+
Aa
-
like
comment

Long An bắt đầu hỗ trợ 20.000 người lao động tự do

13/07/2021 10:55

Tại Long An, hiện có hơn 45.500 người thuộc đối tượng được hỗ trợ theo tinh thần nghị quyết 68 của Chính phủ. Trong số này, 20.000 lao động tự do sẽ bắt đầu được tỉnh triển khai thực hiện hỗ trợ từ ngày 12-7.

Long An bắt đầu hỗ trợ 20.000 người lao động tự do - Ảnh 1.
Ông Nguyễn Văn Được, bí thư Tỉnh ủy Long An, trao tiền hỗ trợ cho người bán vé số, người hành nghề xe ôm tại huyện Bến Lức chiều 12-7 – Ảnh: SƠN LÂM

* Tôi sống bằng nghề bán vé số trên địa bàn tỉnh Long An, hiện tại phải dừng bán, tôi sẽ được hỗ trợ như thế nào?

– Ông Nguyễn Văn Được (bí thư Tỉnh ủy Long An) trả lời: Tại Long An, hiện có hơn 45.500 người thuộc đối tượng được hỗ trợ theo tinh thần nghị quyết 68 của Chính phủ. Trong số này, 20.000 lao động tự do sẽ bắt đầu được tỉnh triển khai thực hiện hỗ trợ từ ngày 12-7.

Đó là những người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định, thu gom rác, phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hóa, lái xe ôm truyền thống, xe xích lô, tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe, bán lẻ vé số lưu động và một số công việc phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh và UBND cấp huyện (người lao động đang cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh).

Như trường hợp của người bán vé số, UBND cấp xã sẽ phối hợp với Ủy ban MTTQ VN xã, phường, thị trấn để tổng hợp, rà soát, lập danh sách các đối tượng đủ điều kiện được hỗ trợ. Mức tiền hỗ trợ sẽ là 50.000 đồng/ngày/người nhân với tổng số ngày lao động bị mất việc hoặc ảnh hưởng thu nhập.

* Từ 0h ngày 13-7, tỉnh Long An yêu cầu các doanh nghiệp chưa thực hiện “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ) phải dừng hoạt động. Doanh nghiệp, người lao động được hỗ trợ gì trong việc phòng dịch này?

– Ông Nguyễn Thành Thanh (trưởng Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Long An) trả lời: Hiện Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Long An đã có văn bản hướng dẫn việc tạm thời thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất đối với các doanh nghiệp.

Theo đó, việc tổ chức sản xuất phải đảm bảo đáp ứng các tiêu chí cho hoạt động phòng chống dịch, phải thuận lợi cho người lao động sinh hoạt tại doanh nghiệp.

Doanh nghiệp có thể bố trí chỗ ở lại ngay tại công ty, nơi ở dã chiến như tại các khách sạn, nhà nghỉ, nhà xưởng gần doanh nghiệp nhưng phải bắt buộc yêu cầu một nơi ở tập trung chỉ bố trí cho người lao động của một doanh nghiệp, không để công nhân của nhiều doanh nghiệp ở cùng nhau.

Nơi ở tập trung phải đảm bảo cách ly, thuận lợi cho người lao động, phải có camera giám sát y tế, đầy đủ thực phẩm và các điều kiện phòng dịch như dung dịch sát khuẩn, kết nối hệ thống thông tin với địa phương…

Còn nơi ở dã chiến phải thêm điều kiện là tách biệt khỏi các khu vực sản xuất, có rào chắn, được chia thành nhiều khu vực riêng biệt cho công tác khử khuẩn, lưu trú, ăn uống, vệ sinh… Khi đảm bảo các tiêu chí này, doanh nghiệp làm hồ sơ gửi đến các đơn vị quản lý để được thẩm định và hoạt động trở lại.

Về việc phải đảm bảo test nhanh cho công nhân, các doanh nghiệp có thể liên hệ với các trung tâm y tế địa phương để được hỗ trợ, hoặc liên hệ đến đường dây nóng của Sở Y tế. Còn về lương thực, Sở Công thương sẽ đảm bảo vấn đề này và cũng có đường dây nóng để sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp khi cần thiết.

Trong quá trình hoạt động “3 tại chỗ”, người lao động chỉ được ở hoàn toàn trong các khu vực theo quy định ở trên. Doanh nghiệp phải cam kết và sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu không thực hiện đúng theo các yêu cầu và để lây lan dịch bệnh.

SƠN LÂM

Bài mới
Đọc nhiều