+
Aa
-
like
comment

Lọt cống chết người: Ai chịu trách nhiệm?

25/09/2020 09:27

Vụ việc một phụ nữ lớn tuổi bị nước cuốn trôi, sau khi lọt xuống một đoạn cống ven đường ở Đồng Nai đã khiến nhiều người vô cùng lo lắng và bất an với những hiểm họa từ cống nước đang rình rập trên đường.

Lọt cống chết người: Ai chịu trách nhiệm? - Ảnh 1.
Mới đây, tại kênh Trung Ương, xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, TP.HCM) một nam thanh niên đã té ngã xuống hố có độ sâu hơn 3m. Khu vực trên được người dân bắc ngang nhiều cây cột và lót sàn để buôn bán – Ảnh: NGỌC KHẢI

Những đoạn cống không có nắp là nguyên nhân dẫn đến những cái chết thương tâm. Đây không phải lần đầu tiên xảy ra chuyện lọt cống, sụp hố ga gây hậu quả chết người. Những cống hở sâu, nước chảy xiết nhìn lâu quen mắt nhưng có thể khiến con người mất mạng khi rơi xuống đó lúc mưa gió.

Nhiều hố nước được tạo ra từ các công trình dang dở cũng thành hiểm họa chết người, nhưng chuyện này vẫn cứ tiếp diễn. Lâu lâu lại có một vụ người đi đường rơi xuống hố ga mất nắp hoặc chưa có nắp ở những công trình đang thi công. Những cái chết tức tưởi, những vụ tai nạn không đáng có đến từ sự dửng dưng trước hiểm họa.

Ai dửng dưng?

Với công trình đang xây, đó là sự dửng dưng và thiếu trách nhiệm của nhà thầu. Với những cống hở có từ bao lâu nay, người dân thấy, nhà chức trách cũng thấy nhưng không khắc phục, sửa chữa nhanh. Những đoạn dây cáp điện thòng xuống đường, những hố công trình đang thi công đầy nước nhưng thiếu rào chắn… là những hiểm họa vẫn nhan nhản khắp nơi.

Nếu những nơi nguy hiểm được rào chắn kỹ, có biển báo sẽ ngăn ngừa rủi ro. Nơi nào có cống rãnh, ao hố phải được khắc phục nhanh. Nơi thường có mưa to, nước chảy mạnh, đường dốc càng phải được lưu tâm xử lý sớm hơn.

Thêm một sự cố chết người, dư luận lại đặt câu hỏi: trách nhiệm của ai? Cũng có vụ đơn vị thi công bị xử phạt, phải đền bù (nếu tai nạn xảy ra khi đang thi công). Còn ở nơi công cộng thì coi như… huề, chỉ còn lại nỗi ngậm ngùi thương vong, thân nhân nào biết kiện ai? Không ít vụ tai nạn thương tâm, đau lòng, “từ trên trời rơi xuống” này thường được đổ lỗi do trời mưa, nước chảy xiết hoặc do nạn nhân bất cẩn, xui rủi.

Cần phải có “địa chỉ” của những người chịu trách nhiệm. Trách nhiệm ở đây là ngoài việc bồi thường, khắc phục hậu quả dân sự còn là các chế tài về trách nhiệm hành chính, thậm chí là trách nhiệm hình sự, vì đã chủ quan, tắc trách hoặc thiếu trách nhiệm để chết người.

Cho nên mỗi người cần bớt chút dửng dưng, hờ hững trước hiểm họa. Có thể quyết liệt góp ý với chính quyền, cùng làm rào chắn, biển báo ở khu vực “nguy hiểm”. Tại sao không?

NGUYỄN ĐƯỚC (TP.HCM)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều