Lớp học xe tăng ‘thần tốc’ của bộ đội Việt Nam trên đấu trường Army Games
Ba lần tham dự hội thao Quân sự quốc tế, đội tuyển xe tăng Việt Nam với tâm thế quyết tâm vượt khó khăn đã dần khẳng định vị thế trên đấu trường.
Nội dung thi đấu “Xe tăng hành tiến” ở hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) luôn kịch tính, mãn nhãn người xem. Đặc biệt năm 2020, tuyển xe tăng Việt Nam vô địch ở bảng 2 đã làm nức lòng người dân cả nước.
Kíp xe do Thiếu tá Trần Việt Hải (32 tuổi), Đại đội trưởng Đại đội 8, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 201, Binh chủng Tăng thiết giáp chỉ huy đã góp công lớn vào tấm huy chương vàng lịch sử của đội tuyển xe tăng Việt Nam.
Anh là trưởng xe và bắn súng máy phòng không trên xe tăng T-72B3, đã có kinh nghiệm 3 năm tham dự Army Games. Mới đây, anh được Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Bộ Quốc phòng tuyên dương là 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân.
Theo học từ năm 2007, Trần Việt Hải tốt nghiệp trường Sĩ quan Tăng thiết giáp tháng 8/2011. Anh gắn bó với Lữ đoàn xe tăng 201 (Binh chủng Tăng thiết giáp) từ đó đến nay.
Nhớ lại hành trình đem vinh quang về cho Tổ quốc, Trần Việt Hải cho biết, qua 3 lần tham dự Army Games, đội tuyển xe tăng Việt Nam đã vượt qua bao khó khăn thử thách để đổi màu huy chương.
Năm 2018, lần đầu tiên đội tuyển xe tăng cùng đội tuyển bếp dã ngoại và quân y tham gia. Cả đội vừa mừng vừa lo vì kiến thức về cuộc thi gần như con số 0.
Điều khó khăn nhất là cuộc thi sử dụng loại xe tăng T-72B3, khác hoàn toàn xe tăng đội đang có. Anh tâm sự: “Bốn kíp xe với 21 thành viên lần đầu tiên đi thi, có lẽ hành trang quan trọng nhất chúng tôi có là ý chí và tinh thần đoàn kết”.
Ngày sang đến thao trường Alabin ở ngoại ô Nga, anh choáng ngợp trước độ mênh mông của nơi thi đấu Xe tăng hành tiến. Hơn hai ngày, được sự giúp đỡ của quân đội nước chủ nhà, cả đội nhanh chóng “tầm sư học đạo”.
Trước rất nhiều bất lợi, cả ban huấn luyện và đội tuyển Việt Nam bảo nhau tận dụng từng giây trên bãi tập để làm quen với thời tiết và vũ khí, trang bị, đồng thời tìm hiểu thao trường thi đấu một cách cặn kẽ. Sau một buổi sáng làm quen học vận hành, đến chiều đội học bắn để rút kinh nghiệm.
Để làm chủ được loại trang bị hoàn toàn mới lạ trong vòng vài 3 ngày rồi đem chúng ra thi đấu với những đội tuyển sừng sỏ là việc không dễ dàng.
Năm 2018, đội tuyển xe tăng quân đội Việt Nam đạt kết quả 17/23. Đến năm 2019, khi đã có kiến thức nền tảng và kinh nghiệm, đội giành huy chương bạc, đánh dấu sự “đột phá” về trình độ sử dụng xe tăng.
“Đã lên xe, ấy là cùng một hướng”
Nhớ lại trận chung kết ở lần thứ 3 tham dự, anh Hải kể lại, ngày 4/9/2020, vòng chung kết bảng 2 đã chứng kiến cuộc đua nghẹt thở giữa 4 đội tuyển: Việt Nam, Lào, Myanmar và Tajikistan.
Mỗi đội tham gia 3 kíp xe, mỗi kíp xe chạy 4 vòng, bao gồm vượt chướng ngại vật và tiêu diệt 8 mục tiêu.
Hiệu ứng cuộc thi năm ấy lan rộng với người Việt ngay trên đất Nga và cả trong nước. Khán đài thi đấu có khi lên đến cả 200 cổ động viên người Việt, cờ đỏ sao vàng tung bay tiếp sức cho đội tuyển. Trong nước, nhiều tờ báo, kênh truyền hình, mạng xã hội livestream với cả triệu người xem trực tiếp.
Kíp xe số 1 đội tuyển Xe tăng Việt Nam gồm Trưởng xe Trần Việt Hải, pháo thủ Lê Quang Hiệp và lái xe Hoàng Mạnh Tuấn đã khởi động lượt thi đấu khá tốt, nhanh chóng vượt chướng ngại vật và tiến về khu vực bắn.
Ở 2 vòng đầu, các vận động viên của Việt Nam nhanh chóng sử dụng súng máy phòng không tiêu diệt bia số 25 và bia số 11. Ở vòng 2, các vận động viên sử dụng súng máy tiêu diệt 2/3 bia số 9. Ngay sau đó, kíp xe số 1 của đội Việt Nam lập tức vào vòng thi tốc độ.
Những cố gắng, nỗ lực của Trần Việt Hải và đồng đội đã được đền đáp xứng đáng. Qua 3 vòng thi đấu, cá nhân anh tiêu diệt toàn bộ 5/5 mục tiêu được đảm nhiệm, giúp kíp xe nói riêng, toàn đội nói chung giành điểm tuyệt đối trong phần bắn súng máy phòng không 12,7mm trên xe tăng.
Với tinh thần “Đoàn kết, hiệp đồng, lập công tập thể”, bộ đội xe tăng “đã lên xe ấy là cùng một hướng”, các kíp xe số 2 và số 3 về sau đã thi đấu xuất sắc, thần tốc hoàn thành phần thi trong thời gian ngắn nhất. Với thành tích 2 giờ 12 phút 47 giây, lần đầu tiên đội tuyển xe tăng Việt Nam giành huy chương vàng tại Army Games.
Huy chương vàng năm 2020 như lời khẳng định với bạn bè quốc tế rằng chúng ta có sự tiến bộ và có đủ khả năng làm được những việc lớn.
Anh bộc bạch: “Điểm lớn nhất mà chúng ta luôn có và mạnh trên đấu trường quốc tế đó là tinh thần đoàn kết dân tộc. Khoảnh khắc biết đội tuyển vô địch, anh em chúng tôi nhảy cẫng lên sung sướng. Toàn đội ôm nhau khóc, bởi xúc động, niềm tự hào là Bộ đội Cụ Hồ cùng truyền thống của lính xe tăng”.
Màn thi đấu của Thiếu tá Hải và đồng đội đã khiến các cổ động viên và bà con Việt kiều vỡ òa cảm xúc khi về nhất trong trận chung kết bảng 2.
Anh Hải cảm thấy may mắn khi vợ và gia đình hai bên thông cảm, giúp đỡ những lúc anh vắng nhà. Múi giờ ở Nga chậm hơn 4 tiếng so với Việt Nam, nên việc gọi điện thoại về cho người thân rất hạn chế. Năm 2018, khi vợ sinh cháu đầu lòng được 6 tháng tuổi thì anh Hải sang Nga thi đấu. Khi Army Games 2020 khởi tranh, cháu thứ hai mới tròn 6 tháng. Tết năm nay, gia đình đón xuân vui hơn năm trước, vì anh cùng đồng đội đã đổi “bạc” thành “vàng”.
Không chỉ giỏi chuyên môn, Trần Việt Hải còn tích cực nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo. Các sáng kiến của anh như: “Cờ chỉ huy tập chiến thuật ngày đêm”, “Giá đỡ bình điện gầm xe T54, T55” đều được ứng dụng vào quá trình huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu tại đơn vị, đạt hiệu quả cao.
Thiếu tá Trần Việt Hải là 1 trong 10 Gương mặt trẻ toàn quân năm 2020, anh còn là 1 trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2020 ở lĩnh vực Quốc phòng. Ba năm liên tục (2018 2020), anh đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Anh được Bộ trưởng Quốc phòng tặng bằng khen sau khi đội đoạt Huy chương Vàng Army Games.
Hồng Anh