Lựa chọn cán bộ trước thềm Đại hội
Đại hội 13 đang đến rất gần. Vấn đề cơ bản nhất, quan trọng nhất, quyết định trực tiếp đến sự thành bại của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn tiếp theo là vấn đề về nhân sự. Lựa chọn được đội ngũ cán bộ tốt, có tâm, có tầm, có năng lực thì đất nước sẽ phát triển. Ngược lại, nếu xuất hiện sai lầm trong công tác nhân sự thì rất có thể chúng ta sẽ phải đánh đổi bằng cả chế độ.
Nghị quyết số 26-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ có nêu: “Thời gian tới cũng là giai đoạn chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong chiến tranh, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hoà bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau. Tình hình đó tác động mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc đến công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ”. Để lựa chọn được cán bộ có năng lực, phẩm chất, Đảng, Nhà nước phải rèn luyện, cân nhắc, đánh giá một cách vô cùng khách quan, toàn diện.
Sự nghiệp cách mạng: nỗi lo thời kỳ chuyển giao thế hệ
Đảng, Nhà nước ta vẫn luôn xác định xây dựng chủ nghĩa xã hội là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam. Để hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà cha ông đã lựa chọn, xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa ở nước ta, chúng ta còn phải tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn rất nhiều. Trong đó, yếu tố đóng vai trò quyết định sự thành, bại của sự nghiệp này chính là yếu tố con người.
Trong bối cảnh hiện nay, thẳng thắn đánh giá, yếu tố con người đang có không ít điều đáng để bàn luận. Một mặt, các thế hệ cán bộ cũ, những người trưởng thành từ cách mạng, trải qua những năm tháng khó khăn của đất nước, gắn tuổi xuân với sự nghiệp giải phóng dân tộc dần đi về cõi vĩnh hằng. Mặt khác, những cán bộ mới, những người sinh ra, trưởng thành trong thời kỳ hoà bình dần dần thay thế những thế hệ đi trước. Việc tre già măng mọc là điều hiển nhiên. Vậy nhưng thực tế, còn không ít nỗi lo liên quan đến công tác cán bộ trong giai đoạn tới.
Những câu chuyện “quan lộ thần tốc”, những vấn đề liên quan đến việc “đi đường vòng” để vào nhà nước không phải là chuyện hiếm thấy. Nhiều “hạt giống đỏ” dù được chăm chút cẩn thận nhưng lại không “nảy mầm” hoặc khi nảy mầm lại phát triển một cách lệch lạc, gây hại cho sự nghiệp cách mạng. Hay như câu chuyện mua – bán điểm thi Trung học phổ thông quốc gia được báo chí đưa tin rầm rộ những ngày gần đây, mọi người thực sự không khỏi nghi ngại cho tương lai cách mạng nước nhà. Nếu như mọi việc trót lọt, nếu như những học sinh trên “thuận buồm xuôi gió” đi vào cơ quan công quyền và phát triển theo “đúng lộ trình” thì không biết mọi thứ sẽ đi về đâu?
Bên cạnh những cán bộ có lòng yêu nước, có ý chí cách mạng sâu sắc, chúng ta không thể phủ nhận việc nhiều người trẻ nói chung và nhiều cán bộ nói riêng đang bị phai nhạt lý tưởng cách mạng. Thậm chí, có những người không biết mình là ai, không biết vị trí của mình ở đâu? Sống trong thời kỳ 4.0, lớn lên bằng đồ ăn nhanh KFC, Hamberger, nhiều người đang có xu hướng bị “Tây hoá”. Thậm chí, không ít người có nhận thức hời hợt về lịch sử dân tộc.
Tập trung xây dựng hạt nhân cách mạng
Con người là yếu tố quyết định trực tiếp đến sự thành – bại của cách mạng. Đối với nước ta, sự nghiệp cách mạng xây dựng xã hội chủ nghĩa còn hết sức gian nan, khó khăn và lâu dài. Để đảm bảo thành công của của sự nghiệp này, việc đào tạo, bồi dưỡng, phát triển thế hệ cán bộ trẻ được xác định là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Trong bối cảnh chuyển giao giữa các thế hệ, chúng ta phải làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho thế hệ trẻ nói chung và cán bộ nói riêng. Thế hệ đi trước cần “truyền cảm hứng”, nhiệt huyết với sự nghiệp cách mạng cho các thế hệ đi sau. Chúng ta phải khởi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí quyết tâm xây dựng xã hội chủ nghĩa trong lớp người trẻ. Và đặc biệt, chúng ta phải lựa chọn được những hạt nhân xuất sắc nhất, tinh tú nhất trong quần chúng để bổ sung vào vị trí lãnh đạo sự nghiệp cách mạng. Những tiêu cực, lệch lạc trong công tác cán bộ cần được loại bỏ một cách triệt để, xử lý một cách nghiêm minh, không để những “hạt cỏ” nảy mầm, phát triển khiến cho sự nghiệp cách mạng bị đe doạ.
Chúng ta cần nhớ, sự sụp đổ của Liên Xô xuất phát chính từ công tác cán bộ khi đã “giao trứng cho ác”. Gorbachev – bằng sự gian trá của bản thân và sự trợ giúp của tư bản đã ngồi lên vị trí Tổng bí thư Đảng Cộng sản. Để rồi sau đó, khi Gorbachev phản bộ lại chế độ cộng sản, đất nước Liên Xô cũng bị tan giã.
Lựa chọn cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cao là vấn đề đặc biệt quan trọng. Nếu có sai lầm thì rất có thể chúng ta phải trả giá bằng cả chế độ.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả