Lọt phim có “đường lưỡi bò”: Không cứ biện minh, rút kinh nghiệm là xong
Tin được không khi những người có chuyên môn cao, có nhận thức chính trị như các thành viên Hội đồng Trung ương Thẩm định phim, lãnh đạo Cục Điện ảnh lại không nhận ra trò bẩn lồng ghép “đường lưỡi bò” phi pháp trong phim?
Sơ suất hay là vô trách nhiệm
Phim hoạt hình Abominable (tựa Việt Everest-Người tuyết bé nhỏ) do DreamWorks Animation Studio (Mỹ) và Pearl Studio (Trung Quốc) sản xuất, khởi chiếu tại Việt Nam từ 4/10/2019, có hình ảnh “đường lưỡi bò” – tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông. Dù nhà phát hành đã ngưng chiếu vào ngày 13/10 nhưng hậu quả của việc công chiếu này là hết sức nghiêm trọng về mặt dư luận.
Hình ảnh “đường lưỡi bò” xuất hiện 4 lần gồm 2 lần ở trailer của phim, 2 lần còn lại xuất hiện ở đoạn những chiếc trực thăng thuộc công ty của ông trùm Burnish phát hiện ra Everest trên sân thượng nhà Yi và đã thổi tung “căn cứ” bí mật của cô bé khiến những bức ảnh đính trên bản đồ bay ra “đường lưỡi bò”.
Dư luận không hiểu Hội đồng Trung ương Thẩm định phim xem phim kiểu gì mà không nhận ra những hình ảnh phản cảm, phản chính trị này? Ông Trần Thanh Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Trung ương Thẩm định phim, xác nhận đã duyệt bộ phim này. Do đây là phim hoạt hình dành cho thiếu nhi, nội dung về bảo vệ môi trường nên trong quá trình duyệt hoàn toàn có thể xảy ra sơ suất (!).
Sơ suất hay là vô trách nhiệm? Với những vị được cơ quan quản lý cao nhất là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt vào vị trí này, có thể nói là sơ suất được không? Trong khi đây không phải lần đầu tiên. Năm ngoái là bài học Điệp vụ biển đỏ. Hội đồng duyệt phim bỏ qua hơn hai phút cuối phim – nhà sản xuất Trung Quốc cố tình gài tinh thần dằn mặt vấn đề chủ quyền trên biển Đông, tuyên truyền sai lệch chủ quyền, dù chưa thấy cá nhân tổ chức nào bị xem xét xử lý trách nhiệm nhưng xem ra Hội đồng Trung ương Thẩm định phim và lãnh đạo Cục Điện ảnh chẳng lưu tâm! Sai phạm lặp lại cùng một nội dung như vậy không thể dễ chấp nhận cho đó là do sơ suất được mà nói thẳng là vô trách nhiệm!
Không cứ biện minh, rút kinh nghiệm là xong
Rõ ràng chuyện gác cổng duyệt phim có vấn đề, mà một trong những vấn đề là mình có lỗi nhưng không bao giờ nhận ra lỗi, và vì vậy không thể khắc phục được. Sai sót trong công việc là khó tránh khỏi. Quan trọng là phải biết nhận ra cái sai để sửa chữa, khắc phục với tinh thần cầu thị. Người làm công tác quản lý càng phải hiểu điều đó. Không vì trốn tránh trách nhiệm, bảo vệ lợi ích của mình mà tìm mọi lý do để bao biện.
Còn nhớ năm ngoái, để làm “chìm xuồng” lỗi của Hội đồng Trung ương Thẩm định phim Điệp vụ biển đỏ, bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, Ủy viên Hội đồng Trung ương Thẩm định phim đã củng cố thêm quan điểm không sai của mình, bà Dung khẳng định Hội đồng Trung ương Thẩm định phim đã làm việc hết sức cẩn trọng, công tâm. Và nay là 11 thành viên này đang phải gánh một khối lượng công việc rất lớn, khi mỗi năm có khoảng 200 phim nước ngoài nhập về Việt Nam và khoảng 40 phim nội địa được gửi tới duyệt, mỗi ngày Hội đồng duyệt khoảng hai phim, dịp lễ tết phải làm việc cả thứ bảy, chủ nhật… Nhiều người không chấp nhận lí do này để biện minh cho sự lơ là khi “gác cổng”, trong khi đó với phim nội soi rất kỹ với tâm lí “dễ người khó ta”.
Về xem xét trách nhiệm của hội đồng, sau Điệp vụ biển đỏ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ có những buổi họp nội bộ góp ý, phê phán và nâng cao trách nhiệm đối với những người làm quản lý điện ảnh, đồng bàn giải pháp tốt hơn. Bộ kiện toàn Hội đồng, tăng lên 11 thành viên. Thế nhưng việc bỏ lọt phim Everest-Người tuyết bé nhỏ cho thấy chất lượng hội đồng không được cải thiện. Hội đồng gồm các thành viên từ Cục Điện ảnh, Hội đồng Lí luận phê bình trung ương, Vụ Văn hóa-Văn nghệ và một số đơn vị khác.
Nếu vẫn bài cũ: “Hội đồng Trung ương Thẩm định phim đã làm việc hết sức cẩn trọng, công tâm” thì việc để lọt hình “đường lưỡi bò” ôm trọn biển Đông trong phim này cần phải được truy cứu trách nhiệm một cách nghiêm túc, không để dễ dàng “chìm xuồng” như vụ sai phạm ở phim “Điệp vụ biển Đỏ”.
Diệu Hương