+
Aa
-
like
comment

Lũ lụt ở miền Trung: Cần xây dựng kế hoạch phòng chống bài bản dài hạn

Đỗ Mạnh - 13/10/2020 18:46

Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa quanh năm nắng lắm mưa nhiều. Đặc biệt là trên mảnh đất hình chữ S, hàng năm trung bình phải đón nhận trên dưới 10 cơn bão lớn nhỏ.

Năm nào cũng vậy, cứ mỗi lần mùa thu đến là miền Trung Việt Nam lại gồng mình chống bão. Mưa to gió lớn, nhà cửa, đất đai, trường học, bệnh viện lại chìm trong biển nước, thiệt hại về người và của qua mỗi mùa bão tại Miền trung là vô cùng to lớn.

Với đặc điểm địa lý, khu vực miền Trung là có dãy Trường Sơn chạy dọc phía Tây che chắn, nên khi bão đến là thường gây mưa rất lớn. Các con sông từ Hà Tĩnh vào đến Quảng Nam đều ngắn và độ dốc rất cao, nên dòng chảy xiết và có sức công phá lớn. Với đặc điểm như vậy, những ngôi nhà cấp 4 tại miền Trung hầu như không đủ sức để chống chọi với sức mạnh của những dòng nước lũ theo định kì hàng năm.

Rõ ràng là bão lũ xảy ra ở Miền Trung đã thành lệ, diễn ra vào mùa thu kéo dài suốt từ tháng 10 sang tháng 11 hàng năm. Năm nào, Miền Trung cũng hứng chịu từ 3 đến 4 cơn bão có sức công phá lớn và năm nào chúng ta cũng một kịch bản chống lũ giống nhau mà chưa xây dựng một kịch bản mang tính lâu dài.

Nói về hàng cứu trợ đồng bào: Ngoài thuốc men, chế phẩm lọc nước thì thực phẩm nhà nước và các tổ chức cứu trợ chủ yếu là gạo, mì tôm, tiền và quần áo chống rét. Khốn thay ở những chỗ còn nấu nướng được thì, gạo và mì tôm còn phát huy được tác dụng. Những nơi bị cô lập bởi nước, nếu cứ dập khuôn mì tôm và các thực phẩm khác thì dân có nhận được cũng không có điều kiện nấu để ăn. Năm nay nghe nói nhiều nạn nhân sống trong đỉnh lũ cả tuần, phải nhai mì tôm sống rất khổ. Vì vậy các cơ quan chức năng nên có những cải tiến trong hỗ trợ hàng viện trợ. Ở những nơi bị lũ bao vây, có thể gửi cho họ thực phẩm như thịt hộp, cháo hộp và các loại đồ hộp khác để dân có thể dùng ngay mà không phải nấu nướng. Nước khoáng, đồ hộp có thể giúp nhân dân vượt qua khó khăn trong bão lũ mọt cách tốt nhất. Ở những nơi sơ tán và có điều kiện nấu nướng có thể chu cấp cho đồng bào gạo, mì tôm để duy trì cuộc sống. Không nên quá máy móc, chỗ nào cũng gạo, mì tôm sẽ gây khó cho đồng bào không phát huy được hiệu quả.

Lũ tại Miền trung năm nào cũng như một quy luật vì vậy UBPCLB các tỉnh miền Trung hàng năm nên lên kế hoạch trước. Cần xây dựng các kho thực phẩm dự trữ tại địa phương, tại những nơi an toàn nhất để khi lũ lụt xảy ra kịp thời cung ứng cho đồng bào khỏi phải chờ đợi. Những điểm sơ tán, di dân cần được xây dựng nhà kiên cố, an toàn giúp dân yên tâm khi sơ tán đến. Các nhà khoa học cần có những công trình nghiên cứu xây dựng những mô hình nhà theo kiểu nước nổi bèo nổi như đã từng đề xuất xây dựng tại khu vực ĐBSCL trong các mùa lũ trước. Tính mạng người dân chỉ được bảo đảm khi nhà của họ không bị ngập, chắc chắn và không bị lũ cuốn trôi. Trong điều kiện nhà nước chưa đủ kinh phí xây nhà cho dân, các nhà khoa học có thể nghiên cứu thiết kế mô hình nhà nổi và khuyến khích người dân xây dựng theo mô hình đã thử nghiệm.

Chỉ có làm được như thế, hàng năm chúng ta sẽ hạn chế được phần nào sự tàn phá của lũ lụt và giành lại thế chủ động trong công tác phòng chống bão lũ. Ngoài ra cũng cần nghiên cứu và hỗ trợ kinh phí cho mỗi gia đình có được những thuyền nhựa có khả năng ứng cứu kịp thời khi lũ đến bất ngờ. Rõ ràng là chúng ta đang chống lũ theo kiểu lũ đến đâu chống đến đó mà chưa có một kịch bản mang tính dài hạn và cơ bản.

Vì vậy để hạn chế tác hại của bão lũ, có lẽ chúng ta nên thành lập một đội ngũ chuyên gia về bão lũ, rút kinh nghiệm của những đợt lũ trước đề xây dựng một kịch bản chống lũ cơ bản dài hạn và chủ động hơn. Cái gì cũng có quy luật của nó, lũ cũng có quy luật, vì vậy cần có sự nghiên cứu tìm ra quy luật để có biện pháp ứng phó.

Việc cứu hộ cho nhân dân vùng lũ cũng cần phải nghiên cứu những thứ thực phẩm sao cho thích hợp, những vùng không có điều kiện nấu nướng, họ phải được cung cấp những thực phẩm ăn được ngay mà không phải nấu nướng. Nước phải uống được ngay không phải lọc, phải đun. Làm được như thế vừa bảo đảm cho dân giữ được sức khỏe vượt qua khó khăn vừa giúp dân khỏi phải lo tìm cách nấu nướng và lọc nước để duy trì cuộc sống.

Dân tộc ta là dân tộc thông minh, có tinh thần tương thân tương ái. Nếu địa phương khó khăn có thể kêu gọi đồng bào cả nước chung tay cứu trợ với những mặt hàng được đặt hàng trước. Những nhà máy xí nghiệp có thể tập trung sức lực làm ra những thực phẩm sạch nhất, tốt nhất và hiệu quả nhất để phục vụ đồng bào khi gặp hoạn nạn.

Điều cơ bản là những lãnh đạo các cấp phải nhanh nhẹn, tháo vát và quyết đoán, không máy móc sẽ giúp được dân vượt qua khó khăn một cách hiệu quả nhất.

Dân Việt Nam rất rộng lượng với tinh thần lá lành đùm lá rách, nhưng cái dân yêu cầu là sự giúp đỡ của nhân dân cả nước phải được chính quyền các cấp sử dụng một cách hiệu quả, sáng tạo, hàng hỗ trợ phải được chuyển đến tay người cần một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Đỗ Mạnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều