Lũ lên nhanh, dân trở tay không kịp
Mưa lớn liên tục 3 ngày qua khiến mực nước hầu hết các con sông tại miền Trung từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi dâng cao, hàng ngàn ngôi nhà bị ngập, nhiều nơi phải sơ tán dân…
Nhiều tuyến đường miền núi bị sạt lở, chia cắt, đã có nhiều người chết và mất tích trong đợt lũ này. Đến chiều 8-10, mưa lũ đã làm 4 người chết và 7 người mất tích.
Lũ lên nhanh, dân trở tay không kịp
Cam Lộ và Lao Bảo (huyện Hướng Hóa) là tâm lũ tại Quảng Trị. Đến chiều muộn 8-10, nước sông Hiếu mới tạm rút xuống, nhưng suốt hơn 10 tiếng đồng hồ từ rạng sáng đến đầu giờ chiều cùng ngày, người dân các xã ven sông Hiếu đã trải qua những giây phút nghẹt thở trên đỉnh lũ.
Bà Trần Thị Chút (80 tuổi, thôn Bắc Bình, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ), ở ngôi nhà nhỏ cách bờ sông khoảng 100m, kể: “Thấy mưa to suốt từ hôm trước đến đêm là tôi biết đợt này lũ có thể sẽ dâng cao, nhưng không ngờ lại lên nhanh đến thế. 20 năm nay tôi mới thấy lại trận lũ lên nhanh và cao như ri”.
Đến khoảng 10h, ngôi nhà của bà Chút đã bị ngập đến mái. Cũng may trước đó lực lượng cứu hộ kịp thời lái canô vào đưa bà Chút cùng cháu ra nơi tránh lũ an toàn.
Ông Nguyễn Anh Tuân – bí thư kiêm chủ tịch UBND xã Cam Tuyền – nói gần như cả thôn Bắc Bình đã ngập lũ từ sáng sớm. Những thôn khác ven sông Hiếu cũng có hàng trăm nhà ngập lũ từ 2-3m. “Lũ lên nhanh quá, nhiều gia đình không kịp trở tay”, ông Tuân cho hay.
Mưa lớn liên tục hai ngày qua khiến nước sông Sê Pôn giáp biên giới Việt – Lào lên nhanh bất ngờ trong đêm. Đến rạng sáng nay, hàng trăm hộ dân vùng ven sông ngập sâu 3-4m, khiến người dân phải chạy lũ vô cùng vất vả. Ông Nguyễn Lương, nhà ở khóm Cao Việt, thị trấn Lao Bảo, cho biết nếu lúc trưa mưa không ngớt đi vài tiếng đồng hồ thì cả khu vực ven sông này đã chìm hoàn toàn trong lũ.
“Chúng tôi đã qua nhiều trận lũ ở đây, nhưng lần này thực sự sợ hãi. May mà đỉnh lũ mới ngang đó thì xuống”, ông Lương nói.
Sáng cùng ngày, quốc lộ 9 cũng đã bị tắc vì sạt lở. Đây là đường có lưu lượng phương tiện rất lớn. Đến hơn 10h tuyến quốc lộ này mới thông. Nhưng cũng từ buổi trưa, tuyến quốc lộ 1 lại bị tắc vì nước lũ ngập sâu ở một số vị trí. Công an tỉnh Quảng Trị phải lập chốt ở các điểm này để hướng dẫn phương tiện đi lên tuyến đường Hồ Chí Minh.
Đến cuối giờ chiều 8-10, tỉnh Quảng Trị đã có 2 người chết.
Cũng trong ngày 8-10, mưa lớn tiếp tục đổ xuống các địa bàn thuộc tỉnh Quảng Nam làm ngập cục bộ ở các huyện Tây Giang, Đại Lộc, TP Hội An. Tại TP Hội An, nước lũ đã mấp mé báo động 2, một số khu vực thấp trũng ở các phường và trung tâm phố cổ Hội An đã ngập.
Theo phó chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Thế Hùng, chính quyền đã cho sơ tán khẩn cấp một số hộ nằm trong vùng nguy hiểm, các khu dân cư thấp trũng cũng được lên phương án sẵn sàng di dời nếu lũ tiếp tục lên. Trong khi đó, tại huyện Tây Giang mưa lũ đã làm sạt lở hàng chục tuyến đường liên xã, các tuyến quốc lộ khiến lưu thông bị đình trệ.
Ông Lê Hoàng Linh – phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang – cho biết trong ngày 8-10 huyện Tây Giang đã cho di dời hàng trăm hộ gia đình ra vùng an toàn. Trong khi đó, huyện Đại Lộc cũng xuất hiện hàng chục điểm dân cư bị ngập sâu, một người dân trong lúc dọn nhà tránh lũ đã tử vong vì điện giật.
