Lớp học giúp người khiếm thị ‘online’ học bài, tìm việc
Ngoài học tập, nghiên cứu online, các học viên đã tìm được việc làm như quản lý fanpage, trả lời tin nhắn cho các dịch vụ bán hàng online…
Khi biết sử dụng máy vi tính hay điện thoại thông minh thì người khiếm thị sẽ khai thác được nhiều tiện ích phục vụ cho cuộc sống của mình như có thể gọi xe công nghệ để di chuyển, thậm chí có người sau khi học còn có thể tìm được việc làm hoặc phụ bán hàng online cho gia đình”.
Anh NGUYỄN ĐÌNH ÂN (giảng viên lớp học vi tính và điện thoại thông minh cho người khiếm thị)
Những lớp học tin học dạy sử dụng máy vi tính và điện thoại thông minh đã được Trung tâm Hỗ trợ và phát triển công nghệ cho người mù (TP.HCM) mở ra cho nhiều người khiếm thị được tiếp cận với công nghệ.
Lớp học còn được mở tại một số tỉnh thành trong cả nước với mục tiêu hỗ trợ 2.000 người khiếm thị được tiếp cận với công nghệ.
Thầy trò cùng cảnh
Anh Nguyễn Đình Ân, giảng viên lớp học vi tính và điện thoại thông minh cho người khiếm thị, cho biết khi biết sử dụng máy vi tính hay điện thoại thông minh thì người khiếm thị sẽ khai thác được nhiều tiện ích phục vụ cho cuộc sống của mình, như có thể gọi xe công nghệ để di chuyển…
Bản thân thầy Ân cũng là người khiếm thị nên thấu hiểu được nhu cầu sử dụng công nghệ của người khiếm thị trong cuộc sống ra sao. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP.HCM, Ân về đầu quân cho Thư viện sách nói rồi phụ trách lớp học vi tính cho người khiếm thị của Trung tâm Hỗ trợ và phát triển công nghệ cho người mù.
Ngồi trước chiếc máy tính với màn hình tối đen, Ân vẫn làm việc và đưa tay lướt trên các phím của chiếc máy vi tính chuyên dành cho người khiếm thị sử dụng.
Ân giải thích: “Thật ra với người không nhìn thấy thì cái màn hình vi tính và con chuột không có ích gì với họ. Quan trọng là họ sử dụng được bàn phím với các phần mềm dành cho người khiếm thị khi sử dụng máy vi tính. Trên bàn phím ngay phím chữ F và J phía dưới có cái gờ nhỏ là dấu hiệu giúp người khiếm thị định vị được các phím xung quanh là những phím gì. Cứ thế họ sẽ làm chủ được bàn phím của mình”.
Mới đây, anh Vũ Anh Tuấn (Hội người mù tại Huế) chia sẻ trong buổi khai giảng lớp sử dụng điện thoại thông minh dành cho người khiếm thị tại Huế. Anh nói, với người mù, khi đôi mắt không nhìn thấy ánh sáng đã khó khăn, nếu chúng ta không có cơ hội nắm bắt được công nghệ thông tin thì điều đó càng khó khăn hơn. Khi chúng ta nắm bắt được công nghệ thì nó sẽ giúp chúng ta tự tin hơn trong quá trình hòa nhập cộng đồng trong thời đại 4.0 này.
Công nghệ giúp cuộc sống bớt nhàm chán
Tại lớp học vi tính tổ chức ở TP.HCM, nhiều bạn trẻ khiếm thị là học sinh, sinh viên tìm đến học để hỗ trợ bản thân trong học tập cũng như tiện ích cho cuộc sống. Bạn Nguyễn Xuân Dâng, 26 tuổi, nhà ở Đắk Nông, hiện đang học năm cuối chương trình sư phạm tại Nhạc viện TP.HCM, là học viên của lớp.
“Tôi chọn học về nhạc cụ dân tộc với mong muốn được chuyển tải tình yêu âm nhạc dân tộc đến với các bạn trẻ. Khi có thêm kỹ năng sử dụng vi tính, tôi vào đây để nghe thêm các bài nhạc được những nghệ sĩ biểu diễn. Từ đó học hỏi theo và luyện thêm cho bản thân mình” – Dâng chia sẻ.
Chọn bộ môn sáo trúc, Dâng không chỉ luyện tập tại Nhạc viện mà bạn còn lên mạng để nghe các chương trình của nhiều nghệ sĩ cũng như chính bản thân bạn chia sẻ lại tình yêu bộ môn nghệ thuật này đến với những người đam mê.
Hai học viên nhỏ tuổi của lớp là bạn Nguyễn Thị Yến Như và Phan Ngọc Thanh Thư đang học lớp 7 tại Trường THCS Hoàng Văn Thụ (Q.10). Dù nhà ở tận huyện Hóc Môn, xa lớp học hơn 15km nhưng ba của Thư vẫn chở cô con gái đến với lớp học ba buổi sáng thứ hai – tư – sáu hằng tuần để Thư tiếp cận với tin học.
“Nhờ biết sử dụng máy vi tính nên em vào mạng để nghe những bài học cũng như tìm hiểu thêm rất nhiều kiến thức từ mạng Internet. Còn ở trường vì em không thấy gì nên rất khó để học được môn tin học. Với lại máy phải cài phần mềm dành cho người khiếm thị thì khi sử dụng máy vi tính em mới có thể nghe giọng nói hướng dẫn mình thao tác đúng và tìm được nội dung mình cần” – Thư cho biết.
Thầy Ân chia sẻ thêm, ngoài hỗ trợ việc học, nghiên cứu hay chỉ là sử dụng hữu ích từ việc ứng dụng công nghệ vào cuộc sống, một số học viên sau khi học đã tìm kiếm được việc làm như quản lý fanpage, trả lời tin nhắn… cho các dịch vụ bán hàng online.
Từng tham gia học lớp sử dụng vi tính của trung tâm, chị Thanh Thảo (ở Thủ Đức) nay đã phụ gia đình quản lý cũng như trả lời khách hàng trên trang bán hàng online của gia đình. “Tôi thấy cuộc sống của mình bớt nhàm chán hơn so với trước đây rất nhiều nhờ vào việc mình biết khai thác ứng dụng công nghệ vào cuộc sống” – chị Thanh Thảo chia sẻ.
Đăng ký học miễn phí tại TP.HCM
Chị Nguyễn Lê Hoàng Quỳnh, phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và phát triển công nghệ cho người mù, cho biết dự án sẽ hỗ trợ dạy tin học và dạy sử dụng điện thoại thông minh miễn phí cho người khiếm thị. Sẽ có khoảng 2.000 suất dành cho mọi người tại TP.HCM và các tỉnh thành.
Điều đặc biệt là lớp học do các thầy cô giáo khiếm thị đứng lớp. Học viên tại TP.HCM đăng ký qua số điện thoại 0903334654 hoặc Văn phòng Thư viện sách nói 02839115253 (giờ hành chính). Trung tâm cũng sẽ phối hợp mở các lớp tại các tỉnh thành.
KIM ANH/TTO