làm tốt hơn giao cho cơ quan đó. Những gì liên quan an toàn trật tự giao thông trên đường bộ thuộc Bộ Công an. Những gì liên quan đến kết cấu hạ tầng, dự án giao thông thuộc Bộ Giao thông vận tải”.
Hy vọng rằng, những vị Đại biểu Quốc hội thấu hiểu tính cấp thiết của sự tách bạch này. Nếu như chúng ta biết trước nguyên nhân của thảm họa mà không tìm cách ngăn chặn thì đó là bất tài chứ không phải bất lực!
Thu An