Thừa Thiên Huế: hơn 1.100 ngôi nhà bị ngập
Hầu hết các trạm đo mưa tại TP Đà Nẵng đều ghi nhận lượng mưa với cường độ rất to từ 19h ngày 7-10 tới 17h ngày 8-10. Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng yêu cầu UBND các quận, huyện khẩn trương triển khai phương án phòng chống lũ, lũ quét và sạt lở đất. Triển khai phương án sơ tán nhân dân (đặc biệt các khu dân cư vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét).
UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu Sở Xây dựng chỉ đạo khơi thông cống rãnh thoát nước, vận hành các trạm bơm chống ngập ở khu vực nội thành. Sở GTVT và Công an TP tổ chức chốt chặn ở những vị trí ngập sâu trên các tuyến đường lớn, tổ chức bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội tại các khu vực trọng điểm, các khu vực sơ tán đi và đến.
Trong khi đó, tỉnh Thừa Thiên Huế có một người mất tích là anh Dương Phước H. (trú thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền). Anh H. bị lật ghe vào đêm 7-10 khi đang đi bắt chim, rắn. Ngoài anh H. còn 4 người khác bị thương.
Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 1.100 ngôi nhà bị ngập nước từ 0,3 – 0,8m. Toàn tỉnh đã di dời hơn 300 hộ dân ở những nơi có nguy cơ ngập sâu, bị chia cắt đến nơi an toàn.
Còn tại Quảng Ngãi, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết mưa lớn diễn ra từ ngày 6-10 gây nhiều thiệt hại. Ông Phạm Văn Neo (66 tuổi, thôn Nước Lầy, xã Ba Ngạc, huyện Ba Tơ) bị nước lũ cuốn trôi khi đi qua suối giữa khuya, hiện đã tìm được thi thể.
Mưa lũ cũng làm sạt lở nhiều tuyến đường ở các huyện miền núi, nhiều nhất là huyện Ba Tơ với 5 tuyến đường bị sạt lở gây ách tắc giao thông, cô lập cục bộ nhiều khu dân cư, 9ha hồ nuôi tôm tại huyện Tư Nghĩa chìm trong nước khiến người dân mất trắng hàng chục tấn tôm.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mưa ở miền Trung còn kéo dài đến ngày 10-10, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 250 – 350mm, có nơi trên 400mm. Ở nam Nghệ An, Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa 50 – 100mm, có nơi trên 100mm. Cảnh báo, từ ngày 11-10, các tỉnh Trung Bộ có khả năng xảy ra đợt mưa lớn tiếp theo và kéo dài.
Lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Huế tiếp tục lên
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, lúc 13h ngày 8-10, lũ trên sông Thạch Hãn (Quảng Trị) và hạ lưu sông Thu Bồn (Quảng Nam) dao động ở mức đỉnh; lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đang lên chậm. Dự báo lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế tiếp tục lên, các sông ở Quảng Nam và Quảng Ngãi tiếp tục xuống.
Mưa lũ đã làm ngập 37 xã của các tỉnh thành Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, nhiều nơi bị chia cắt, ngập 0,5 – 1m. Trước tình hình mưa lũ, ngập lụt trên diện rộng, các địa phương ở miền Trung đã tổ chức di dời, sơ tán tổng cộng 3.250 hộ/10.994 người.
Đến chiều 8-10, mưa lũ đã làm 4 người chết và 7 người mất tích (Quảng Trị 5, Thừa Thiên Huế 1, Gia Lai 1). Tại Quảng Trị, sáng 8-10 tàu Vietship TK12 bị chìm gần khu vực Cửa Việt, trên tàu có 5 người, hiện 3 người đã được tàu Vietship01 cứu vớt an toàn, còn 2 người đang trôi dạt trên biển.
Nguy cơ lũ chồng lũ
Ngày 8-10, ông Mai Văn Khiêm – giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia – cho biết dựa trên các mô hình tính toán, nếu “kịch bản” hình thành tiếp một đợt áp thấp nhiệt đới, bão đi vào Biển Đông từ ngày 13-10, nguy cơ mưa lớn chồng mưa lớn, lũ chồng lũ ở khu vực miền Trung là rất cao. Nếu kịch bản này xảy ra, nó sẽ gây ra một đợt mưa lớn tiếp theo cho khu vực miền Trung.
“Một ảnh hưởng tiếp nữa là lũ trên các lưu vực sông. Đặc biệt, sau đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 6 đến 10-10, nếu sau đó hình thành áp thấp nhiệt đới, tác động từ ngày 13 đến 15-10, kịch bản này xảy ra thì liên tiếp có mưa lớn chồng mưa lớn, lũ chồng lũ ở miền Trung, nguy cơ xảy ra lũ lớn là rất cao, cần chủ động trong phòng chống” – ông Khiêm khuyến cáo.
(Theo TTO)